1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ chuẩn bị tiêm mũi tăng cường chống Covid-19 cho hàng triệu người

Thanh Thành

(Dân trí) - Chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 của Mỹ đang đứng trước một giai đoạn mới lớn, khi các cố vấn chính phủ hôm 23/9 khuyến nghị tiêm liều tăng cường bằng vắc xin Pfizer cho hàng triệu người Mỹ.

Mỹ chuẩn bị tiêm mũi tăng cường chống Covid-19 cho hàng triệu người - 1

Một phụ nữ được tiêm vắc xin Covid-19 tại điểm tiêm chủng ở Mỹ (Ảnh: Reuters).

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 22/9 đã phê duyệt liều tăng cường vắc xin Pfizer cho người từ 65 tuổi trở lên, người dễ bị tổn thương và người làm công việc rủi ro cao.

Sau phê duyệt của FDA, vào ngày 23/9, Ban cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng ủng hộ chiến dịch tiêm liều vắc xin tăng cường. Và họ cũng đi đến khuyến nghị nên tiêm liều tăng cường cho những người trên 65 tuổi, cư dân viện dưỡng lão và những người từ 50- 64 tuổi có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nguy cơ. Liều tăng cường sẽ được tiêm ít nhất 6 tháng sau liều thứ 2.

Theo AP, việc quyết định xem những đối tượng nào khác cần tiêm liều tăng cường vẫn còn khó khăn. Mặc dù có ít bằng chứng cho thấy những người trẻ tuổi có nguy cơ suy giảm khả năng miễn dịch, nhưng ban cố vấn cũng lập kế hoạch lựa chọn tiêm cho những người từ 18-49 tuổi có bệnh mãn tính và muốn tiêm.

Các cố vấn bác bỏ đề xuất tiêm liều tăng cường cho các nhân viên y tế khỏe mạnh ở tuyến đầu chống dịch, những người không có nguy cơ bị nặng nhưng vẫn muốn tiêm để tránh nguy cơ bị lây nhiễm.

Tuy nhiên, hiện ưu tiên hàng đầu của Mỹ vẫn là tiêm cho những người chưa tiêm mũi nào. Ban cố vấn đã tranh cãi rằng, liệu chiến dịch tiêm liều tăng cường có làm xao nhãng mục tiêu đó hay không.

Cả ba loại vắc xin Covid-19 được sử dụng ở Mỹ vẫn hiệu quả ngăn nguy cơ bị nhiễm nặng, nhập viện và tử vong, ngay cả trong bối cảnh biến chủng Delta hoành hành. Nhưng vấn đề đặt ra là hiện mới có khoảng 182 triệu người Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ, tức chỉ 55% dân số.

"Chúng ta có đủ khả năng tiêm liều tăng cường cho mọi người nhưng đó thực sự không phải là câu trả lời cho đại dịch này. Các bệnh viện đang quá tải vì những người chưa tiêm vắc xin", Tiến sĩ Helen Keipp Talbot từ Đại học Vanderbilt cho biết.

Giám đốc CDC Rochelle Walensky đã nhấn mạnh trong một cuộc họp hôm 23/9 rằng, mục tiêu hàng đầu "ở Mỹ và trên toàn thế giới" vẫn là tiêm cho những người chưa tiêm mũi nào.

Tiến sĩ Walensky thừa nhận, dữ liệu về những người thực sự cần tiêm liều tăng cường hiện vẫn "chưa hoàn hảo", nhưng "là những gì chúng ta có trong thời điểm này để đưa ra quyết định về giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến chống đại dịch này".

Ban cố vấn CDC khẳng định, các khuyến nghị của họ sẽ được thay đổi nếu bằng chứng mới cho thấy thêm nhiều đối tượng cần tiêm liều tăng cường.

Kế hoạch tiêm liều tăng cường đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong kế hoạch tiêm chủng đại trà của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trên thế giới, Anh và Israel đã tiêm liều tăng cường cho người dân bất chấp phản đối từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do các nước nghèo vẫn không có vắc xin để tiêm liều đầu tiên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm