Chuyên gia Liên Xô và ký ức chiến tranh Việt Nam
Câu chuyện của bà Ivanovna tái hiện một phần của bức tranh vô cùng gian khổ và ác liệt của cuộc chiến chống giặc Mỹ của nhân dân Việt Nam và tinh thần chiến sỹ vô sản ngoan cường của một người con Xô Viết.
Người phụ nữ đầu tiên
Cuối năm 1966 tôi được triệu tập đến Tổng cục 10 thuộc Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng Liên Xô để nhận thông báo về việc sang công tác tại Ban Tham mưu Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam.
Trước đó tôi chỉ biết về Việt Nam qua sách giáo khoa và các phóng sự truyền hình về cuộc chiến tranh tàn khốc, những nỗi đau và khổ cực của nhân dân Việt Nam. Thật khủng khiếp khi phải chứng kiến cảnh địa ngục mà đế quốc Mỹ đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, một khi ban lãnh đạo Liên Xô đã quyết định cử chuyên gia quân sự để giúp quân đội và nhân dân Việt Nam thì điều đó là cần thiết, tức là giọt mồ hôi lao động của tôi sẽ nhỏ vào nỗ lực chung hỗ trợ nhân dân Việt Nam. Tất cả chỉ đơn giản như vậy thôi và tôi đã đồng ý.
Cuối tháng 3/1967, tôi cùng với đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô rời sân bay quân sự Chkalov sang Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, theo cách nói tại Tổng cục 10 Bộ Tổng tham mưu. Máy bay của chúng tôi đến Việt Nam vào đêm khuya. Xung quanh yên ắng. Bước ra khỏi máy bay tôi lấy làm kinh ngạc vì trời tối như mực, không khí bên ngoài ngột ngạt, oi bức và nồng nồng. Đón chúng tôi là các quân nhân Việt Nam và đại diện Ban Chỉ huy của chúng tôi.
Trong số chuyên gia quân sự Liên Xô được cử đến Việt Nam, tôi là người phụ nữ đầu tiên. Từ sân bay chúng tôi được chở về một khách sạn ở khu Kim Liên. Người ta giúp mang những chiếc vali của tôi vào phòng và bảo sẽ có người đến đón tôi đến nơi nhận công tác. Tôi bắt đầu ngày làm việc đầu tiên trong phòng làm việc của Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam - Thiếu tướng Belov G. A. Trong cuộc trao đổi với tôi, đồng chí Belov G. A. lưu ý rằng công việc sẽ rất nhiều, đồng thời phải thực hiện có hiệu quả và nhanh chóng, bất kể thời gian vì thông tin chỉ được chuyển về Moskva 2 lần một tháng bằng đường thư ngoại giao. Để kịp chuẩn bị và đánh máy tài liệu gửi Bộ Tổng tham mưu cho kịp chuyến thư định kỳ, đôi khi tôi phải làm việc từ sáng ngày hôm trước thông đến sáng ngày hôm sau.
Sau một thời gian thì tôi được chuyển sang nơi ở mới, nơi có 4 cán bộ Đại sứ quán đang sống. Chúng tôi chung sống rất hòa thuận và giúp đỡ lẫn nhau những gì có thể. Nếu ai đó nhận được bánh mì đen và cá trích muối thì chúng tôi đều chia cho nhau các đặc sản này, và ngày hôm đó cũng là một ngày vui.
Những trận bom tàn khốc
Khoảng đầu tháng 4 năm đó tôi lần đầu tiên được nghe tiếng còi báo động, song chưa biết đấy là cái gì. Sau đó từ loa phóng thanh vang lại mấy câu “Máy bay Mỹ! Máy bay Mỹ!”, hóa ra đó là báo động và người phát thanh viên thông báo về việc máy bay Mỹ đang đến gần, cần ẩn nấp vào các hầm trú bom đã đào sẵn ở hầu hết trong sân mỗi căn nhà và trên các con phố.
Tuy nhiên, cái được gọi là hầm tránh bom có vẻ không giống lắm. Trên thực tế đấy chỉ là một cái hố có nắp đậy, sâu khoảng 1,5 m và rộng chừng 0,5 m. Người ta đào cái hố này căn cứ vào kích cỡ người Việt Nam. Tôi còn chưa kịp định hình thế nào thì máy bay Mỹ đã ném bom và tôi buộc phải nhảy xuống cái hố đó. Tôi kéo nắp đậy nhưng do chưa được tập huấn từ trước nên không thành công. Khi tôi kéo được chiếc nắp lại gần phía mình thì hóa ra chiếc hố này quá nhỏ đối với tôi nên đầu tôi vẫn nhô lên khỏi hầm và không được bảo vệ. Nhận ra rằng chiếc hầm không thể cứu được tính mạng nên tôi nhảy lên và chạy ngược vào trong nhà, nơi có vẻ yên ổn hơn. Sau khi trận oanh tạc qua đi, tôi lại tiếp tục đến chỗ làm.
