Chuyên gia Nga: Mỹ muốn tấn công các lợi ích dầu mỏ của Trung Quốc tại Venezuela
(Dân trí) - Một nhà khoa học chính trị Nga cho rằng việc Mỹ gây sức ép lên Venezuela và Iran thực chất là nhắm vào Trung Quốc, và rằng Washington muốn lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro để gây tổn hại lớn cho các lợi ích kinh tế của Trung Quốc.
Sputnik đưa tin, ông Oleg Matveychev, giáo sư tại Trường Kinh tế cao cấp Nga, nhận định, từ trước khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xem Trung Quốc là đối thủ kinh tế và chính trị chính của Mỹ. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ là một khía cạnh của cuộc đối đầu địa chính trị này. Ông Matveychev tin rằng chính quyền Trump muốn tấn công các lợi ích của Trung Quốc tại các thị trường năng lượng thế giới.
Theo chuyên gia trên, cả Venezuela và Mỹ đều đang hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực dầu mỏ. An ninh năng lượng của Trung Quốc phụ thuộc chính vào các nước này, vì Bắc Kinh là nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực sản xuất dầu mỏ ở 2 nước đó và cũng là nhà nhập khẩu lớn nguyên liệu thô của họ.
Để làm được điều đó, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran và cấm đầu tư vào việc phát triển các mỏ dầu của họ. Giờ đây, ông Matveychev nói Nhà Trắng cũng ủng hộ cuộc nổi dậy để lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Hồi tháng 9 năm ngoái, ông Maduro tuyên bố Venezuela định gia tăng nguồn cung cấp dầu cho Trung Quốc lên 1 triệu thùng mỗi ngày, có nghĩa là định tăng gấp 3 lượng dầu xuất khẩu tới Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh, Trung Quốc và Venezuela đã ký 28 thỏa thuận hợp tác, chủ yếu liên quan tới việc chế biến dầu thồ, khai thác năng lượng và khai thác mỏ. Venezuela cũng công bố bán 9,9% cổ phần tại Sinovensa, liên doanh giữa hai nước, cho Tập đoàn Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc CNPC. Sau khi việc chuyển giao hoàn tất, Trung Quốc sẽ kiểm soát 49% liên doanh này.
Ông Matveychev tin rằng cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela mà Mỹ hậu thuẫn gây ra nguy cơ lớn hơn đối với các lợi ích của Trung Quốc tại nước này.
“Tất nhiên là sẽ có động thái phức tạp chống lại Trung Quốc, trong đó có một số hành động trên thị trường dầu mỏ thế giới. Người Mỹ biết cách làm thế nào để thao túng dầu nhỏ nhằm tìm kiếm các lợi ích chính trị cho họ”, chuyên gia Nga nhận định.
Cựu Tổng thống Venezuela Hugo Chavez thực sự là một cơn đau đầu với Mỹ. Ông Chavez đã quốc hữu hóa ngành dầu mỏ và tấn công các lợi ích của Mỹ. Việc Mỹ kiểm soát nguồn dầu của Venezuela có thể khiến nước này chịu một tổn thất vì Venezuela đã ký một loạt các thỏa thuận với Trung Quốc.
Theo ông Matveychev, Venezuela có thể phải đền bù các tổn thất đó. Điều này không có lợi cho Venezuela hoặc các công dân nước này. Tuy nhiên, điều đó có thể có lợi cho Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 25/1 đã đưa ra phản ứng thứ 2 trong 2 ngày liên tiếp về tình hình tại Venezuela. Phản ứng này gián tiếp cho thấy Bắc Kinh lo ngại nghiêm trọng về các nguy cơ gia tăng mà nước này phải đối mặt tại Venezuela, do nguồn dầu mỏ dự trữ lớn tại nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói, “Trung Quốc phản đối mối đe dọa can thiệp quân sự tại Venezuela và sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của chính phủ nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự ổn định của Venezuela”.
Bà Oánh cũng nói thêm, Trung Quốc “ủng hộ tất cả các quốc gia tuân thủ các nghị quyết của Hiến chương Liên Hợp Quốc, đặc biệt là không can thiệp vào tình hình nội bộ của nước khác, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và không đe dọa sử dụng vũ lực”.
Người phát ngôn nhấn mạnh, Trung Quốc tin rằng các vấn đề của Venezuela phải do chính người dân nước này lựa chọn và quyết định. “Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên tôn trọng sự lựa chọn của người dân Venezuela và ủng hộ các bên tìm kiếm một giải pháp chính trị thông qua đối thoại hòa bình theo hiến pháp Venezuela”.
Hồi tháng 8/2017, Sputnik từng dẫn lời chuyên gia Nga Mikhail Belyat nói rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Venezuela lên tới 50-60 tỷ USD. Ước tính, phần lớn các khoản đầu tư này tập trung vào việc chế biến và sản xuất dầu mỏ. Nếu tình hình chính trị Venezuela diễn biến có lợi cho Mỹ, các công ty Mỹ có thể vào thị trường dầu mỏ Venezuela và đánh bật các công ty Trung Quốc đang hoạt động tại đó.
Chuyên gia trên nói thêm, ông không cho rằng có một "cuộc chiến" thực sự giữa Trung Quốc và Mỹ tại Venezuela, nhưng có một cuộc cạnh tranh gay gắt nhằm tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc thế giới tại khu vực Mỹ Latinh.
Cũng theo chuyên gia trên, nền kinh tế Mỹ không phụ thuộc vào dầu mỏ Venezuela, nhưng nguồn dầu từ quốc gia Nam Mỹ là một nhân tố quan trọng trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Mà thị trường dầu mỏ thế giới lại có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới, do đó việc kiểm soát nguồn dầu mỏ của Venezuela có thể mang lại đòn bẩy mạnh mẽ trong việc kiểm soát kinh tế toàn cầu.
Lãnh đạo phe đối lập ở Venezuela, ông Juan Guaido, người được bầu làm Chủ tịch quốc hội ngày 5/1, ngày 23/1 đã tự nhận trở thành tổng thống lâm thời của quốc gia này, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ trải qua cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng lên tiếng công nhận ông Guaido là Tổng thống lâm thời.
Đương kim Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sau đó đã cáo buộc phe đối lập âm mưu đảo chính với sự hậu thuẫn của Mỹ.
An Bình
Tổng hợp