1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ông Trump "nói hớ", giám đốc tài chính Huawei có thể thoát nguy cơ bị dẫn độ

(Dân trí) - Với tuyên bố “có thể can thiệp”, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã vô tình tạo ra tình tiết có lợi cho Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, người vừa được tòa án Canada cho tại ngoại và chờ phán quyết dẫn độ sang Mỹ.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Một tòa án ở Canada ngày 11/12 đã cho phép bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính Huawei, được tại ngoại. Phán quyết đưa ra trong bối cảnh bà Mạnh đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ và chịu án tù ở Mỹ vì bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Washington.

Ngay sau phán quyết của tòa án Canada, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông có thể can thiệp vào vụ việc của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm vào bà Mạnh nếu cảm thấy điều đó giúp thúc đẩy thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Giới chuyên gia luật và giới chức Canada cho rằng, bình luận này của của ông Trump có thể cho phép các luật sư của bà Mạnh vin vào đó để nói rằng vụ việc nhằm vào bà Mạnh mang động cơ chính trị và các thẩm phán Canada có thể lo ngại có sự lạm dụng hệ thống tòa án ở đây.

“Ông ấy (Tổng thống Trump) đã tạo cho các luật sư của bà Mạnh Vãn Chu cơ hội để lập luận rằng vụ khởi tố nhằm vào bà ấy đã bị chính trị hóa và quy trình dẫn độ sẽ bị chấm dứt”, Robert Currie, một giáo sư về luật quốc tế tại Đại học Dalhousie nhận định.

Các công tố viên Mỹ cáo buộc bà Mạnh lừa đảo nhiều ngân hàng đa quốc gia về các giao dịch liên quan đến Iran, khiến các ngân hàng đó có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Bà Mạnh đến nay vẫn bác bỏ các cáo buộc.

Nếu thẩm phán Canada cho rằng vụ án đủ nghiêm trọng, Bộ trưởng Tư pháp nước này sẽ quyết định tiếp có dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ theo đề nghị của Washington hay không. Khi đó, bà Mạnh sẽ phải đối mặt với án 30 năm tù ở Mỹ.

Các luật sư của bà Mạnh hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào. Trong khi đó, nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng chỉ trích bình luận của ông Trump.

Giám đốc tài chính Huawei lần đầu xuất hiện sau khi được tại ngoại

Trong một phiên điều trần tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện ngày 12/12, Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal nói, ông vô cùng quan ngại với bình luận của ông Trump bởi nó khiến người khác có cảm giác hành pháp của Mỹ là "công cụ của cả thương mại, ngoại giao và chính trị".

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ John Demers nói, cơ quan của ông không phải “một công cụ của thương mại”. “Những gì mà chúng tôi làm ở Bộ Tư pháp là hành pháp. Chúng tôi không làm thương mại”, ông Demers nói.

Về phía Canada, Ngoại trưởng Chrystia Freeland nhấn mạnh không nên chính trị hóa các quy trình pháp lý và cũng cho rằng các luật sư của bà Mạnh có thể vin vào bình luận của ông Trump nếu họ tìm cách ngăn lệnh dẫn độ.

Bennett Gershman, một giáo sư Trường luật Pace tại New York, cho rằng: “Dường như ông Trump đang tận dụng vụ việc này làm quân bài đàm phán trong các thỏa thuận thương mại”. Giới chuyên gia cảnh báo, lợi dụng vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei làm quân bài đàm phán có thể tạo ra “tiền lệ nguy hiểm” và tác động tiêu cực đến sự an toàn của người Mỹ ở nước ngoài.

Michael Zeldin, một chuyên gia phân tích luật của CNN, bình luận: “Sự nguy hiểm ở đây là những hệ quả ngoài ý muốn khi một công dân Mỹ ở nước ngoài bị bắt giữ làm con tin vì những mục đích kinh tế, thương mại. Nếu tôi là cố vấn của tổng thống, tôi sẽ nói rằng, hai điều này không nên đi liền với nhau”.

Bà Mạnh Vãn Chu bị giới chức Canada bắt giữ hôm 1/12 theo yêu cầu của Mỹ. Vụ bắt giữ diễn ra vào thời điểm Mỹ, Trung Quốc căng thẳng vì các vấn đề thương mại. Hai bên đã đạt được một thỏa thuận “đình chiến” thương mại tạm thời hôm 1/12. Nhiều ý kiến cho rằng, Washington đang dùng vụ việc này để gây sức ép đàm phán với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Washington đã bác bỏ cáo buộc này.

Minh Phương

Tổng hợp