1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Con đường bất ngờ đến chức thủ tướng của em gái Thaksin

(Dân trí) - Chỉ trong vài tuần, bà Yingluck Shinawatra đã từ một nhà chính trị “bất đắc dĩ” trở thành một nữ thủ lĩnh đầy tự tin và tham vọng - một nhân vật chính trị tài ba ẩn trong vẻ bề ngoài nữ nhi và xinh đẹp - báo chí Thái Lan viết.

 
Con đường bất ngờ đến chức thủ tướng của em gái Thaksin  - 1

Bà Yingluck Shinawatra đi bỏ phiếu tại Bangkok ngày 3/7.

“Con bài” cuối cùng?

Ủy ban bầu cử Thái Lan ngày 4/7 tuyên bố sau khi tất cả số phiếu đã được kiểm, Đảng Puea Thai đã giành được 265 ghế trong tổng số 500 ghế ở Hạ viện trong khi Đảng Dân chủ của đương kim Thủ tướng Abhisit Vejjajiva chỉ giành được 159 ghế. Kết quả bầu cử trên đã ghi dấu sự trở lại ấn tượng của những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thái Lan bị lật đổ Thaksin Shinawatra, đồng thời cho thấy khả năng bà Yingluck Shinawatra sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của đất nước xứ Chùa Vàng này.

Ban đầu, Yingluck Shinawatra hoàn toàn không muốn dính đến chính trị. Sinh năm 1967, hiện đang là chủ tịch của công ty bất động sản SC Assets có trụ sở tại Bangkok, bà muốn toàn tâm toàn ý cho công việc kinh doanh. Nhưng cách ngày bầu cử Quốc hội Thái Lan đúng một tháng rưỡi, tên bà Yingluck - em gái út của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, đã chính thức được đảng Puea Thai (Vì nước Thái) công bố là lãnh đạo đảng này.

Đảng Puea Thai, vừa đăng ký thành lập vào tháng 9/2008, là “sự tàng hình” của People's Power Party (PPP - Đảng Sức mạnh Nhân dân), đảng cầm quyền trước đây bị giải tán theo phán xét của tòa án do một số người điều hành đảng này vi phạm pháp luật. PPP ủng hộ hoạt động của “phe áo Đỏ”, được sự nâng đỡ của cựu Thủ tướng Thaksin bị lật đổ vào năm 2006.

Ngay từ khi thành lập đảng, bà Yingluck đã là lựa chọn hàng đầu của ông Thaksin để đảm nhiệm vị trí lãnh đạo đảng, nhưng bà đã từ chối. “Tôi không sẵn sàng từ bỏ cuộc sống của tôi, đặc biệt là hạnh phúc của con trai tôi, để đổi lấy vị trí đầu tiên trong đảng”, bà nói với một thành viên trong đảng Puea Thai hồi đầu năm nay. Bà có một con trai và kinh nghiệm của bà có được toàn bộ là từ công việc kinh doanh của tập đoàn gia đình Shinawatra, bắt đầu với Shinawatra Directories Co.

Nhưng Yingluck đã bị thuyết phục vào giờ chót. Quyết định của đảng Puea Thai ngày 16/5 đề cử bà Yingluck làm thủ lĩnh không phải là điều khiến dư luận trong và ngoài nước Thái ngạc nhiên.

Cựu thủ tướng Thaksin hiện đang sống lưu vong tại Dubai để tránh khỏi phải thụ bản án tù 2 năm vì các tội danh tham nhũng, những tội danh mà ông nói là do động lực chính trị. Trong quá khứ ông từng gọi bà Yingluck, em gái của ông, là giống ông như đúc. Không ít ý kiến cho rằng bà Yingluck là “con bài chính trị cuối cùng” trong tay cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong ở nước ngoài. Ý kiến còn lại băn khoăn rằng liệu bà sẽ làm được gì trong cuộc cạnh tranh được dự báo là quyết liệt ngay từ những phút đầu này?

Con đường đến thành công

Bà Yingluck là con út trong trong gia đình có 9 người con. Bà tốt nghiệp cử nhân khoa học chính trị và quản lý công tại đại học Chiang Mai - TL năm 1988 và có bằng thạc sỹ ngành quản lý công tại đại học Kentucky State University, Mỹ, hai năm sau đó.

Nữ doanh nhân 44 tuổi chưa bao giờ nắm giữ một chức vụ nào trong chính phủ. Nhưng báo chí TL cũng cho rằng giống như người anh, bà có những cảm thông với cử tri theo một phong cách mà đương kim thủ tướng Abhisit Vejjajiva không thể có.

Và bà Yingluck đã làm được và làm tốt để trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan nhờ chiến dịch vận động tranh cử hoành tráng, với đội ngũ cố vấn chính trị đông đảo - những người đã giúp bà hoạch định từng bài phát biểu, từng cái vẫy tay, từng thông điệp và cam kết nặng ký để làm nổi bật thế mạnh của bà trong khi lu mờ những điểm yếu.

