1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc không có quyền áp đặt lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông

(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân Trí, chuyên gia Gregory Poling từ Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington nói rằng Trung Quốc không có quyền hợp pháp gì để đưa ra một lệnh cấm đánh bắt đơn phương ở Biển Đông và các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam có mọi lý do để phản đối, phớt lờ lệnh cấm này.

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc không có quyền đưa ra lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông
Ông Gregory Poling, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương từ Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington, Mỹ. (Ảnh: Youtube)
 
Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động cải tạo, bồi đắp tại ít nhất 7 bãi cạn ở Trường Sa. Bắc Kinh dường như đã sẵn sàng áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong khu vực?

Trung Quốc đã tuyên bố nước này không định lập ADIZ ở Biển Đông, nhưng trên thực tế Bắc Kinh có thể làm thế bất kỳ lúc nào. Rõ ràng là, việc tăng cường tuần tra và các khả năng ngăn chặn - có thể được hỗ trợ bởi một đường băng ở bãi Chữ Thập và có thể cả tại bãi Xu Bi - cũng như việc tăng cường radar và các khả năng nhận thức chủ quyền hàng hải khác có thể giúp Trung Quốc áp đặt ADIZ ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn khó thực thi ADIZ do khoảng cách xa bờ, trong khi cũng đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ. Có thể thấy rằng, Trung Quốc có các khả năng tốt hơn nhiều ở Hoa Đông do gần bờ biển nước này, nhưng cả Nhật Bản và Mỹ đều tiếp tục phớt lờ ADIZ mà Bắc Kinh đơn phương lập ra ở đó hồi năm 2013.

Ông có cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng việc bồi đắp, xây đảo nhân tạo ra các bãi đá khác ở Trường Sa?

Hiện tại tôi không nghĩ vậy. Để làm vậy có thể đòi hỏi Trung Quốc chiếm đóng một thực thể hiện chưa ai kiểm soát, vốn là điều duy nhất bị cấm tuyệt đối trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không bao giờ làm vậy - Bắc Kinh từng cố gắng đưa các vật liệu xây dựng tới cụm Hồ Tràm (thuộc quần đảo Trường Sa) vào năm 2012, nhưng hành động đó có thể đánh dấu sự leo thang căng thẳng và có nguy cơ làm tổn hại nghiêm trọng vẻ bề ngoài mà Trung Quốc cố gắng thể hiện là nước này đang đàm phán một cách có trách nhiệm về việc thực thi DOC và thiết lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Thực thể cần được theo dõi chặt chẽ là bãi Én Đất. Hiện chưa nước nào thực sự kiểm soát bãi đá này. Philippines hồi năm ngoái đã cáo buộc Trung Quốc cải tạo tại đó, và cũng có một số dấu hiệu từ các bức ảnh vệ tinh cho thấy có thể có hoặc không công tác nạo vét hạn chế tại đây, nhưng không có hoạt động cải tạo quy mô lớn đang diễn ra và cũng không có máy nạo vét nào được nhìn thấy tại đó.

Mỹ cho biết đang xem xét điều tàu và máy bay quân sự tới gần các bãi cạn mà Trung Quốc đang bồi đắp ở Biển Đông để thách thức trực tiếp các nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng sự ảnh hưởng tại khu vực tranh chấp. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Mỹ hiện mới chỉ đang cân nhắc điều đó thôi. Đó sẽ là một ý tưởng tốt nếu nó diễn ra trong phạm vi hẹp. Điều đó có nghĩa là Mỹ có thể điều một tàu hải quân vào vùng biển nằm trong phạm vi 12 hải lý của một trong 3 bãi đá ngầm mà Trung Quốc đã bồi đắp. Những bái đá này ngầm là các đảo nhân tạo, không phải bãi đá nhô lên trên mặt nước, vì vậy chỉ tạo ra vùng an toàn 500 m, chứ không phải lãnh hải 12 hải lý. Bằng việc đi vào phạm vi 12 hải lý, Mỹ có thể gia tăng sức ép lên Trung Quốc nhằm thừa nhận hoặc giải thích lý do nào mà Bắc Kinh phản đối hành động của Washington. 

Liệu ý định trên của Mỹ có làm gia tăng nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông?

Một hoạt động như vậy không phải là sự phô trương lực lượng quân sự và cũng không vi phạm luật pháp hay các quy định quốc tế. Mỹ thực hiện hàng chục hoạt động tự do hàng hải như vậy khắp thế giới mỗi năm, trong đó có các vùng biển mà Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Rõ ràng là nếu Trung Quốc xem một hoạt động hợp pháp như vậy là gây hấn thì khi đó xung đột có thể xảy ra. Tình hình tại Biển Đông đã trở nên rất căng thẳng, vì vậy một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và một bên khác là điều không tránh khỏi. Nếu Mỹ không bắt đầu tìm kiếm mạnh mẽ hơn các biện pháp nhằm hối thúc Bắc Kinh làm rõ các tuyên bố hàng hải và hành xử với tư cách là một bên có trách nhiệm đối với các tranh chấp, khi đó tình hình sẽ tiếp tục xấu đi.

Trung Quốc mới đây đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt tại Biển Đông từ ngày 16/5 đến 1/8. Ông có bình luận gì về lệnh cấm này?

Lệnh cấm này không có gì mới. Trung Quốc thường xuyên áp đặt các lệnh cấm như vậy và động thái này dẫn tới những bất đồng giữa các lực lượng Trung Quốc và ngư dân trong vùng hàng năm. Thực tế là Trung Quốc không có quyền hợp pháp gì để đưa ra một lệnh cấm đánh bắt đơn phương trong vùng biển tranh chấp. Các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam có mọi lý do để phản đối và phớt lờ lệnh cấm này. Việt Nam có lý do hợp pháp để chứng tỏ rằng Hà Nội không bao giờ chấp nhận những trò phô diễn đơn phương về chủ quyền như vậy của Trung Quốc. Các ngư dân Philippines và Việt Nam cũng không có tiền chi tiêu trong 3 tháng nếu không có bất kỳ thu nhập nào.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
 

Đôi nét về chuyên gia Gregory Poling  

 

Gregory Poling là một thành viên cấp cao của Ban Chủ tịch Sumitro - Viện nghiên cứu Đông Nam Á và Sáng kiến đối tác Thái Bình Dương tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington, Mỹ. Ông phụ trách các dự án nghiên cứu tập trung vào chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là về các quốc gia thành viên của ASEAN. Các mối quan tâm nghiên cứu của ông hiện nay bao gồm tranh chấp ở Biển Đông, dân chủ hóa tại Đông Nam Á và chủ nghĩa đa phương tại châu Á. Ông Poling đã xuất bản nhiều cuốn sách về châu Á.

(Nguồn: CSIS)

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm