1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Chuyên gia CSIS nói về hoạt động cải tạo rầm rộ của Trung Quốc ở Biển Đông

(Dân trí) - Trước việc Trung Quốc ráo riết thực hiện phi pháp các hoạt động cải tạo ở Biển Đông, chuyên gia Gregory Poling từ viện CSIS tại Washington cho rằng các quốc gia trong ASEAN nên gấp rút hoàn thành các cuộc khảo sát chung về hiện trạng của các thực thể ở Biển Đông trước khi quá muộn.

Chuyên gia Gregory Poling (Ảnh: Twitter)

Chuyên gia Gregory Poling (Ảnh: Twitter)
 
 
Dưới đây là cuộc trả lời phỏng vấn của ông Gregory Poling, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương từ Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington, Mỹ với phóng viên Dân Trí về các căng thẳng ở Biển Đông.

***

Trung Quốc đang tăng tốc các dự án xây dựng và cải tạo đất ở Trường Sa nhằm đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền. Ông nghĩ như thế nào về các hành động của Trung Quốc?
 
Các hành động cải tạo của Trung Quốc dường như nhằm phục vụ ý đồ có sự hiện diện lớn hơn tại Trường Sa. Việc mở rộng hoạt động cải tạo cho phép Bắc Kinh có khả năng lớn hơn nhằm duy trì sự hiện diện thường xuyên quanh các bãi cạn bằng cách xây dựng các cơ sở để hỗ trợ các cuộc tuần tra giới hạn trên không và của lược lượng tuần duyên.  

Ý đồ khác của việc cải tạo đất, có thể khiến các nước liên quan bị thiệt hại lớn hơn về lâu dài, là bằng việc thay đổi đặc điểm địa lý của các thực thể, Trung Quốc sẽ khiến việc chứng minh các thực thể này ban đầu là các bãi đá ngầm chứ không phải các đảo hợp pháp trở nên rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Điều này có thể phủ nhận khả năng của các bên tranh chấp khác nhằm bác bỏ các tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc thông qua trọng tài trong tương lai.

Theo ông, các bên liên quan có thể làm gì để ngăn chặn các hành động của Trung Quốc?

Không có giải pháp tối ưu cho các quốc gia liên quan hoặc các cường quốc bên ngoài nhằm chấm dứt các hành động cải tạo đất của Trung Quốc hiện nay. Điều các quốc gia nên làm là tiếp tục sử dụng sức ép ngoại giao để cố gắng và ngăn chặn Trung Quốc mở rộng sang các thực thể khác. Các quốc gia liên quan trongASEAN cũng nên gấp rút hoàn thành các cuộc khảo sát chung, mạnh mẽ về hiện trạng của các thực thể ở Biển Đông trước khi các hành động của Bắc Kinh khiến những cuộc khảo sát như vậy trở nên không thể. 

Ông có thể dự đoán các hành động khiêu khích mà Trung Quốc có thể thực hiện ở Biển Đông trong năm nay?
 
Lịch sử gần đây đã chứng minh rằng có nhiều điều mà Bắc Kinh có thể làm để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền và xâm phạm chủ quyền của các nước khác ở Biển Đông. Một lệnh cấm đánh bắt đơn phương khác của Bắc Kinh có thể gây ra các cuộc đối đầu bạo lực với các tàu Việt Nam quanh quần đảo Hoàng Sa là rất có khả năng. Mới đây, vụ việc các tàu Trung Quốc đâm các tàu cá Philippines tại bãi cạn Scarborough cũng cho thấy nguy cơ xảy ra các vụ va chạm giữa Trung Quốc với ngư dân Philippines. 

Với việc Manila bật đèn xanh cho Công ty năng lượng Forum Energy tiến hành một cuộc khảo sát tại Bãi Cỏ Rong trong năm nay và Việt Nam và Malaysia tiếp tục hoạt động khoan thăm dò dầu dọc bờ biển nước mình, Trung Quốc có thể quấy rối các tàu thăm dò dầu khí của các nước. Thậm chí, việc lặp lại các vụ cắt cáp như trong năm 2011 và 2012 cũng là một khả năng. Và cũng có dự đoán về khả năng Trung Quốc sẽ đưa một giàn khoan vào các vùng biển tranh chấp. Một điều rõ ràng là một động thái như vậy không mang ý nghĩa thương mại, vì khu vực mà Trung Quốc thăm hò hồi năm ngoái ở phía nam Hoàng Sa không có tiềm năng thương mại và chắc chắn không mang lại lợi nhuận bằng việc khoan thăm dò tại các vùng biển ngoài khơi bờ biển phía nam Trung Quốc, nơi đã được chứng minh là có nhiều trữ lượng dầu mỏ.  

