1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phóng viên chiến trường Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam: Dấn thân đem lại sự thật cho công chúng Mỹ

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam cùng những sai lầm của nước Mỹ được thế giới biết đến và lên án nhờ sự đóng góp không nhỏ của các phóng viên chiến trường vừa dũng cảm, vừa trung thực đã đấu tranh để được phản ánh đúng sự thật.

Trong số họ có Beverly Deepe, Peter Arnett, phóng viên ảnh Nick Út... cùng nhiều phóng viên chiến trường khác đã bất chấp hiểm nguy để đem lại những cái nhìn đa chiều về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Beverly Deepe: Thực tế tàn bạo hơn báo chí lên tiếng

Tính đến năm 1968, Beverly Deepe đã trải qua 6 năm ở Việt Nam. Trước đó, vào năm 1962, ở tuổi 26, với hành trang là tấm bằng thạc sĩ cùng số tiền tiết kiệm gom góp được trong 2 năm, cô lên tàu tới Châu Á để cảm nhận thế giới và làm phóng viên tự do trên suốt dọc hành trình. Khi cộng tác với AP, trưởng đại diện của hãng tin này ở Hồng Kông nói với cô rằng nơi cô sắp đến chính là Việt Nam. Vào thời điểm đó, chỉ có 8 phóng viên người nước ngoài sống và làm việc tại Sài Gòn.

Beverly Deepe đến Sài Gòn tháng 2.1962. Cô dự định ở lại đó 2 tuần. Nhưng rồi, cô đã ở đến 7 năm. Nếu đầu tiên là sự hiện diện quân sự nhỏ của Mỹ ở Việt Nam thì tổng thống lúc bấy giờ John F.Kennedy đã trao quyền hành động cho hàng trăm nhân viên quân sự cùng trực thăng, phi công Mỹ tham gia vào cuộc chiến. "Những điều báo chí phản ánh có cả hai mặt tốt và xấu. Nhưng thực tế thì tàn bạo hơn, nhiều điều đáng nói hơn và tin tức ngày càng có giá trị", cô nói.

Nữ nhà báo Beverly Deepe trò chuyện cùng 1 số phụ nữ Việt Nam năm 1962. (Ảnh:
 
 Nữ nhà báo Beverly Deepe trò chuyện cùng 1 số phụ nữ Việt Nam năm 1962. (Ảnh: T.L)

Hai tuần sau khi đến Sài Gòn, căn hộ nơi cô ở rung chuyển ầm ầm khi máy bay của quân Việt Nam Cộng hòa ném bom Dinh Tổng thống (Dinh Độc lập) gần đó trong một cuộc đảo chính, nhằm ám sát Ngô Đình Diệm. Ngay sau đó, Deepe đi khắp Việt Nam bằng máy bay trực thăng quân sự Mỹ. Cô là nhà báo đầu tiên thường xuyên phỏng vấn phụ nữ Việt Nam, ra một loạt bài báo về cuộc sống của người dân Việt Nam cũng như cuộc chiến đã tác động đến cuộc sống của người dân thường ra sao.

Cô đã đi đến các vùng xa xôi hẻo lánh - nơi hàng trăm binh lính Mỹ hiện diện. Cô đã nhận được sự giúp đỡ từ 2 thông dịch viên đáng tin cậy - 2 người đàn ông Việt với nhiều bí mật. Cô đắm mình trong văn hóa nông thôn và kể những câu chuyện về người nông dân Việt Nam với độc giả nước Mỹ. Và cô hiểu cuộc sống của những người nông dân chân lấm tay bùn, lý do vì sao họ ủng hộ Việt Minh cũng như vì sao bom đạn lại càng khiến họ quyết tâm chống giặc hơn.

Đầu năm 1968, bằng những trải nghiệm của mình, người phụ nữ Nebraska đã viết lên một câu chuyện gồm câu sau: "Nước Mỹ, cường quốc quân sự hùng mạnh nhất trong lịch sử, đã trở thành kẻ yếu vào thời điểm này trong cuộc chiến tranh đa diện: Chính trị, tâm lý học, những trận chiến quân sự và sự bài ngoại".

"Các lỗ hổng trong cách tiếp cận của cả nước Mỹ đã trở nên rõ ràng. Hỏa lực vô biên đã tạo ra nhiều người thù địch hơn là số người bị giết. Người Mỹ (các quan chức) nói rằng họ đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Vâng, đó không phải là những gì người Việt Nam nói. Đó không phải là những gì họ nghĩ"- Beverly Deepe (nay Beverly Deepe Keever) nói trong thời gian gần đây khi được hỏi về câu chuyện dự đoán nước Mỹ sẽ thua cuộc trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam hồi đó.

Trong suốt 7 năm, Beverly Deepe sống, hít thở và viết về cuộc chiến tranh Việt Nam, cố gắng mô tả chân thực sự tàn bạo, sự phức tạp của nó cũng như của con người cho độc giả tạp chí Newsweek, New York Herald Tribune và Christian Science Monitor.

Nữ phóng viên trẻ có thể đã nhận thấy những mầm mống của điều đã trở thành thảm họa toàn diện của Mỹ tại Việt Nam. Cô cũng không biết được rằng một trong hai người thông dịch viên bí ẩn giúp cô chính là vị tướng tình báo lừng danh Phạm Xuân Ẩn.

Cô gái nông thôn từ bang Nebraska đã trở thành phóng viên chiến trường gạo cội ở Việt Nam, đang lo lắng rằng lịch sử lặp lại. Khi đọc tin tức về các cuộc không kích của máy bay không người lái tại chiến trường Afghanistan và Pakistan - nơi quân đội Mỹ đang cố gắng giết chết những kẻ khủng bố thì cũng giết hại cả thường dân, bà nhớ về "vùng chết chóc" ở Việt Nam - nơi quân đội Mỹ đã ném bom trải thảm khiến bao người dân vô tội chết oan. "Chúng tấn công chính xác hơn, nhưng dù sao vẫn là những quả bom từ trên trời rơi xuống. Và chúng tôi vẫn không chắc chắn kẻ thù là ai", Deepe nói.

