1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia "giải mã" vụ tàu ngầm 3 tỷ USD Mỹ đâm vào núi ngầm ở Biển Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Việc lập bản đồ khó khăn cùng những đặc tính về kỹ thuật khiến tàu ngầm Mỹ có khả năng va chạm với núi ngầm ở Biển Đông.

Chuyên gia giải mã vụ tàu ngầm 3 tỷ USD Mỹ đâm vào núi ngầm ở Biển Đông - 1

Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của Hải quân Mỹ (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Một số chuyên gia về tàu ngầm gọi USS Connecticut là "chiếc xe thể thao hạng sang" của thế giới tàu ngầm. Khí tài quân sự này trị giá 3 tỷ USD, di chuyển với tốc độ nhanh và trang bị các công nghệ điện tử mới nhất.

Tuy vậy, bất chấp chi phí cao và công nghệ phức tạp, Hải quân Mỹ cho biết tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf đã va phải núi ngầm ở Thái Bình Dương vào ngày 2/10. Vụ va chạm khiến 11 thủy thủ trên tàu bị thương và phần mũi tàu bị hư hại, nhưng lò phản ứng hạt nhân không gặp vấn đề nghiêm trọng.

Tàu USS Connecticut hiện neo đậu tại một căn cứ của hải quân Mỹ ở đảo Guam trên Thái Bình Dương. Lầu Năm Góc vẫn chưa công bố thông tin chi tiết về những gì đã xảy ra với con tàu đắt đỏ này, cũng như thời hạn sửa chữa.

Hải quân Mỹ ngày 4/11 đã cung cấp một số manh mối về nguyên nhân dẫn đến vụ va chạm tàu ngầm, khi công bố quyết định sa thải nhóm chỉ huy. Sĩ quan chỉ huy của tàu ngầm USS Connecticut, Cameron Aljilani, cùng sĩ quan điều hành Patrick Cashin và Kỹ thuật viên trưởng Cory Rodgers đã bị cách chức.

Phó Đô đốc Karl Thomas, chỉ huy Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, cho biết nếu các chỉ huy tàu ngầm "phán đoán đúng, ra quyết định thận trọng và tuân thủ quy trình bắt buộc trong lập kế hoạch điều hướng, theo sát sao công việc của nhóm vận hành và quản lý nguy cơ rủi ro", thì sự cố có thể đã không xảy ra.

Môi trường biển phức tạp

Môi trường dưới biển rất phức tạp và ngay cả những sai lầm nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả lớn.

"Vận hành tàu ngầm rất khó, thực sự rất khó. Không phải lúc nào mọi thứ cũng suôn sẻ", Thomas Shugart, người có hơn 11 năm làm việc trên các tàu ngầm của Mỹ và từng chỉ huy tàu ngầm tấn công, cho biết.

Chuyên gia Shugart cho biết các tàu nổi, hoặc tàu ngầm hoạt động ở độ sâu mà kính tiềm vọng có thể hoạt động được, có thể dựa vào các hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu để cung cấp cho thủy thủ thông tin chính xác về một vị trí. Nhưng khi lặn xuống sâu hơn, hệ thống định vị không có sẵn, các thủy thủ tàu ngầm phải sử dụng la bàn và bản đồ đáy biển của họ.

Bản đồ đáy biển được lập bằng cách triển khai các tàu nổi tới một khu vực và thăm dò đáy bằng công nghệ sóng âm - phương pháp còn được gọi quét sóng âm đa tia. Tuy nhiên, quá trình này rất tốn kém và mất thời gian, do vậy có tới 80% diện tích đáy biển chưa được lập bản đồ.

Giáo sư David Sandwell tại Viện Hải dương học Scripps ở California cho biết, ở khu vực Biển Đông sầm uất, nơi chiếm tới 1/3 hoạt động giao thương hàng hải toàn cầu, chưa đến 50% diện tích đáy biển được lập bản đồ.

"Không có gì ngạc nhiên khi tàu có thể va vào thứ gì đó", ông Sandwell nhận định.

Chuyên gia giải mã vụ tàu ngầm 3 tỷ USD Mỹ đâm vào núi ngầm ở Biển Đông - 2

Các thành viên của thủy thủ đoàn tại phòng điều khiển trên tàu ngầm tấn công lớp Seawolf USS Jimmy Carter vào năm 2005 (Ảnh: AP).

Theo Navy Times, Bryan Clark, cựu sĩ quan hải quân Mỹ và là chuyên gia quốc phòng tại Viện Hudson, cho rằng các bản đồ ở đáy Biển Đông mà Mỹ đang sở hữu có thể không được vẽ một cách chi tiết như những gì họ mong muốn.

Hải quân Mỹ không cho biết chính xác vị trí tàu Connecticut va vào núi ngầm. Trong tuyên bố chính thức, hải quân Mỹ chỉ nói rằng vụ việc xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng giới chức quốc phòng Mỹ nói rằng vụ việc xảy ra ở Biển Đông.

Theo CNN, chuyên gia Sandwell đã khoanh vùng khu vực này. Ông xác định 27 vị trí mà tàu Connecticut có thể đã va vào núi ngầm và những địa điểm này đều chưa được đánh dấu trên bản đồ của hải quân Mỹ.

Hải quân Mỹ cho biết các tàu ngầm lớp Seawolf có độ sâu tối đa hơn 243 m, mặc dù một số chuyên gia cho rằng tàu này có thể lặn sâu gấp đôi.

Biển Đông được xem là một khu vực hoạt động gây khó khăn với tàu ngầm vì vùng biển này khá nông. Đặc điểm này làm ảnh hưởng tới độ sâu để tàu ngầm có thể hoạt động một cách an toàn mà không có nguy cơ bị đối thủ phát hiện hoặc đâm vào vật lạ nào đó.

Các tàu ngầm đều có hệ thống sóng âm (sonar) giúp cảnh báo các mối đe dọa tiềm tàng, nhưng nếu sử dụng chức năng này thì tàu không thể "tàng hình". Các tín hiệu sonar có thể tiết lộ vị trí của tàu ngầm cho đối phương, nên nếu tàu ngầm muốn hoạt động im lặng và không bị phát hiện, nó cần phải lặn sâu hơn xuống đáy biển và không sử dụng sonar.

"Việc sử dụng sonar là cách duy nhất để quan sát được đáy biển, nhưng nó lại tạo ra nhiều âm thanh hơn mức cần thiết. Để có được hình ảnh chính xác, chúng phải phát ra âm thanh khoảng 20 giây/lần. Điều đó gây ra rất nhiều tiếng ồn", ông Sandwell nói.

Việc sử dụng sonar đối với USS Connecticut là vấn đề được cân nhắc, vì đây là tàu ngầm chuyên thực hiện các nhiệm vụ tác chiến đặc biệt của hải quân Mỹ. Do vậy, việc USS Connecticut phải hoạt động "tàng hình" hết sức có thể dường như khiến tàu này dễ gặp rủi ro hơn.

Ngay cả khi quan sát được địa hình dưới đáy biển, cũng rất khó xác định chướng ngại vật.

"Về cơ bản, bề mặt của Mặt Trăng còn được vẽ biểu đồ tốt hơn đáy đại dương", chuyên gia Sandwell so sánh.