Trung Quốc có thể muốn thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Theo ông, khi nào Bắc Kinh sẽ làm điều đó?

Tôi không cho là như vậy. Nhưng một điều rõ ràng là Bắc Kinh đã bị bẽ mặt khi hoàn toàn không có khả năng thực thi ADIZ mà nước này đơn phương thiết lập ở Hoa Đông (hồi cuối năm 2013). Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ điều vi phạm nó mà Trung Quốc không thể làm gì. Giới chức Trung Quốc biết rằng ADIZ ở Biển Đông thậm chí còn khó thực thi hơn và có thể còn gây tranh cãi lớn hơn. 

Theo quan điểm của ông, con đường dẫn tới một giải pháp cho các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông là gì?

Chúng ta không nên tìm kiếm một "giải pháp", vì các tranh chấp lãnh thổ chồng chéo ở Trường Sa là không thể hòa giải được trong tương lai gần. Thay vào đó, chúng ta nên tìm kiếm các cách thức nhằm thu hẹp biên giới tranh chấp hàng hải và kiểm soát một cách hòa bình các tuyên bố chủ quyền chồng chéo về lâu dài. Sự phân xử sẽ giúp ích nhằm hối thúc Trung Quốc làm rõ tuyên bố chủ quyền thành một cái gì đó nhỏ hơn và dễ quản lý hơn quanh các quần đảo tranh chấp. Nhưng chỉ các cuộc đàm phán đa phương giữa các bên tranh chấp mới có thể dẫn đến một cơ chế bền vững để quản lý tranh chấp. 

ASEAN muốn đẩy nhanh bộ quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc nhưng Bắc Kinh lại cố tình trì hoãn và cản trở việc thiết lập COC. Theo ông, ASEAN có vai trò gì trong các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông? 

ASEAN nên đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán, hỗ trợ các bên liên quan trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế và cố gắng ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc bằng việc thể hiện một mặt trận thống nhất. Việt Nam và Philippines đã bắt đầu các cuộc thảo luận, cùng với Malaysia, ở cấp ngoại trưởng nhưng chưa có các bên khác của ASEAN. Liệu nó có thể phát triển thành một nhóm nhỏ gồm các bên liên quan nhằm tìm kiếm một vai trò trong việc giải quyết các tranh chấp hay không thì còn phải chờ xem. 

Mỹ nên làm gì để kiềm chế Trung Quốc và giúp các bên liên quan tìm một giải pháp cho tranh chấp hàng hải ở Biển Đông? 

Mỹ nên tiếp tục ủng hộ giải pháp hòa bình và việc sử dụng luật pháp quốc tế trong các tranh chấp thông qua các kênh ngoại giao. Mỹ cũng nên đóng một vai trò then chốt trong việc kêu gọi sự ủng của quốc tế đối với các lập trường này và thúc đẩy một phản ứng quốc tế để hỗ trợ bất kỳ phán quyết nào mà phiên tòa phân xử có thể đưa ra trong năm nay. Mỹ cũng nên tiếp tục nỗ lực hiện thời nhằm đẩy mạnh sự răn đe và khả năng nhận thức về các vấn đề hàng hải của hải quân và lực lượng tuần duyên các quốc gia Đông Nam Á, kết hợp với các đối tác như Úc và Nhật Bản, đồng thời duy trì sự hiện diện hải quân mạnh mẽ trong khu vực. 

Mỹ cũng nên hỗ trợ kỹ thuật và pháp lý cho các quốc gia Đông Nam Á để tiến hành khảo sát các thực thể và đưa các tuyên bố hàng hải của các nước này phù hợp với luật pháp quốc tế. Và có lẽ gây tranh cãi nhất, là Mỹ nên cân nhắc lại lập trường mơ hồ của mình liên quan tới việc liệu có hay không và trong trường hợp nào thì Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines có thể được áp dụng với Biển Đông.
 
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn! 
 

Đôi nét về chuyên gia Gregory Poling

 

Gregory Poling là một thành viên cấp cao của Ban Chủ tịch Sumitro - Viện nghiên cứu Đông Nam Á và Sáng kiến đối tác Thái Bình Dương tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington, Mỹ. Ông phụ trách các dự án nghiên cứu tập trung vào chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là về các quốc gia thành viên của ASEAN. Các mối quan tâm nghiên cứu của ông hiện nay bao gồm tranh chấp ở Biển Đông, dân chủ hóa tại Đông Nam Á và chủ nghĩa đa phương tại châu Á. Ông Poling đã xuất bản nhiều các cuốn sách về châu Á.

 

(Nguồn: CSIS)

 
An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm