1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Canh bạc" của Tổng thống Trump nếu can thiệp vụ bắt giám đốc tài chính Huawei

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn toàn có thể can thiệp vào vụ bắt giữ giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu, song liệu ông có can thiệp hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải vì các chuyên gia cho rằng quyết định này sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: ABC News)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: ABC News)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/12 cho biết ông cân nhắc việc sẽ can thiệp vào vụ việc Canada bắt giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei nếu cần thiết. Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định ông sẽ làm bất cứ điều gì có lợi cho nước Mỹ, để ngỏ khả năng biến bà Mạnh thành “lá bài” trong đàm phán với Trung Quốc về vấn đề thương mại.

Bloomberg dẫn lời các chuyên gia luật pháp, cựu công tố viên cấp liên bang cho biết, với quyền lực của tổng thống, ông Trump hoàn toàn có thể can thiệp vào vụ việc bằng cách chặn việc dẫn độ bà Mạnh về Mỹ xét xử.

Tuy nhiên, họ cũng nhận định ông Trump không dễ gì đưa ra quyết định can thiệp bởi lẽ động thái này có thể sẽ kéo theo một số rủi ro nhất định.

Theo ông Brian Michael, chuyên gia tại công ty luật King & Spalding LLP, sẽ có thể phát sinh các vấn đề liên quan tới hệ thống luật pháp Mỹ, công dân Mỹ và Quốc hội nước này nếu ông Trump đưa ra quyết định can thiệp.

Ông Micheal cho rằng, nếu muốn can thiệp thì ông Trump sẽ yêu cầu Bộ Ngoại giao sẽ dừng việc dẫn độ. Một khi quá trình dẫn độ diễn ra, việc can thiệp sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều vì khi đó Nhà Trắng sẽ tác động vào công việc của Bộ Tư pháp.

Tuyên bố của ông Trump cũng khiến các nhà làm luật Mỹ quan ngại. Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen cho rằng sẽ là rủi ro nếu ông Trump gộp sự việc bà Mạnh và đàm phán thương mại vào làm một vì điều này vô hình chung sẽ tạo nên một tiền lệ không tốt cho luật pháp Mỹ. Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho rằng nếu ông Trump quyết định can thiệp, động thái này sẽ trở nên lạc lõng với chính sách thương mại của Mỹ.

Ngoài ra, bình luận của ông Trump có thể trở thành một yếu tố có lợi cho đội ngũ bào chữa của bà Mạnh trong các phiên tòa liên quan tới việc dẫn độ bà sang Mỹ.

“Luật sư của bà Mạnh có thể sử dụng phát ngôn của ông Trump như một bằng chứng để kết luận rằng việc truy tố bà có yếu tố chính trị can thiệp”, ông Robert Currie, nhà nghiên cứu luật của đại học Dalhousie (Canada) nhận định.

Ngoài ra, Bloomberg cho rằng phát ngôn của ông Trump cũng đang vô tình làm khó Bộ Tư pháp Mỹ khi công khai ý định về việc can thiệp vào sự việc.

Ông John Moscow, cựu công tố viên, hiện là luật sư của công ty Lewis Baach Kaufmann Middlemiss, nói rằng dù Tổng thống có thể thay đổi chính sách nhằm đạt được lợi ích về ngoại giao, nhưng điều này không nên được công bố rộng rãi vì nó có thể khiến dư luận cho rằng chính phủ đang gộp 2 sự việc không liên quan tới nhau làm một và can thiệp tới hoạt động của Bộ Tư pháp.

“Bộ Tư pháp là cơ quan hành pháp, chúng tôi không làm thương mại. Chúng tôi không phải là công cụ thương mại”, ông John Demers, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ về an ninh quốc gia nói.

Ngoài ra, theo ông Matthew Miller, một quan chức Bộ Tư pháp thời cựu Tổng thống Barack Obama nhận định rằng nếu ông Trump quyết định can thiệp, điều này có thể khiến cho các đồng minh và đối tác của Mỹ quan ngại về việc hợp tác với Washington trong các vụ điều tra quốc tế và dẫn độ trong tương lai.

Đức Hoàng

Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm