1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quốc gia Đông Nam Á đầu tiên chính thức gia nhập BRICS

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia, chính thức trở thành một thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).

Quốc gia Đông Nam Á đầu tiên chính thức gia nhập BRICS - 1

Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2024 diễn ra tại Nga (Ảnh: Reuters).

Indonesia đã gia nhập BRICS với tư cách là thành viên chính thức, Brazil, quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm, đã công bố vào hôm 6/1.

BRICS được thành lập vào năm 2009 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với Nam Phi tham gia 2 năm sau đó. Mặc dù nhóm ban đầu được định hướng là một nền tảng hướng về đầu tư và tài chính, nhưng sau đó đã phát triển thành một diễn đàn với chương trình nghị sự rộng hơn, bao gồm các vấn đề an ninh.

Chính phủ Brazil cho biết trong một tuyên bố rằng: "Indonesia chia sẻ với các thành viên khác của nhóm sự ủng hộ đối với việc cải cách các thể chế quản trị toàn cầu và đóng góp tích cực vào việc tăng cường hợp tác ở Nam Bán cầu".

Năm ngoái, BRICS đã kết nạp thêm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) với tư cách là thành viên chính thức. Indonesia, quốc gia có dân số và nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, là nước đầu tiên trong khu vực này trở thành một phần của BRICS.

Ngoài ra, trong Đông Nam Á, cả Thái Lan và Malaysia cũng từng công khai bày tỏ mong muốn được kết nạp vào khối.

Theo các quan chức cấp cao của Nga, hơn 20 quốc gia khác cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS.

Từ năm ngoái, Indonesia khẳng định, việc nước này muốn gia nhập BRICS là biểu hiện của chính sách đối ngoại độc lập chủ động của đất nước. Jakarta khẳng định, điều này không có nghĩa là Indonesia gia nhập một khối nào đó, mà là tích cực tham gia vào mọi diễn đàn.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết.

Indonesia cho biết thêm BRICS phù hợp với các chương trình nghị sự của đất nước, đặc biệt là về an ninh lương thực và năng lượng, xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực, đồng thời nói thêm rằng Jakarta coi nhóm này là "phương tiện" thúc đẩy lợi ích của các nước Nam bán cầu.

Theo RT