1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga chuyển “rồng lửa” S-300 cho Syria: Israel có thể kéo Mỹ vào cuộc

(Dân trí) - Sau khi Bộ Quốc phòng Nga công bố kế hoạch đưa các hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tới Syria sau vụ máy bay trinh sát Il-20 của Moscow bị bắn rơi, các chuyên gia tin rằng Israel có thể sử dụng vấn đề này như một cớ để đề nghị Mỹ tăng cường cung cấp thiết bị quân sự cho Israel.

Từ trái qua phải: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP, Reuters)
Từ trái qua phải: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP, Reuters)

Bộ trưởng Quốc phòng Nga ngày 24/9 đã công bố một loạt biện pháp nhằm tăng cường an ninh cho lực lượng Nga nhằm đáp trả vụ máy bay quân sự Il-20 của Nga bị bắn rơi tại Syria. Moscow cho rằng Israel phải chịu trách nhiệm vì vụ việc này. Theo Bộ trưởng Shoigu, Nga sẽ trang bị cho lực lượng phòng không Syria một loạt trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là hệ thống phòng thủ tên lửa S-300, trong vòng 2 tuần tới để giúp Damascus tăng cường khả năng nhận diện chính xác, tránh xảy ra các sự cố bắn nhầm như vừa xảy ra.

Trong thông báo phát đi hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cho biết Nga từng tạm dừng việc cung cấp các hệ thống S-300 cho Syria theo đề nghị của Israel hồi năm 2013, tuy nhiên bối cảnh đã thay đổi từ đó đến nay và Moscow sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch này.

Israel có thể đáp trả

Theo nhận định của các chuyên gia, Israel có thể tìm cách phá hủy các hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 mà Nga cung cấp cho Syria nếu các hệ thống này trở thành rào cản cho các cuộc không kích thường xuyên của Israel nhằm vào các mục tiêu tại Syria.

“Tất nhiên, Israel sẽ tìm cách tấn công và phá hủy các vị trí đặt hệ thống phòng không (của Nga), tuy nhiên họ khó có khả năng thực hiện được do quân đội Syria đã cải thiện năng lực không chỉ trong lĩnh vực này, mà còn trong các lĩnh vực khác và có thể tự bảo vệ mình một cách phù hợp”, nhà phân tích chính trị Syria Ali Ahmad nói với Sputnik.

Chuyên gia quân sự Ai Cập Adel Suleiman cũng đồng tình với quan điểm trên, cho rằng Israel có thể sẽ tìm cách tấn công hệ thống phòng không S-300 trong tương lai.

“Israel nhiều khả năng sẽ tấn công các hệ thống này. Israel từng tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các hệ thống phòng không ở Lebanon, Syria trong vòng hơn 45 năm qua, bất chấp đó là căn cứ quân sự hay hệ thống radar”, chuyên gia Suleiman cho biết.

Cũng theo ông Suleiman, Israel có thể đối thoại với Nga về việc cung cấp các hệ thống phòng không S-300 cho Syria và đề nghị Moscow hủy bỏ hoặc tạm dừng kế hoạch này.

“Israel sẽ tìm cách thuyết phục Nga hủy bỏ hoặc hoãn kế hoạch này vì quyết định (cấp S-300 cho Syria) rõ ràng nhắm tới Israel”, ông Suleiman nói.

Tarek Ahmad, một đại diện của đảng Dân tộc Xã hội Syria (SSNP), hoài nghi về khả năng Nga có thể hoãn cung cấp S-300 cho Syria. Ông Ahmad cho rằng Nga rất quyết tâm thực hiện kế hoạch này, chứ không chỉ đơn thuần là đưa ra một chiến thuật đàm phán với Israel.

“Một số người cho rằng Nga chỉ dọa đưa S-300 tới Syria, chứ thực tế không bao giờ làm, và đây có thể là chiến thuật đàm phán với Israel. Tuy nhiên lần này không phải như vậy. Lần này, chính Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã công bố thời gian và thông điệp cụ thể. Kế hoạch này sẽ được thực thi. Nga và Syria đã ký thỏa thuận về việc cung cấp S-300 và thỏa thuận này sẽ được triển khai”, ông Ahmad khẳng định.

Mỹ có thể vào cuộc

Hệ thống phòng không S-300 của Nga (Ảnh: Sputnik)
Hệ thống phòng không S-300 của Nga (Ảnh: Sputnik)

Do kế hoạch Nga chuyển S-300 tới Syria gần như chắc chắn sẽ diễn ra, nên các chuyên gia tin rằng Israel có thể sử dụng vấn đề này như một cớ để đề nghị Mỹ tăng cường cung cấp thiết bị quân sự cho Israel.