Peter Arnett: Đấu tranh để nói tiếng nói của sự thật

Peter Arnett đã viết hơn 2.000 bài báo cho Hãng tin AP về các cuộc chiến tranh, từ Việt Nam tới Afghanistan, Iraq. Năm 1966, ông được trao giải báo chí Pulitzer vì những tác phẩm báo chí viết về chiến tranh Việt Nam. Vào năm 1991, ông giành được giải thưởng Emmy cho phóng sự truyền hình trực tiếp về cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991. Trong một lần chia sẻ kinh nghiệm 50 năm làm báo của mình gần đây, ông kể về cách thức đấu tranh của mình trước sự kiểm duyệt của Chính phủ Mỹ để sự thật về cuộc chiến tranh ở Việt Nam được phản ánh đúng.

Arnett cho hay, ông đối mặt với áp lực rất lớn từ Chính phủ Mỹ để phải có những bài viết tích cực hơn về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nếu làm bồi bút, ông hoàn toàn có thể làm được điều đó. Nhưng "những bài viết của tôi cùng những bài viết của nhà báo khác khiến các quan chức cấp cao Mỹ giận dữ, lo lắng để cố che đậy những bí mật bẩn thỉu đang diễn ra trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam"- Peter Arnett nói. "Tại thời điểm đó, chính quyền Kennedy nói rằng thương vong của lính Mỹ ở Việt Nam là do tai nạn chứ không phải tử thương trong chiến trận".

Arnett cho biết ông đã kể với các phóng viên khác những gì mình nhìn thấy, bao gồm cả việc di chuyển, triển khai quân và các hoạt động điều hành, để đảm bảo rằng công chúng Mỹ được biết chính xác những thực tế mà binh sĩ phải đối mặt. "Mối quan tâm của chúng tôi là thu thập tin tức, truyền tải đến công chúng với niềm tin rằng mọi thông tin phải được công bố. Chỉ có một lý do duy nhất mà một phóng viên phải đấu tranh đó là nói lên sự thật, toàn bộ sự thật".

Arnett cho hay ông liên tục có động lực để tiếp tục trên con đường đã chọn với ý thức trách nhiệm như một nhân chứng lịch sử đối với công chúng. Ông phải "ghi lại chính xác những gì chúng tôi nhìn thấy".

"Tin tức về Việt Nam chính là cuộc chiến kiểm duyệt lớn nhất của nước Mỹ. Và chúng tôi những nhà báo đã phá được một bức tường vô cùng vững chắc, đánh bại được quan điểm lạc quan của các quan chức chính phủ về cuộc chiến này. Chúng tôi đã đăng tải sự thật trần trụi", Arnett nói.
Nick Út và “Em bé napalm” Kim Phúc tại Mỹ
Nick Út và “Em bé napalm” Kim Phúc tại Mỹ

Nick Út: Bức ảnh "Em bé napalm" suýt bị bỏ qua

Phóng viên ảnh Nick Út đã chụp được những khoảnh khắc khủng khiếp về cuộc chiến tranh diễn ra trên đất nước mình. Và tấm ảnh "Em bé napalm" của ông với hình ảnh một bé gái trần truồng vì bị hơi nóng của bom napalm thiêu rụi quần áo đang chạy trốn khỏi ngôi làng bị ném bom của mình đã đoạt giải thưởng Pulitzer danh giá của báo chí thế giới.

Ông sẽ không bao giờ quên sự kiện tồi tệ vào ngày 8.6.1972, tại Trảng Bàng (Tây Ninh). 8.6.1972 là một ngày đặc biệt khủng khiếp mà cảnh tượng bi thảm nhất của cuộc chiến tranh đã được phản ánh lại trên phim ảnh. Hơn 10 phóng viên, quay phim có mặt vào thời điểm đó thuộc các hãng tin ABC News, CBS, BBC, và Nick Út. Vào khoảnh khắc đó, cuộc sống kết thúc với một số người và thay đổi đối với rất nhiều người dân khác của ngôi làng nhỏ ở Trảng Bàng. Và "em bé napalm" Phan Thị Kim Phúc trở thành gương mặt tố cáo tất cả sai lầm của nước Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Khi chuyển phim về trụ sở, lúc đầu các biên tập viên đã bỏ đi những hình ảnh "tiêu cực" và in 5 trong 7 ảnh. Riêng hình ảnh "Em bé napalm" "không thể sử dụng ở Mỹ" - biên tập viên Carl Robinson nói. Sau bữa trưa, biên tập viên ảnh Horst Faas của AP Saigon trở lại và nhìn thấy tấm ảnh. Ông mắng tất cả và yêu cầu "chuyển hình ảnh đi ngay lập tức!".

Và bức ảnh đó đã được toàn thế giới biết đến. Hình ảnh này được đăng tải trên trang nhất của rất nhiều tờ báo trên thế giới. Cũng từ đó, các bác sĩ ở khắp nơi trên thế giới đã tình nguyện chữa trị cho Kim Phúc. Và đó là may mắn, nếu không, cô sẽ chết.

Bây giờ, 40 năm sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, ông trở về Việt Nam lần thứ ba. Ông đã nhìn thấy quê hương vươn lên và phát triển từ đống tro tàn của chiến tranh, hiện hết sức sôi động chứ không như những ký ức kinh hoàng năm xưa.
Theo Thanh Huyền
Lao Động