1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Công chúa tranh cử: Ý nghĩa nào với chính trường Thái Lan?

Công chúa Thái Lan Ubolratana Rajakanya đã đồng ý ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào ngày 24/3 tới.

thailan 2.jpg

Công chúa Ubolratana Rajakanya

 

Công chúa Ubolratana là chị của Quốc vường Maha Vajirusongkorn. Nhân vật này đã 67 tuổi, là con cả của cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej và Hoàng hậu Sirikit.

Quyết định của công chúa Ubolratana đã gây sốc toàn bộ đất nước Thái Lan khi đã phá vỡ truyền thống của hoàng gia nước này về việc đứng ngoài chính trị. Cho đến nay, chưa một thành viên hoàng gia Thái Lan nào đứng ra tranh cử vị trí cao nhất trong chính quyền.

Công chúa Ubolratana được tuyên bố là ứng viên của đảng Thai Raksa Chart cho vị trí thủ tướng. Điều đáng chú ý, đảng chính trị này là một trong những nhánh quan trọng của đảng Pheu Thai (vì nước Thái) của hai vị cựuThủ tướng đã bị lật đổ trước đó là Yingluck và Thaksin Shinawatra.

Công chúa Thái Lan Ubolratana tuyên bố, bà đang thực thi quyền công dân của mình khi chấp thuận đề cử của một đảng phái chính trị làm ứng cử viên thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 3 tới.
Trên tài khoản Instagram cá nhân, Công chúa Ubolratana cho biết: "Tôi từ bỏ tước hiệu hoàng gia và sống như một dân thường. Tôi chấp thuận đề cử của Đảng Thai Raksa Chart làm ứng cử viên Thủ tướng nhằm thể hiện quyền lợi và sự tự do mà không có bất kỳ đặc quyền nào so với các công dân Thái Lan khác trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp".

Với sự tham gia ứng cử của bà Ubolratana, giới quan sát cho rằng Công chúa sẽ là ứng cử viên có khả năng chiến thắng cao nhất. Tuy nhiên, việc phá vỡ truyền thống hoàng thân tham gia bầu cử cũng sẽ mang đến cho người phụ nữ này nhiều vấn đề phức tạp.

Ngay sau khi có thông tin công chúa Ubolratana tham gia tranh cử, Quốc vương Maha Vajiralongkorn đã ngay lập tức lên tiếng:

“Việc đưa một thành viên cao cấp của hoàng gia vào hệ thống chính trị, dù theo cách nào, cũng trái với truyền thống, phong tục và văn hóa của đất nước, và được coi là rất không phù hợp".

Nhà vua cũng nói mặc dù công chúa Uboltanara đã từ bỏ tước vị hoàng gia, bà vẫn là “một phần của triều đại Chakri” và vẫn là thành viên của gia đình hoàng tộc.
Việc bà Ubolratana tham gia tranh cử lần này được đánh giá là bước đi đột phá của đảng Thai Raksa Chart.

Ông Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok đánh giá: "Đề cử của đảng Thai Raksa Chart không những khiến họ trở thành tâm điểm cuộc bầu cử, mà còn thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc đua. Giờ họ là ứng viên sáng giá nhất cho cuộc bầu cử năm nay".

Paul Chambers, giảng viên ngành cộng đồng ASEAN tại Đại học Naresuan của Thái Lan, cho rằng thân thế hoàng tộc của công chúa Ubolratana sẽ gây khó khăn cho mọi đối thủ tranh cử ghế Thủ tướng. Những đối thủ đó bao gồm cả đương kim Thủ tướng Prayuth, vị tướng quân đội đang điều hành chính quyền quân sự sau cuộc đảo chính năm 2014.

"Ai dám vận động tranh cử chống lại chị gái của nhà vua? Công chúa chắc chắn là mối đe dọa lớn đối với ông Prayuth vì bà ấy có tính chính danh vượt trội so với thủ lĩnh một cuộc đảo chính", chuyên gia Chambers đánh giá.

Thực tế, bầu cử Thái Lan luôn được nhìn nhận là cuộc chiến giữa một bên là nhóm ủng hộ ông Thaksin cùng đồng minh, và một bên là phe ủng hộ quân đội cùng hoàng gia.
Đáng chú ý hơn, mỗi nhóm đều đại diện cho đường lối đối ngoại của mình. Trong đó, chính quyền của ông Thaksin trước đây có quan điểm thân Mỹ, hàng năm họ đều nhận được những khoản viện trợ từ kinh tế đến quân sự từ phía Washington.

Tuy nhiên, sau khi cuộc đảo chính năm 2014 diễn ra, Mỹ đã cắt những khoản viện trợ này vì Hiến pháp Mỹ không cho phép chính quyền nước này cung cấp các khoản viện trợ cho một thế lực đảo chính chiếm chính quyền.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Thái Lan xấu đi trầm trọng dưới thời của Thủ tướng Prayuth. Đáp lại, vị Thủ tướng này xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và gần như là đại diện của Bắc Kinh trong khu vực Đông Nam Á.

Chuyên gia Paul Chambers cho rằng việc Công chúa Ubolratana bước ra ứng cử cho thấy bản thân nội bộ hoàng tộc đã mệt mỏi với sự tiếm quyền và kiểm soát của quân đội tại chính trường Thái Lan.
Đồng thời, người Thái cũng đã ý thức được việc họ cần thay đổi để tự tìm kiếm một sự ổn định về chính trị lâu dài, cũng như việc đảm bảo cho một đường lối đối ngoại phù hợp hơn.

Được biết, bà Ubolratana sinh ra tại Lausanne, Thụy Sĩ, vào tháng 4/1951 trong thời gian vua Bhumibol còn đang du học tại châu Âu. Vua Bhumiblol sau đó có thêm ba người con là Maha Vajiralongkorn, Maha Chakri Sirindhorn và Chulabhorn.

Công chúa Ubolratana được cho là có tư chất thông minh. Bà từng theo học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nổi tiếng của Mỹ, tốt nghiệp ngành toán học năm 1973. Sau đó, bà lấy bằng thạc sĩ ngành y tế công tại Đại học California ở Los Angeles.

Công chúa "búp bê" cũng từng mang lại niềm tự hào to lớn cho hoàng gia và người dân Thái Lan khi cùng phụ thân giành huy chương vàng môn đua thuyền trong Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) 1967 ở Bangkok.

Năm 1972, công chúa Ubolratana bất ngờ từ bỏ thân phận hòa gia để làm đám cưới với người bạn học Peter Ladd Jensen ở MIT. Bà lấy tên mới là Julie Jensen và định cư tại Mỹ cùng chồng. Song cuộc hôn nhân đổ vỡ vào năm 1998 và gần ba năm sau, bà trở về sống ở Thái Lan.

Tại Thái Lan, người phụ nữ này trở thành một ngôi sao truyền thông, có sức ảnh hưởng và lan tỏa rất lớn trong giới nghệ thuật, giải trí của quốc gia Đông Nam Á này.

Theo Minh Hoàng

Báo Đất Việt