Hamdi Bakheet, một thành viên của ủy ban quốc phòng và an ninh quốc gia quốc hội Ai Cập, tin rằng Israel sẽ tìm cách hạ nhiệt căng thẳng sau vụ bắn rơi máy bay Il-20 của Nga thông qua các kênh ngoại giao. Tuy nhiên, Israel đồng thời cũng tìm cách “tranh thủ” tình hình này để tiếp nhận thêm “các vũ khí hiện đại hơn” cho quân đội Israel từ Mỹ.

Theo Tarek Ahmad, các vũ khí mới có thể được Israel sử dụng để phá hủy các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga. Ông Ahmad nói rằng Israel luôn đi theo các chính sách của Mỹ.

“Tôi chắc chắn rằng Mỹ sẽ tìm cách chuyển các vũ khí hiện đại hơn cho Israel. Israel sẽ tìm cách phá hủy các hệ thống phòng không mới (S-300 của Nga)”, ông Ahmad nhận định.

Tăng cường an ninh

Theo ông Bakheet, kế hoạch cung cấp S-300 cho Syria của Nga sẽ đóng góp đáng kể vào tình hình an ninh tại Syria và là bằng chứng cho thấy, các tổ hợp tên lửa của Nga không chỉ có khả năng bảo vệ các vùng lãnh thổ nơi quân đội Nga được triển khai mà còn bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Syria.

“Kế hoạch của Nga cho thấy chính quyền Syria sẽ được nhận một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất, có khả năng bao phủ toàn bộ lãnh thổ Syria, và mở rộng phạm vi vượt ra ngoài các khu vực mà Nga đang triển khai lực lượng. Bất kỳ lực lượng không quân nào bị quân đội Syria xem là kẻ thù đều sẽ trở thành mục tiêu của hệ thống phòng không hiện đại này”, ông Bakheet nhấn mạnh.

Hasan Oktay, giám đốc trung tâm nghiên cứu chiến lược Kafkassam của Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng quyết định của Nga sẽ tác động tới an ninh khu vực.

“Nga muốn chuyển S-300 cho Syria để tăng cường khả năng phòng thủ của các căn cứ quân sự, từ đó tăng cường bảo đảm an ninh cho khu vực. Xét từ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thừa nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria, kế hoạch của Nga sẽ có lợi cho họ. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đạt được các thỏa thuận chính về Syria. Phía Nga đã có các đường bay dành cho máy bay Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ giám sát việc sử dụng hệ thống phòng không, do vậy sẽ không có bất kỳ mối đe dọa nào đối với các máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ”, chuyên gia Oktay nhận định.

Căng thẳng Nga - Israel

Uy lực hệ thống phòng không S-300 của Nga

Theo Nikolay Surkov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế có trụ sở tại Moscow, việc triển khai S-300 sẽ làm giảm khả năng của Israel trong việc tấn công các mục tiêu tại Syria, mặc dù điều đó còn phụ thuộc vào số lượng S-300 được chuyển cũng như năng lực của đội ngũ vận hành hệ thống này. Nếu Israel chấp nhận rủi ro và sử dụng các hệ thống vũ khí đắt tiền hơn, Israel vẫn có thể tiến hành các cuộc không kích ở Syria ngay cả khi Nga chuyển S-300 cho Damascus.

“Họ (Israel) sẽ sử dụng thêm nhiều khí tài, sử dụng thêm máy bay không người lái được trang bị vũ khí, hoặc tên lửa hành trình để đối phó với các máy bay chiến đấu”, ông Surkov nói.

Tuy vậy, chuyên gia Surkov cho rằng căng thẳng giữa Nga và Israel có thể sẽ không leo thang thành xung đột. Bộ Quốc phòng Nga hôm qua cũng khẳng định việc Nga tăng cường năng lực phòng không của Syria không nhằm vào “bên thứ ba”.

“Nga đã đưa ra phản ứng và cho Israel thấy họ bất mãn như thế nào. Tuy nhiên Nga và Israel là đối tác và không bên nào muốn làm tổn hại tới mối quan hệ này. Tôi tin sẽ có cách để hai bên đều cảm thấy vừa lòng. Phía Israel có thể sẽ cẩn trọng hơn trong tương lai, còn Nga sẽ kiềm chế các hành động leo thang. Hiện tại chúng ta vẫn chưa thấy có sự đối đầu, mà chỉ là những lời công kích lẫn nhau”, chuyên gia Nga nhận định.

Thành Đạt

Theo RT