Hà Nội bị oanh tạc cả ngày, chỉ trừ lúc ăn trưa, còn buổi chiều và buổi tối thì ném bom nổ dữ dội. Trung bình phi công Mỹ thực hiện từ 30 - 40 lần xuất kích mỗi ngày. Những ngày tháng đó hết sức gian khổ, đặc biệt vào ban đêm. Khi có tín hiệu báo động, tôi và các đồng nghiệp bật dậy khỏi giường, đứng trong khung cửa lối ra vào phòng ở của mình. Đôi khi những chỗ này lại là vị trí an toàn tránh cho tường và trần nhà khỏi bị đổ sập và qua đó cứu được mạng người.
Sau cuộc nói chuyện này tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn như vừa trút được gánh nặng tâm lý. Tôi hiểu rằng tôi sợ hãi không phải vì tôi yếu đuối hay là phụ nữ, mà hóa ra tất cả mọi người đều sợ, kể cả đàn ông.
Vào một ngày mùa hạ đã diễn ra một đợt ném bom bi mà đến bây giờ nhớ lại tôi vẫn thấy khủng khiếp. Một quả bom rơi trúng góc nhà, nơi các cán bộ thuộc Phòng tùy viên quân sự Liên Xô đang sinh sống. Ngôi nhà đó hình như có 3 tầng. Toàn bộ một góc nhà bị phá sập tạo thành một cái hố sâu, còn các bức tường thì bị bom bi găm lỗ chỗ. Những ngôi nhà nằm bên cạnh và đối diện cũng bị hư hại. Rất may lúc đó mọi người đi làm hết nên không ai bị thiệt mạng. Sau trận ném bom chúng tôi bước vào một căn phòng của ngôi nhà bên cạnh (nơi đặt trạm y tế) thì thấy những lỗ bom bi chi chít trên bức tường dày khoảng 40 cm. Các viên bi rơi cả trên giường, trên bàn và cả sàn nhà. Đối diện căn nhà này là nhà của một cơ quan đại diện nước ngoài và nhà của tôi.
Tôi chợt nghĩ không hiểu căn phòng của tôi ra sao, và khi tôi bước vào thì nhìn thấy chiếc điều hòa nhiệt độ bị bom đánh văng ra ngoài phố, chiếc tủ lạnh nằm lăn lóc ở cuối căn phòng, các khung cửa sổ vỡ nát với những mảnh kính nằm vung vãi trên sàn, các cánh cửa bung khỏi bản lề. Không ai có thể bình thản nhìn cảnh tượng này, trong khi chuyến công tác mới chỉ bắt đầu...
Không lung lay ý chí
Sau những trận ném bom kéo dài, khi ăn không ngon, ngủ không yên, vì ẩm ướt, mồ hôi và côn trùng cắn, tôi bắt đầu bị đau tim, hệ tiêu hóa làm việc kém và các ngón tay sưng phù lên. Các bác sỹ quân y Ivanov A. I và Peregudov I. G đã khẩn thiết khuyên tôi trở về Moskva để tránh tình trạng xấu hơn. Tôi từ chối với lí do tôi sẽ phải giải thích thế nào khi về đến Moskva? Vì tôi không hoàn thành nhiệm vụ, mà tôi không thể chấp nhận điều này dù họ có khuyên tôi thế nào đi chăng nữa.
Tôi đồng ý với mọi biện pháp chữa trị mà họ đề nghị. Tôi bắt đầu được tiêm và cho uống các loại thuốc viên, bôi và băng bó các ngón tay sưng phồng của tôi. Tôi cảm thấy khá hơn nhưng tôi vẫn chưa tháo băng trong một thời gian dài. Vì vậy, một số người khi chào hỏi tôi họ không dám bắt tay nữa vì tưởng rằng tôi bị một căn bệnh truyền nhiễm nào đó. Để xua tan những nghi ngờ này, đôi khi tôi phải tháo băng để lộ những ngón tay sưng phồng. Tôi rất biết ơn các bác sỹ Ivanov A. I và Peregudov I. G vì đã làm tất cả để tôi có thể thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình, mà nhờ đó tôi được nhận Huân chương Lao động vẻ vang. Trong suốt thời gian chiến tranh ở Việt Nam, tôi là người phụ nữ duy nhất trong Nhóm các chuyên gia Liên Xô được Chính phủ khen thưởng.