1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cao ốc chọc trời giúp Triều Tiên chống chọi với lệnh cấm vận Liên Hợp Quốc

(Dân trí) - Các nhà quan sát cho rằng Triều Tiên dường như đang triển khai các dự án xây dựng cao ốc chọc trời, khách sạn 5 sao, cùng các dự án bất động sản nhằm thu hút đầu tư, giảm thiểu gánh nặng tài chính cho chính quyền trong bối cảnh lệnh trừng phạt vẫn đang “bủa vây” Bình Nhưỡng.

Các tòa nhà cao tầng tại Bình Nhưỡng (Ảnh: KCNA)
Các tòa nhà cao tầng tại Bình Nhưỡng (Ảnh: KCNA)

Theo SCMP, Bình Nhưỡng được cho là đang đẩy nhanh các dự án nhà đất và xây dựng. Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên dường như đang muốn phát triển thị trường bất động sản cho thuê hoặc tư nhân nhằm mang về nguồn lợi tài chính hỗ trợ chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Theo giới quan sát, chính quyền Triều Tiên được cho là đang thúc đẩy các dự án bán các bất động sản cho tầng lớp có thu nhập cao ở Triều Tiên. Các chuyên gia nhận định, dường như sau khi lên nắm quyền lực, chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có những tác động nhất định tới việc nền kinh tế Triều Tiên có dấu hiệu cởi mở hơn trước đó.

Tuy nhiên, với các dự án bất động sản lớn, mà nhà đầu tư phần lớn đến từ Trung Quốc, đang ghi nhận một số khó khăn nhất định. Dưới sức ép ngày càng gia tăng từ phía Bắc Kinh, các nhà đầu tư đổ tiền vào Triều Tiên dường như đã rút lui ít nhiều.

Tuy vậy, theo ước tính của SCMP, tổng kinh phí xây dựng các dự án ở Bình Nhưỡng có thể lên tới con số hơn 1 tỷ USD. Ông Kim Kum Chol, chuyên gia từ viện kiến trúc Paektusan, đơn vị chịu trách nhiệm nghiên cứu về kiến trúc và thiết kế quy hoạch ở Triều Tiên cho biết từ năm 2012 tới nay, mỗi năm Triều Tiên lại khởi động một số công trình mới. Ông Kim cho rằng bộ mặt của Bình Nhưỡng sẽ thay đổi nhanh chóng từ năm này qua năm khác vì các dự án xây dựng đang mọc lên nơi đây.

Theo giới quan sát, nguồn đầu tư từ Trung Quốc được cho là đã giúp nền kinh tế Bình Nhưỡng tăng trưởng chậm nhưng khá bền vững trong nhiều năm qua. Ngoài ra, sự xuất hiện của thế hệ mới mang tên Jangmadang cũng là nguyên nhân thúc đẩy thị trường bất động sản Triều Tiên. Đây là những người trẻ tuổi, có tư duy về kinh doanh và kinh tế thị trường. Họ được coi là những thanh niên có tư tưởng mới mẻ, hiện đại và đang góp sức vào “cuộc cách mạng kinh tế” Bình Nhưỡng. Họ dường như bắt đầu có thu nhập và tích lũy từ các hoạt động buôn bán, đầu tư. Thế hệ này là một trong những động lực trực tiếp làm nhu cầu nhà ở tư nhân tăng lên ở Triều Tiên.

Các dự án trọng điểm của Triều Tiên

Thủ đô Bình Nhưỡng về đêm (Ảnh: Reuben Teo/Dailymail)
Thủ đô Bình Nhưỡng về đêm (Ảnh: Reuben Teo/Dailymail)

Theo ông Kim Kum Chol, Triều Tiên dự kiến sẽ xây dựng 3 công trình lớn trong năm nay. Đầu tiên là nỗ lực xây mới và cải tạo các khu nhà thấp tầng, cũ kĩ có từ thời chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và chuyển đổi chúng thành các khu phức hợp nhà chọc trời bao gồm văn phòng làm việc, cơ quan chính phủ và khu dân sinh.

Thêm vào đó, Triều Tiên đã bắt tay hoặc lên kế hoạch xây dựng tại khu Wonsan-Kalma của bờ biển phía đông. Tại đây, Bình Nhưỡng dự tính xây khoảng 10 khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các khu căn hộ và cơ sở giải trí. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn từ 3 sao tới 5 sao. Ngoài ra, một sân bay mới cũng đã được xây dựng để phục vụ cho khu vực này.

Cuối cùng là cụm dự án xây dựng tập trung ở khu vực thị trấn Samjiyon nằm ở chân núi Paektu, ngọn núi thiêng theo quan điểm của người Triều Tiên. Tại đây, Triều Tiên dự tính xây dựng một bảo tàng ngoài trời giáo dục truyền thống cách mạng, và một trung tâm canh tác cơ giới hóa, cơ sở sản xuất ra loại khoai tây mà Triều Tiên nói rằng “cả thế giới phải ghen tỵ”.

Tuy nhiên, ông Kim không nói rõ liệu Triều Tiên lấy nguồn vốn từ đâu để xây các dự án này. Giới chuyên gia cho rằng đây dường như có thể là lý do khiến Triều Tiên có quan điểm mềm mỏng và ngoại giao hơn trong một vài tháng qua với Hàn Quốc, hay nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên sang Trung Quốc. Bình Nhưỡng được cho là đang để mắt tới những nhà đầu tư tiềm năng tại 2 quốc gia này.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng thừa nhận những khó khăn nhất định mà Triều Tiên gặp phải sau tháng 9 năm ngoái khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt hơn nữa lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Triều Tiên có thể sẽ gặp khó khăn vì thiếu luồng ngoại tệ chảy vào, và có thể làm chậm tiến độ các dự án đầu tư. Các thanh niên thuộc thế hệ Jangmadang cũng bị ảnh hưởng ít nhiều từ nền kinh tế vĩ mô và có thể làm giảm nhu cầu của họ với nhà đất và bất động sản như một hệ lụy khác của các lệnh cấm vận.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm