“Cơn sóng thần” dịch bệnh càn quét Italia
(Dân trí) - Italia đang triển khai hàng loạt biện pháp để đối phó với “cơn sóng thần” dịch bệnh khi virus corona chủng mới đã lây nhiễm cho hơn 10.000 người tại nước này.
Theo New York Times, trong ngày đầu tiên thực thi lệnh hạn chế đi lại và tụ tập đông người do dịch corona, người Italia gần như không còn xuất hiện tại các con phố, cửa hàng, nhà thờ và sân bóng.
Họ tuân thủ theo sắc lệnh “Tôi ở nhà” do Thủ tướng Giuseppe Conte công bố vào tối 9/3, chấp nhận “hy sinh” sự tự do của công chúng để bảo vệ lực lượng dân số già cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước.
Tuy nhiên, ngay cả khi người dân chấp nhận ở trong nhà, các nhà chức trách ở khu vực phía bắc Italia, nơi được xem là tuyến đầu chống dịch, vẫn đề nghị triển khai các biện pháp mạnh tay hơn nhằm đóng cửa toàn bộ hoạt động thương mại và giao thông công cộng, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Attilio Fontana, Thống đốc vùng Lombardy, nơi có điểm du lịch nổi tiếng Milan và nhiều thị trấn nhiễm dịch khác, cho rằng đã đến lúc phải kiên quyết đối phó với dịch bệnh.
Tại Rome, các điểm du lịch trở nên vắng vẻ sau khi chính phủ khuyến cáo du khách nên ở trong nhà hoặc khách sạn. Bên ngoài các siêu thị, người dân xếp thành hàng, tuy nhiên cũng chỉ vài người được phép đi vào bên trong cùng một lúc để đảm bảo quy định về khoảng cách an toàn, tránh lây lan virus.
Reuters dẫn thống kê của giới chức y tế Italia ngày 10/3 cho biết nước này tính đến nay có ít nhất 631 ca tử vong vì Covid-19, trong khi số người nhiễm đã lên tới 10.149 trường hợp. Italia hiện là “ổ dịch” corona lớn nhất tại châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.
Tại thị trấn Verona ở vùng Veneto, nơi có các khu vực nhiễm dịch, hai người bạn bị mất liên lạc lâu ngày đã có cuộc gặp đầy nước mắt hôm 10/3. Họ đã mất hàng chục năm để tìm thấy nhau. Nhưng vì dịch bệnh, họ không thể dành cho nhau dù chỉ một cái ôm.
“Chúng tôi tôn trọng các quy định”, Anna Burro nói khi đứng cạnh người bạn của mình.
Bà Burro cho rằng chính phủ nên đóng cửa tất cả mọi thứ, đồng thời lo ngại các biện pháp “nửa vời” sẽ càng khiến Italia gặp khó khăn nhiều hơn trong công tác phòng dịch.
Tại Rome, người dân đều đeo khẩu trang và găng tay, ngay cả khi họ đi trên những con đường vắng vẻ. Do các trường học đóng cửa tới ngày 3/4, một số cha mẹ đã chọn cách dạy con học tại nhà. Khách du lịch đều được khuyên nên hạn chế đi lại để tránh lây lan virus.
Tại một nhà hàng ở Trastevere, Michelle Dejour, 49 tuổi, một du khách Đan Mạch, ngồi uống cà phê tại một góc bàn, trong khi chồng cô phải nhâm nhi rượu ở một bàn khác.
“Người phục vụ yêu cầu chúng tôi làm như vậy”, Dejour nói.
Sắc lệnh của chính phủ Italia không phải lệnh phong tỏa hoàn toàn. Mặc dù người dân được yêu cầu tránh rời khỏi nhà, song họ vẫn có thể đi lại tới nơi làm việc, các cửa hàng tạp hóa, mua sắm đồ dùng cần thiết, hoặc thực hiện các công việc cá nhân.
Tuy nhiên, các sĩ quan cảnh sát và binh sĩ đã thiết lập các chốt kiểm tra trên cả nước, yêu cầu người dân dừng lại để điền vào tờ khai chính thức và trình bày về hoạt động đi lại của họ. Sau đó, các nhà chức trách sẽ xác minh những thông tin này. Nếu khai báo gian dối, họ sẽ bị coi là phạm tội.
Một số người Italia lớn tuổi nói rằng những con đường ở nước này khiến họ cảm giác giống như thời chiến. Mỗi ngày vào lúc 6 giờ tối, các nhân viên y tế và bảo vệ dân sự sẽ xuất hiện trên truyền hình nhà nước và cập nhật cho công chúng về số ca nhiễm và số ca tử vong. “Nghi thức” này càng tạo thêm cảm giác giống như tai họa đang ập xuống.
“Cơn sóng thần” dịch bệnh
Theo New York Post, Daniele Macchini, bác sĩ làm việc tại một bệnh viện ở thành phố Bergamo, vùng Lombardy, đã chia sẻ trên mạng xã hội câu chuyện về những áp lực mà hệ thống y tế Italia đang phải gánh chịu do số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 quá lớn. Tại Bermago, 1.245 người đã bị chẩn đoán nhiễm Covid-19 và là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch corona tại Italia.
“Cuộc chiến nổ ra theo đúng nghĩa đen và các cuộc giao tranh diễn ra không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm”, bác sĩ Macchini cho biết, đồng thời mô tả tình hình hiện nay tại Italia là “thảm họa dịch tễ”.
“Bây giờ hãy nói cho tôi liệu có loại virus cúm nào có thể gây ra sự tàn phá nhanh như vậy không… Không còn phân biệt bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ tiết niệu hay bác sĩ chỉnh hình nữa, tất cả chúng tôi đột nhiên trở thành một đội duy nhất đối mặt với cơn sóng thần đang bao trùm lên mình”, bác sĩ Macchini nói thêm.
Theo bác sĩ Macchini, các ca bệnh hiện tăng theo cấp số nhân và bệnh viện phải tiếp nhận từ 15 - 20 ca mỗi ngày đều với cùng một lý do. Kết quả xét nghiệm dương tính liên tiếp báo về, còn khoa cấp cứu tại bệnh viện đang bị quá tải. Trong khi đó, đội ngũ y bác sĩ kiệt sức vì điều trị cho số lượng bệnh nhân áp đảo.
“Các bác sĩ cũng phải chuyển giường bệnh và giao nhận bệnh nhân, theo dõi phác đồ điều trị thay cho y tá. Các y tá bật khóc vì không thể cứu sống tất cả mọi người… Chúng tôi không còn được gặp gia đình nữa vì sợ lây cho họ. Một số người trong số chúng tôi đã bị lây dù đã thực hiện các quy trình. Một số đồng nghiệp của chúng tôi bị nhiễm và lây cho người thân. Người thân của họ đang phải đấu tranh giữa sự sống và cái chết”, bác sĩ Macchini chia sẻ.
Cựu Thủ tướng Italia Matteo Renzi nhận định, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như sắc lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà gần đây của chính phủ Italia là động thái cần thiết để bảo vệ toàn bộ khu vực châu Âu.
“Hôm nay, vùng đỏ là Italia. Nhưng trong 10 ngày tới, vùng đỏ sẽ là Madrid, Paris và Berlin”, ông Renzi nói.
Cựu Thủ tướng Renzi cho rằng Italia bây giờ cần cho thấy rõ cách nước này ngăn chặn dịch bệnh như thế nào, nếu không “vùng đỏ sẽ là toàn châu Âu”.
Thành Đạt
Theo NYT, NYP, Reuters