1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nguy cơ Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela giữa lúc khủng hoảng

(Dân trí) - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mọi phương án đang được xem xét đối với cuộc khủng hoảng tại Venezuela làm dấy lên nhiều lo ngại rằng Washington sẽ tìm cách can thiệp quân sự vào quốc gia Nam Mỹ này.

Nguy cơ Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela giữa lúc khủng hoảng - 1

Tổng thống Nicolas Maduro tham gia cuộc tuần hành ủng hộ chính quyền của ông tại thủ đô Caracas ngày 23/1. (Ảnh: Xinhua)

Tổng thống Donald Trump ngày 23/1 tuyên bố “mọi phương án đều đang được xem xét” khi trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng xảy ra phương án can thiệp quân sự vào Venezuela. Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra khi Mỹ đang tìm cách buộc đương kim Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phải từ bỏ quyền lực sau một loạt vụ việc căng thẳng gần đây. Tuy nhiên, theo Washington Post, câu chuyện trên thực tế diễn ra phức tạp hơn nhiều.

Mỹ vẫn có nhiều phương án nhằm gây sức ép với Tổng thống Maduro sau nhiều năm chỉ trích mạnh mẽ và tăng cường trừng phạt với Venezuela. Tuy nhiên, các biện pháp có chủ đích xa hơn của Mỹ có thể không gây tổn hại nhiều cho Venezuela, một đất nước vốn chìm trong khủng hoảng trong những năm qua, trong khi một bước đi mạnh tay như cấm nhập khẩu dầu mỏ của Venezuela có thể gây thâm hụt nghiêm trọng cho chính nền kinh tế Mỹ.

Biện pháp “cực đoan” nhất mà Mỹ có thể áp dụng với Venezuela là can thiệp quân sự trực tiếp, tuy nhiên phương án này dường như chưa được chính quyền Trump xem xét, ít nhất ở thời điểm hiện tại.

Mỹ và nhiều nước khác ngày 23/1 đã đưa ra quyết định bất thường khi công nhận Juan Guaido, thủ lĩnh phe đối lập đang lãnh đạo Quốc hội Venezuela, làm tổng thống lâm thời của quốc gia Nam Mỹ này. Trong khi đó, ông Nicolas Maduro, người vừa đắc cử tổng thống hồi năm ngoái trong một cuộc bầu cử bị chỉ trích là gian lận, vẫn nắm quyền kiểm soát quân đội và các lực lượng an ninh, đồng thời nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận công chúng nhất định. Ông Maduro cũng không đánh tín hiệu cho thấy ông có ý định từ chức.

Trong phiên họp khẩn cấp hôm qua, 16 trong số 34 nước thuộc Tổ chức các quốc gia châu Mỹ đã công nhận Juan Guaido, chính trị gia 35 tuổi, là tổng thống lâm thời hợp pháp của Venezuela. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi các nước thành viên phản đối Tổng thống Maduro “bất hợp pháp” và cam kết sẽ chi 20 triệu USD để viện trợ nhân đạo cho Venezuela.

Khi được hỏi về các bước đi tiếp theo đối với Venezuela, các quan chức chính quyền Mỹ tiếp tục nhắc lại những gì mà Tổng thống Trump từng nói, đó là “mọi phương án đều đang được xem xét”.

Một “vũ khí” uy lực do một số nghị sĩ Mỹ, bao gồm Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio, đề xuất là các lệnh trừng phạt nhằm vào tài nguyên dầu mỏ của Venezuela - nước cung cấp dầu thô lớn thứ 4 cho Mỹ. Tuy nhiên, biện pháp này có thể khiến giá dầu tăng cao, đồng nghĩa với việc các cơ sở lọc dầu tại vùng Vịnh sẽ thất thoát về doanh thu, ngoài ra còn tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ.

“Lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng của Venezuela sẽ gây tổn hại cho chính các doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng Mỹ, trong khi vẫn không thể giải quyết những vấn đề thực chất của Venezuela”, Chet Thompson, Chủ tịch Hội các nhà sản xuất xăng dầu Mỹ, nhận định trong bức thư gửi Tổng thống Trump.

Nghị sĩ Cộng hòa Debbie Wasserman Schultz, đại diện cho hàng nghìn người Venezuela sống tại Nam Florida (Mỹ), ủng hộ các biện pháp trừng phạt “có chủ đích” nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela, từ đó giảm bớt lượng tiền được cho là chảy vào ngân sách chính quyền Maduro.

Theo Washington Post, một phương án khác mà Mỹ có thể sử dụng để trừng phạt Venezuela là chỉ định quốc gia Nam Mỹ này là “nhà nước tài trợ khủng bố”, từ đó Washington có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt trên quy mô lớn và hạn chế việc đi lại của các quan chức Venezuela tới Mỹ và trong lãnh thổ Mỹ.

Các nhà lập pháp Mỹ đã tính tới phương án trên và chính quyền Trump được cho là đã xem xét. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, Washington đã loại bỏ phương án này vì Venezuela chưa đủ tiêu chuẩn pháp lý để bị coi là quốc gia tài trợ khủng bố, trong đó quy định phải có những bằng chứng cụ thể về việc chính phủ nước này ủng hộ hoặc ra lệnh tiến hành các cuộc tấn công khủng bố.

Nguy cơ can thiệp quân sự

Nguy cơ Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela giữa lúc khủng hoảng - 2

Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido tự phong là tổng thống lâm thời của Venezuela trước những người ủng hộ ngày 23/1. (Ảnh: AP)

Nghị sĩ Schultz cho rằng phương án can thiệp quân sự không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Venezuela.

“Tôi biết tổng thống nói rằng mọi phương án đều đang được xem xét, nhưng tôi nghĩ nên đặt mục tiêu để ông Maduro ra đi hòa bình”, bà Schultz nhận định.

Theo nguồn tin của một quan chức chính quyền Mỹ, hiện tại, Juan Guaido, người tự phong là tổng thống lâm thời của Venezuela, kêu gọi Mỹ tiếp tục hỗ trợ để ngăn Tổng thống Maduro và các cộng sự của ông chuyển tài sản ra nước ngoài.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton hôm qua nói rằng chính quyền Trump cần tập trung vào việc “tách chính quyền Maduro bất hợp pháp khỏi nguồn thu của họ”. Theo ông Bolton, nguồn thu này nên được chuyển cho chính quyền “hợp pháp” của ông Guaido.

“Chuyện này rất phức tạp. Chúng tôi vẫn liên tục tính toán xem có thể làm gì để củng cố chính quyền mới (của Venezuela)”, ông Bolton, một trong những trợ lý thân cận nhất của Tổng thống Trump, nói tại Nhà Trắng.

Theo Jason Marczak, giám đốc Trung tâm Mỹ Latinh thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, hành động của Mỹ sẽ phụ thuộc vào những gì Tổng thống Maduro làm tiếp theo cũng như liệu các lực lượng an ninh dưới sự kiểm soát của ông Maduro có sử dụng vũ lực để đáp trả lãnh đạo phe đối lập và những người ủng hộ phe đối lập hay không.

Theo Moises Rendon, giám đốc chương trình Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, ông không thấy có tín hiệu nào cho thấy chính quyền Trump đang cân nhắc can thiệp quân sự vào Venezuela.

Tổng thống Maduro đã yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ phải rời khỏi Venezuela, tuy nhiên Washington đã từ chối và khẳng định chỉ công nhận chính quyền Guaido - người kêu gọi các nhà ngoại giao Mỹ ở lại.

Theo ông Rendon, Mỹ có thể sẽ buộc phải hành động nếu các nhà ngoại giao Mỹ tại Venezuela gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, ông không cho rằng Washington sẽ sử dụng biện pháp quân sự.

Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino, tư lệnh các lực lượng vũ trang Venezuela, đã cảnh báo quốc gia Nam Mỹ này có thể rơi vào cuộc nội chiến hủy diệt khi Mỹ đang lên kế hoạch “lật đổ” đương kim tổng thống Maduro. Ông Padrino cáo buộc phe đối lập dưới sự lãnh đạo của Juan Guaido, Mỹ và các đồng minh khu vực như Brazil âm mưu tiến hành cuộc đảo chính nhằm vào Tổng thống Maduro và điều này sẽ gây ra tình trạng “hỗn loạn, vô chính phủ” tại Venezuela.

“Chúng tôi có mặt ở đây để bằng mọi giá ngăn cản một cuộc xung đột xảy ra giữa những người Venezuela với nhau. Đây không phải một cuộc nội chiến, một cuộc chiến giữa những người anh em để giải quyết các vấn đề của Venezuela. Đây là cuộc đối thoại”, tướng Padrino tuyên bố, đồng thời cam kết ủng hộ chính quyền Maduro.

“Là những thành viên của lực lượng vũ trang, chúng tôi hiểu quá rõ những hậu quả của chiến tranh trong vòng một thế kỷ qua khi nhìn vào lịch sử nhân loại. Hàng triệu người sẽ mất mạng”, ông Padrino nhấn mạnh.

Thành Đạt

Tổng hợp