Chuyên gia phỏng đoán ý định thực sự của ông Kim Jong un
(Dân trí) - Mặc dù cả Triều Tiên và Mỹ gần đây đều đưa ra những cảnh báo cứng rắn nhằm vào nhau và Bình Nhưỡng cũng cho thấy những tiến bộ của nước này trong công nghệ phát triển tên lửa, song giới chuyên gia nhận định chiến tranh hạt nhân không phải là điều mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un mong muốn.
“Ông ấy (nhà lãnh đạo Kim Jong-un) không phải là người muốn phát động chiến tranh với Mỹ”, Jonathan Pollack, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings, chuyên nghiên cứu về các vấn đề liên quan tới khu vực Đông Bắc Á, nói với ABC News.
“Triều Tiên không muốn tấn công trước vì họ biết rủi ro sẽ như thế nào nếu họ tiến hành một cuộc tấn công như vậy”, chuyên gia Pollack cho biết, đồng thời nói rằng một trong những rủi ro mà Triều Tiên sẽ phải đối mặt nếu xảy ra xung đột với Mỹ đó là chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ “cô lập” Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un thời gian qua liên tiếp đưa ra những cảnh báo sắc lạnh nhằm vào nhau, khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia Scott Snyder tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, “những gì chúng tôi biết về Kim Jong-un đó là ông ấy chỉ muốn tồn tại”.
Cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Steve Ganyard cũng đồng ý với qua điểm trên. Ông nói: “Ông Kim Jong-un là một người lý trí, do vậy, toàn bộ mục tiêu của ông ấy chỉ là sự tồn tại của chế độ (Triều Tiên)”.
“Ông ấy (Kim Jong-un) đã rút ra được bài học từ Saddam Hussein và Muammar Gaddafi. Ông ấy sẽ không bao giờ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Vì vậy, tôi cho rằng ở góc độ nào đó, chúng ta đang quay trở về bối cảnh răn đe và kiềm chế theo phong cách Chiến tranh Lạnh, giống như cách chúng ta từng làm rất hiệu quả với Liên Xô”, ông Ganyard cho biết.
Theo cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, quan hệ Mỹ - Triều sẽ không có nhiều thay đổi trừ khi Mỹ tăng cường trừng phạt kinh tế tới mức làm tê liệt nền kinh tế Triều Tiên.
Trong khi đó, chuyên gia Pollack cho rằng ngoài việc duy trì “sự sống còn” của Triều Tiên trên cương vị lãnh đạo tối cao, ông Kim Jong-un còn có mong muốn “được thừa nhận” trên trường quốc tế.
“Ông ấy lãnh đạo một trong những chính quyền non yếu nhất thế giới với nền kinh tế chỉ bằng 1/40 nền kinh tế của Hàn Quốc. Ông ấy đang tìm cách để chứng minh rằng ông có thể “chơi ngang cơ” với quốc gia mạnh nhất thế giới, và ông ấy làm điều đó thông qua các chương trình quân sự “, chuyên gia Pollack nói thêm.
Thành Đạt
Theo ABC