Chuyên gia Úc lo ngại tái diễn vụ MH17 do tên lửa của Trung Quốc
(Dân trí) - Lo ngại kịch bản MH17 có thể lặp lại ở Biển Đông, một chuyên gia quốc phòng đầu của Úc Peter Jennings cảnh báo rằng các hãng hàng không dân dụng cần đánh giá mối đe dọa gây ra do các tên lửa Trung Quốc ở Hoàng Sa và tính toán về việc chuyển hướng các máy bay xung quanh quần đảo này.
Nêu ra kịch bản thảm họa MH17 tại Ukraine, trong đó 39 công dân Úc thiệt mạng, ông Jennings - người đứng đầu Viện chính sách chiến lược Úc, cho hay các tên lửa đất đối không mà Trung Quốc triển khai trái phép tới quần đảo Hoàng Sa có thể gây ra mối nguy hiểm tương tự đối với các máy bay thương mại cũng như các máy bay của Không quân hoàng gia Úc.
Ông Jennings, một cựu quan chức quốc phòng cấp cao và là cố vấn về Sách trắng quốc phòng sắp ra mắt của Úc, cho hay các máy bay trinh sát P-3 Orion của Không quân Úc thường bay qua khu vực, nơi tên lửa được nhìn thấy.
Máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi ngày 17/7/2014, khiến toàn bộ 298 người trên khoang thiệt mạng. Vụ việc xảy ra vào đúng thời điểm đang xảy ra giao tranh ác liệt giữa quân đội Ukraine và các phần tử ly khai ở miền Đông.
Ukraine và nhiều nước phương Tây cáo buộc phe ly khai đã bắn hạ máy bay, và có thể đã sử dụng một tên lửa BUK do Nga cung cấp. Mátxcơva và phe ly khai đều phủ nhận mọi trách nhiệm. Họ cho rằng chính quân đội Ukraine mới phải chịu trách nhiệm.
Những tiết lộ về ảnh vệ tinh chụp hệ thống tên lửa HQ-9 của Trung Quốc - được cho là có tầm xa khoảng 200 km - có thể gây ra các cuộc thảo luận trong Bộ Quốc phòng về cách thức đối phó với mối đe dọa.
“Tôi biết rằng họ (Không quân hoàng gia Úc) bay ở đó”, ông Jennings nói với hãng tin Fairfax Media. “Rõ ràng là có nguy cơ nếu họ bay trong phạm vi 200 km. Chắc chắn điều đó sẽ dẫn tới các cuộc thảo luận rất nghiêm túc trong Không quân và Bộ Chỉ huy tác chiến hỗn hợp nhằm tìm cách đối phó với tình hình này”.
“Cũng nên có nhiều cuộc thảo luận tương tự với các hãng hàng không, đặc biệt sau vụ việc tại Ukraine. Trước đó, không có nhiều sự chú ý đối với các tên lửa đất đối không nhưng giờ đây bất kỳ hãng hàng không thương mại nào cũng phải xem xét nguy cơ đó và phải bắt đầu suy nghĩ về việc chuyển hướng”, chuyên gia Úc nhấn mạnh.
Các hãng hàng không thương mại và Bộ Quốc phòng Úc hiện chưa có bình luận gì về thông tin trên.
Trong khi đó, Tư lệnh Quốc phòng Úc Mark Binskin cho biết trong một phiên điều trân của Thượng viện hồi tuần trước rằng một trong những nhiệm vụ chính của các chuyến bay do P-3 Orion thực hiện là thu thập thông tin trinh sát về các hoạt động xây đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Điều đó cho thấy các máy bay của Úc đang bay gần quần đảo Hoàng Sa, nơi tên lửa đã được phát hiện, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động cải tạo đất và xây dựng trái phép tại đó, cũng như tại quần đảo Trường Sa.
Trước đó, Fox News đưa tin Trung Quốc gần đây đã đưa 2 khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9 lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo nguồn tin trên, các bức ảnh do công ty vệ tinh ImageSat International chụp ngày 14/2 cho thấy vài bệ phóng tên lửa và các phương tiện hỗ trợ trên một bãi biển ở đảo Phú Lâm, trong khi bãi biển này trống không vào ngày 3/2.
Giới chức Mỹ và Đài Loan đã xác nhận việc Trung Quốc trái phép đưa tên lửa tới Hoàng Sa.
Nhiều nước trong khu vực đã chỉ trích dữ dội động thái trên. Mỹ, Philippines, Úc, Nhật, Malaysia, New Zealand, đã bày tỏ lo ngại, trong khi Hà Nội gọi việc triển khai tên lửa là “hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”.
An Bình
Theo SMH