1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Chuyên gia nêu khả năng Ukraine ký hiệp ước trung lập kết thúc chiến tranh

Thành Đạt

(Dân trí) - Các chính trị gia phương Tây ngày càng thừa nhận xung đột Nga - Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán.

Chuyên gia nêu khả năng Ukraine ký hiệp ước trung lập kết thúc chiến tranh - 1

Lính Ukraine tấn công lực lượng Nga ở Kharkov (Ảnh: Getty).

Nhà khoa học chính trị Anh Anatol Lieven cho rằng, dù muốn hay không, Ukraine sẽ phải ký một hiệp ước trung lập, đồng thời nhận được một số đảm bảo về an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.

"Ngày càng có nhiều dấu hiệu ở Kiev cho thấy đây là điều tốt nhất mà Ukraine có thể đạt được và là kịch bản mà cuộc chiến này có thể kết thúc", chuyên gia Lieven nhận định.

Ông nói thêm rằng các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành ở Ukraine cho thấy, một bộ phận đáng kể dân số nước này sẵn sàng nhượng bộ lãnh thổ để đạt được hòa bình.

Theo nhà khoa học chính trị Anh, sự thay đổi trong quan điểm này phần lớn là do những thông tin ảm đạm của lực lượng Ukraine trên tiền tuyến, sự thất bại của Ukraine trong chiến dịch đột kích vào vùng Kursk của Nga nhằm đánh lạc hướng quân đội Nga khỏi vùng Donbass, và viễn cảnh mất điện vào mùa đông do các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine bị phá hủy.

Bình luận về quan điểm của châu Âu liên quan đến xung đột Ukraine, chuyên gia Lieven lưu ý rằng dư luận EU cũng đang dần chuyển hướng theo hướng ủng hộ việc nhanh chóng thiết lập hòa bình tại Ukraine. Ngoài ra, kết quả của cuộc xung đột có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Nếu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng, một hiệp ước hòa bình có thể được ký kết khá nhanh chóng, theo chuyên gia Lieven.

"Nếu ông Trump thắng, khoảnh khắc hòa bình có thể đến khá nhanh - mặc dù không khôn ngoan khi đưa ra bất kỳ dự đoán chính xác nào về ông Trump, dựa trên những gì chúng ta biết về tính cách của ông ấy. Quá trình này có thể mất nhiều thời gian hơn đáng kể dưới thời bà Harris. Là một phần trong chiến lược vận động chống Trump, bà Harris ngày càng ủng hộ "chiến thắng" của Ukraine trong các tuyên bố công khai của mình, khiến bà khó có thể thay đổi hướng đi", chuyên gia Lieven cho biết thêm.

Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử. Ông cho biết sẽ buộc Moscow và Kiev ngồi vào bàn đàm phán. 

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump không ít lần chỉ trích việc Mỹ tiếp tục đổ hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Ông phát tín hiệu sẽ cắt viện trợ cho Kiev nếu tái đắc cử.

Hòa đàm giữa Nga và Ukraine bế tắc sau khi Kiev bất ngờ rút khỏi đàm phán với Moscow về các điều kiện nhằm chấm dứt xung đột. Cuối năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Zelensky cũng đưa ra "công thức hòa bình" 10 điểm, trong đó có điều khoản yêu cầu Nga rút hết quân, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine. Trong khi đó, Nga tuyên bố, mọi đàm phán phải dựa trên thực tế mới về lãnh thổ, nghĩa là Ukraine phải công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.

Sau hơn 2 năm kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine, trong đó có bán đảo Crimea.

Chính quyền Tổng thống Zelensky nhiều lần tuyên bố vẫn để ngỏ đàm phán với Nga, nhưng khẳng định không nhượng lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Nga đã đặt ra các điều khoản của nước này để bắt đầu lệnh ngừng bắn và khởi động các cuộc đàm phán hòa bình với Kiev. Các điều khoản bao gồm rút toàn bộ quân đội Ukraine khỏi tất cả các vùng lãnh thổ Nga đã tuyên bố sáp nhập, bao gồm Donetsk và Lugansk, cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia, đồng thời cam kết pháp lý từ Kiev về việc không gia nhập NATO.

Theo Topwar