Chuyên gia nói về hiểm họa môi trường do tham vọng bành trướng Biển Đông của Trung Quốc
(Dân trí) - Chuyên gia Vince Beiser (Mỹ) cho rằng trong các hoạt động bồi đắp phi pháp và bành trướng Biển Đông Trung Quốc đã sử dụng cát và việc Bắc Kinh lạm dụng nguồn tài nguyên này có thể gây tác động rất tiêu cực tới môi trường.
Căng thẳng trên Biển Đông không có dấu hiệu hạ nhiệt do Trung Quốc liên tiếp có những hành động trái với luật pháp quốc tế như bồi đắp, quân sự hóa các đảo san hô tại khu vực. Biển Đông là vùng biển có ý nghĩa địa chiến lược quan trọng, là một trong những tuyến đường vận tải đông đúc nhất, và sở hữu 10% trữ lượng cá trên toàn thế giới. Hơn nữa, vùng biển này được cho là chứa hàng tỉ thùng dầu thô và hàng nghìn m3 khí tự nhiên.
Trung Quốc dường như không giấu diếm tham vọng muốn chiếm Biển Đông “làm của riêng”. Nước này đưa ra cái gọi là yêu sách “đường chín đoạn”, tuyên bố chủ quyền lịch sử với khu vực, bất chấp sự phản đối của cộng đồng và tòa án quốc tế.
Chuyên gia Vince Beiser, tác giả cuốn sách “Câu chuyện về cát và cách nó biến đổi nền văn minh”, cho rằng Trung Quốc đã sử dụng cát là nguyên liệu để thực hiện kế hoạch xâm lấn trái phép Biển Đông và động thái này có thể gây những tổn hại không nhỏ tới môi trường, phá hủy rạn san hô và môi trường sinh thái tại khu vực.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng một đội tàu có nhiệm vụ nạo vét đại dương, sử dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Sản lượng cát và bùn họ nạo vét từ dưới lòng biển đã tăng gấp 3 lần so với năm 2000, tương đương với hơn 1 tỷ m3, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào. Từ cuối năm 2013, Bắc Kinh điều một đội tàu nạo vét tới hút hàng triệu tấn cát từ lòng đại dương và dùng chúng để bồi đắp phi pháp các đảo san hô trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong vòng 18 tháng, các tàu này bồi đắp được gần 12 km2 đất mới.
Hiện thời, phương pháp xây dựng và bồi đắp như vậy ngày càng phổ biến. Trong hàng chục năm qua, những tiến bộ kỹ thuật cho phép chi phí khai thác hạ thấp, dễ tiếp cận ở khu vực biển sâu và vận chuyển chính xác tới điểm đích. Tàu nạo vét lớn nhất thế giới dài hơn 213 m, cao ngang 1 tòa nhà ở 60 tầng và được trang bị đường ống có thể hút cát từ khoảng cách hơn 150 m dưới mặt nước biển. Singapore, Hà Lan và các quốc gia khác đã sử dụng biện pháp này để mở rộng bờ biển, hoặc xây các hòn đảo nhân tạo từ con số không.
Theo ông Beiser, chỉ tính riêng trong năm 2015, Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp đảo nhân tạo với diện tích gần 2 lần quận Manhattan - nơi đông đúc và sầm uất nhất ở New York, Mỹ.
Quá trình này gây nên mối hiểm họa nghiêm trọng tới môi trường. Trung Quốc gần đây đã dừng các hoạt động cải tạo đất thương mại vì chúng có thể làm tổn hại các rạn san hô và hệ sinh thái khu vực duyên hải. Trung Quốc đổ quá nhiều cát lên các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa tới mức một nhà sinh học đại dương người Mỹ đã nhận định đây là “hành động khiến tốc độ các rạn san hô biến mất vĩnh viễn nhanh nhất trong lịch sử nhân loại”.
Nhưng điều đáng quan ngại hơn, theo New York Times, đó là việc Trung Quốc quân sự hóa khu vực bồi đắp trái phép. Ngay khi cát trên các rạn san hô khô đi, Trung Quốc sẽ ngang nhiên xây dựng các căn cứ quân sự, mang khí tài, vũ khí phi pháp tới khu vực này, trái với cam kết năm 2015 họ từng đưa ra rằng Trung Quốc sẽ “không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa” các đảo trong khu vực.
Đức Hoàng
Theo New York Times