Báo Mỹ:
Chiến lược "một mình chống tất cả" có thể khiến Trung Quốc lĩnh hậu quả ở Biển Đông
(Dân trí) - Báo Forbes (Mỹ) đã đăng tải bài viết của một chuyên gia nhận định rằng chiến lược “một mình chống lại tất cả” của Trung Quốc có thể sẽ khiến Bắc Kinh nhận phải “trái đắng” ở Biển Đông.
Theo tác giả bài viết Panos Mourdoukoutas, Trung Quốc không giấu giếm tham vọng độc chiếm Biển Đông và đó là lý do họ có thể sẽ thất thế vào một ngày nào đó.
Ở Biển Đông, Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam. Bắc Kinh cũng thể hiện quan điểm sẵn sàng đối đầu hải quân của Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Anh và Australia - các nước đang cử tàu chiến thực hiện các nhiệm vụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển có tổng giao dịch 5.000 tỷ USD mỗi năm.
Theo ông Mourdoukoutas, Trung Quốc có nhiều hơn một lý do để lựa chọn chiến lược đi ngược với số đông. Một trong những lý do đó là do tuyến đường trên Biển Đông rất quan trọng và nằm trong tham vọng trở thành nền kinh tế mạnh nhất thế giới của Bắc Kinh.
Theo doanh nhân Vijay Eswaran, người có dày dặn kinh nghiệm về kinh tế và thương mại quốc tế, Biển Đông có thể là điểm bắt đầu của một “con đường tơ lụa” mới trên biển, nằm trong sáng kiến “Vành đai, con đường” cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động. Với lợi thế địa chính trị như vậy, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền và có những hành động phi pháp trên Biển Đông, đi ngược lại luật lệ và quy tắc quốc tế.
Ngoài ra, ông Vijay cho rằng Trung Quốc còn để mắt tới nguồn tài nguyên khoáng sản nằm dưới Biển Đông và coi những nguồn lợi này của “của riêng”. Chính vì vậy, Bắc Kinh đã bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo.
Năm 2016, Tòa án trọng tài thường trực tại La Hay, Hà Lan đã ra phán quyết trong vụ kiện của Philippines rằng các tuyên bố đơn phương về “chủ quyền lịch sử” hay “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh đưa ra là không có cơ sở pháp lý.
Vụ kiện trên diễn ra dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino. Đến thời của Tổng thống Rodrigo Duterte, Trung Quốc đã thực hiện một số chiến lược vừa cứng rắn, vừa hứa hẹn như sẽ đầu tư cho Philippines giải quyết các vấn đề nội bộ. Ông Mourdoukoutas nhận định rằng chiến thuật này phần nào có hiệu quả khi chính quyền Tổng thống Duterte dường như đã bớt căng thẳng hơn với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Tác giả Mourdoukoutas dự đoán, Trung Quốc có thể áp dụng chiến lược này với một số nước đang có tranh chấp với họ trong khu vực.
Mặc dù vậy, các nền hải quân từ các quốc gia phương Tây đã chuẩn bị để thách thức tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Ông Mourdoukoutas cho rằng sự xuất hiện thường xuyên hơn của các nền hải quân mạnh có thể sẽ có tác động tới chiến lược của Trung Quốc trong khu vực và đến thời điểm này cũng rất khó để nhận định rằng liệu Bắc Kinh đã chuẩn bị để đối đầu với những thách thức đến từ các bên hay chưa.
Mặc dù vậy, tác giả Mourdoukoutas cho rằng lịch sử đã chứng minh, những quốc gia muốn một mình chống lại tất cả dường như sẽ có kết thúc nhận “trái đắng”. Ông cho biết, từ trường hợp của đế quốc Nhật ở thế kỷ 20, Trung Quốc nên suy xét kỹ lưỡng vì kịch bản thua cuộc có thể xảy ra với Bắc Kinh trong tương lai.
Đức Hoàng
Theo Forbes