1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

“Công chúa” Huawei đối mặt cuộc chiến dai dẳng và tốn kém để tránh bị dẫn độ

(Dân trí) - Mặc dù đã được tòa án Canada chấp nhận đơn xin tại ngoại với số tiền bảo lãnh lên tới 7,5 triệu USD, song Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu vẫn phải đối mặt với không ít thách thức phía trước để tránh bị dẫn độ sang Mỹ.

Giám đốc tài chính Huawei được tại ngoại


Nữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (Ảnh: AFP)

Nữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (Ảnh: AFP)

Tòa án ở British Columbia (Canada) ngày 11/12 đã chấp thuận cho bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch kiêm giám đốc tài chính tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, được tại ngoại sau các phiên điều trần liên tiếp.

Trong thời gian tại ngoại, bà Mạnh buộc phải ở trong căn hộ riêng của gia đình ở Đại lộ 28, Vancouver và chịu sự giám sát đặc biệt của lực lượng an ninh. Bà Mạnh phải đeo vòng điện tử có gắn thiết bị GPS, bị hạn chế đi lại ở một số khu vực nhất định của Vancouver và luôn có lực lượng an ninh giám sát 24/24. Toàn bộ chi phí cho hoạt động giám sát này bà Mạnh phải chi trả.

Được tại ngoại mới chỉ là vượt qua thách thức nhỏ ban đầu, nữ doanh nhân Trung Quốc hiện giờ còn phải đối mặt với một cuộc chiến thậm chí dai dẳng và tốn kém hơn nhiều - cuộc chiến nhằm tránh nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ.

Bà Mạnh bị giới chức Canada bắt giữ hôm 1/12 theo đề nghị của Mỹ. Tuy nhiên, đến nay, giới chức Mỹ vẫn chưa đưa ra đề nghị dẫn độ chính thức với phía Canada.

Theo quy định, Mỹ có 60 ngày, kể từ ngày Canada bắt giữ bà Mạnh, nhằm tổng hợp bằng chứng và đưa ra một đề nghị dẫn độ chính thức. Tiếp đó, Bộ trưởng Tư pháp Canada sẽ có 30 ngày để quyết định có tiếp nhận đề nghị của Mỹ và mở đường cho một phiên điều trần tại tòa về việc dẫn độ bà Mạnh hay không.

Một thẩm phán về dẫn độ thuộc Tòa án thượng thẩm của British Columbia sẽ tiến hành phiên điều trần để xác định bà Mạnh có đáng bị dẫn độ hay không. Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ đưa ra đề nghị dẫn độ cho đến khi phiên tòa như vậy diễn ra sẽ mất một khoảng thời gian không hề ngắn. “Vụ việc này có một số yếu tố không bình thường, do vậy, tôi cho rằng phiên tòa điều trần có thể diễn ra vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020, tôi đoán thế”, Brock Martland, một luật sư tại Vancouver có kinh nghiệm về quy trình dẫn độ, cho biết.

Nếu thẩm phán phán quyết bà Mạnh đáng bị dẫn độ, bà sẽ có 30 ngày để kháng cáo. Bộ trưởng Tư pháp sẽ phải quyết định có ban hành lệnh yêu cầu bà Mạnh tuân thủ quy trình dẫn độ hay không. Về phần mình, bà Mạnh có thể kháng cáo cả hai quyết định này. Trong trường hợp đó, một phiên điều trần sẽ được diễn ra tại tòa phúc thẩm British Columbia và quyết định cuối cùng sẽ do Tòa án Tối cao Canada đưa ra. Theo các chuyên gia luật, một quy trình như vậy có thể kéo dài nhiều năm.

Một lựa chọn khác cho con gái nhà sáng lập Huawei là bỏ qua các quy trình pháp lý ở Canada và thuê các luật sư giỏi nhất để theo đuổi cuộc chiến pháp lý ở Mỹ.

Bộ Tư pháp Mỹ hiện chưa đưa ra bình luận nào, song khẳng định sẽ cho bà Mạnh mọi cơ hội để bảo vệ quyền lợi của mình.

Bà Mạnh bị Canada bắt giữ hôm 1/12 theo đề nghị của Mỹ. Bà bị cáo buộc lừa nhiều ngân hàng đa quốc gia khiến các ngân hàng này có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ và EU khi thực hiện các giao dịch có liên quan đến các thương vụ làm ăn giữa công ty con của Huawei với các công ty Iran trong giai đoạn 2009-2014.

Minh Phương

Theo Vancouver Sun