Vị “cố vấn” đầu tiên và sát sao nhất chắc chắn là anh trai của bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người trong suốt chiến dịch vận động trạnh cử đã “điều khiển” các cuộc họp hàng tuần qua điện thoại để vạch các đường đi nước bước chiến lược cho em gái, và quan trọng hơn, là khẳng định với em gái rằng bà có thể lãnh đạo đất nước.

Trong những ngày đầu tranh cử, bà Yingluck rất tránh đề cập đến những tranh cãi về vấn đề chính sách. Tiến tới, bà hứa nếu trở thành thủ tướng sẽ khôi phục nền kinh tế, cải thiện đời sống người dân, đảm bảo thực thi công lý trong mọi tiến trình tư pháp và tuân thủ mọi quy định của pháp luật. Bà Yingluck đề nghị đảng Puea Thai ủng hộ bà giống như từng ủng hộ ông Thaksin.

Bà đều đặc truyền tải các thông điệp; nhấn mạnh sự liên kết và thông cảm với những đau khổ của người dân; nêu bật cương lĩnh của đảng Vì nước Thái, gói chính sách mới được phác thảo nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhóm lợi ích - nông dân, người nghèo, trí thức, tầng lớp trung lưu…; không né tránh con số lạm phát đang gia tăng và đề cập cả những điều đảng Dân chủ đối thủ chưa hoàn thành trong 2 năm qua.

Những bài phát biểu của bà ngày càng tinh tế hơn, chọn lọc hơn và đi vào lòng người hơn. Những người trong đảng của bà nói rằng chỉ trong vài tuần qua, bà Yingluck đã chính trở thành một ứng cử viên sáng giá và lập tức con số tỷ lệ ủng hộ bà trong mỗi cuộc điều tra dư luận cũng đều đặn tăng lên.

Thắng lợi và những thách thức

“Nếu trở thành thủ tướng, tôi sẽ không tìm cách báo thù đối với những đối thủ chính trị của gia đình, trái lại sẽ làm hết sức mình để sửa chữa lỗi lầm, khuyết điểm của các thế hệ đi trước”, bà Yingluck nói trong một tuyên bố rất đáng chú ý.

Bà Yingluck đã cam kết sẽ thực thi các chương trình dành cho quần chúng và nối nhịp cầu hàn gắn tình trạng chia rẽ sâu đậm đã có ở Thái Lan kể từ khi người anh Thaksin của bà bị lật đổ trong một vụ đảo chính năm 2006. Theo dự kiến, bà cũng sẽ theo đuổi việc ân xá cho những người bị khép vào các tội hình sự chính trị, để cho anh của bà được trở về Thái Lan.

Với kết quả kiểm toàn bộ số phiếu, Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm của Thái Lan, Tướng Prawit Wongsuwon, ngày 4/7 đã tuyên bố quân đội đầy quyền lực của nước này chấp nhận chiến thắng vang dội của Đảng Puea Thai - động thái sẽ giúp làm lắng dịu nguy cơ về một cuộc đảo chính mới.

Thắng lợi này đánh dấu một sự đảo ngược cho ông Thaksin và các đồng minh của ông gần 5 năm sau khi ông bị buộc phải rời khỏi quyền lực vì một vụ đảo chính của quân đội.

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với công ty truyền hình Thái Lan Thai PBS một giờ sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu, ông Thaksin Shinawatra nói rằng việc các cử tri bỏ phiếu cho đảng Puea Thai thể hiện tiếng nói của người dân hướng tới hòa giải. Chiến thắng của đảng Puea Thai là nhờ nỗ lực tập thể của hàng ngũ lãnh đạo đảng này, chứ không phải do ông.

Ông tuyên bố sẽ không trở về Thái Lan nếu việc trở về đó khuấy động tình hình và bản thân ông cũng không muốn gây rắc rối. Tuy nhiên, ông sẽ từ Dubai (Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất) trở về Thái Lan vào thời điểm thích hợp.

Lên tiếng trên đài truyền hình quốc gia từ trụ sở của đảng Puea Thai, bà Yingluck nói lên quyết tâm sẽ thực thi những lời hứa khi bà vận động bầu cử và sẽ không làm người dân thất vọng. Nhưng bà cũng không quên nhắc đến sứ mạng trước mắt đầy khó khăn: giải quyết vấn đề cơm áo cho dân, cải thiện nền kinh tế và đặc biệt là làm thế nào để lãnh đạo quốc gia để đi đến chỗ đoàn kết và hòa giải.

Con đường đang rộng mở để bà Yingluck trở thành thủ tướng thứ 28 của Thái Lan và là nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước này. Nhưng có thể “nói dễ hơn làm”, nhất là nếu bà Yingluck dự tính ân xá được xúc tiến và ông Thaksin được phép trở về Thái Lan.

Nguyễn Viết