1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyên gia cảnh báo hậu quả nếu Mỹ cắt viện trợ cho Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Nếu Mỹ ngừng viện trợ cho Ukraine, đó sẽ là kịch bản tồi tệ với Kiev và sẽ nhanh chóng tác động đến cục diện chiến trường ở Ukraine, một chuyên gia nhận định.

Chuyên gia cảnh báo hậu quả nếu Mỹ cắt viện trợ cho Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine điều khiển một xe tăng (Ảnh: AFP).

Mỹ là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Kể từ tháng 2/2022 đến nay, Washington đã cấp hơn 43 tỷ USD viện trợ an ninh cho Kiev.

Tuy nhiên, dự luật ngân sách tạm thời được quốc hội Mỹ thông qua cuối tuần trước nhằm ngăn nguy cơ đóng cửa chính phủ đã loại gói viện trợ bổ sung cho Ukraine.

Điều này làm dấy lên lo ngại lâu nay của giới quan sát rằng cuộc chiến dai dẳng ở Ukraine và cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần ở Mỹ sẽ khiến Washington và các đồng minh hụt hơi trong hoạt động viện trợ Kiev.

Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược (CSIS), nhận định rằng Ukraine sẽ sớm cạn kiệt đạn dược và vũ khí cần thiết nếu các nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn ở Mỹ thành công trong việc chặn viện trợ.

"Đó (Mỹ ngừng viện trợ) sẽ là kịch bản tồi tệ đối với Ukraine. Quân đội Ukraine sẽ suy yếu, thậm chí sụp đổ, ngay cả khi chỉ cần ở thế phòng thủ", ông Cancian nói. Ông giải thích: "Các quân đội khi tham chiến cần nguồn cung vũ khí, đạn dược, trang thiết bị liên tục để thay thế những thứ đã sử dụng hay bị phá hủy".

Ông nhấn mạnh: "Nếu Mỹ cắt hoàn toàn viện trợ cho Ukraine (điều mà Nhà Trắng khẳng định sẽ không xảy ra), tác động sẽ không thể hiện ngay lập tức do Washington vẫn tiếp tục thực hiện các cam kết viện trợ trước đó".

Tuy nhiên, theo ông, tác động cũng sẽ nhanh chóng bộc lộ ra sau khoảng vài tuần. "Có thể chỉ mất vài tuần chúng ta có thể thấy tác động rõ rệt trên chiến trường", ông nói.

Mặt khác, ông chỉ ra rằng, Moscow thậm chí có thể không tận dụng được lợi thế vì "người Nga lúc đó đã khá kiệt sức".

Ngoài thực địa, việc Mỹ cắt viện trợ cũng sẽ kéo theo sự suy yếu của lực lượng phòng không Ukraine vốn được một số quốc gia trang bị nhiều hệ thống phức tạp và phải liên tục được tiếp tế đạn dược.

James Black, Phó Giám đốc nghiên cứu an ninh, quốc phòng tại tổ chức RAND, giải thích những hệ thống này không thể thay thế bằng hệ thống khác dù cách thức hoạt động không khác nhau nhiều.

"Nếu không có linh kiện của Mỹ, tính hiệu quả của hệ thống vũ khí tích hợp sẽ giảm và sẽ mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, để các hệ thống của châu Âu thay thế hoàn toàn", ông Black nói.

Tuy nhiên, đó chỉ là giả định. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như các đồng minh châu Âu cam kết sẽ tiếp tục viện trợ Ukraine.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói, ông tin rằng việc loại gói viện trợ Ukraine khỏi dự luật ngân sách chỉ là một vấn đề nhỏ, không phải một thay đổi mang tính hệ thống trong chính sách của Mỹ đối với Kiev.

Một quân nhân Ukraine cũng nhận định, những bất đồng trên chính trường Mỹ liên quan đến vấn đề viện trợ Ukraine chủ yếu do tác động từ cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Theo quân nhân này, nguy cơ Mỹ cắt viện trợ cho Ukraine rất thấp.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine