1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phản ứng của các bên khi Mỹ thông qua dự luật không có viện trợ cho Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như giới chức Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng trấn an sau khi Washington thông qua dự luật ngân sách không có viện trợ bổ sung cho Ukraine nhằm ngăn đóng cửa chính phủ.

Phản ứng của các bên khi Mỹ thông qua dự luật không có viện trợ cho Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).

"Tôi muốn khẳng định với các đồng minh, với người dân Mỹ và người dân Ukraine rằng các bạn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không đi đâu cả", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 1/10, không lâu sau khi ký thông qua dự luật ngân sách tạm thời nhằm ngăn chặn nguy cơ đóng cửa chính phủ.

Chủ nhân Nhà Trắng cũng nhấn mạnh, thông điệp của ông về việc viện trợ cho Ukraine trong tương lai là: "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó".

Cam kết trên được đưa ra không lâu sau khi quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách tạm thời trong vòng 45 ngày, tránh việc chính phủ liên bang đóng cửa. Dự luật này đã được Tổng thống Biden ký thông qua. Tuy nhiên, trong ngân sách lần này không có nguồn để hỗ trợ Ukraine.

Cụ thể, dự luật bao gồm 16 tỷ USD hỗ trợ các nạn nhân thảm họa thiên tai, nhưng không bao gồm viện trợ cho Ukraine, các khoản cắt giảm hay ngân sách cho các thay đổi trong chính sách biên giới.

Trước đó, ông Biden đã đề nghị viện trợ thêm 24 tỷ USD cho Ukraine. Những tranh cãi liên quan đến viện trợ cho Kiev là một trong những nguyên nhân khiến cuộc đàm phán ngân sách ở quốc hội Mỹ rơi vào bế tắc trước khi đạt thỏa thuận vào phút chót.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện hối thúc Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy sẽ tổ chức bỏ phiếu về một gói viện trợ riêng cho Kiev.

Về phía châu Âu, Đại diện cấp cao về đối ngoại của EU Josep Borrell phát biểu hôm 1/10 nhân chuyến thăm Kiev rằng Ukraine cần thêm viện trợ quân sự và ông cam kết EU sẽ tiếp tục hỗ trợ.

"Ukraine cần nhiều năng lực hơn nữa và nhanh hơn nữa. Chúng tôi đang chuẩn bị các cam kết an ninh lâu dài dành cho Ukraine", ông Borrell nói và cho biết thêm ông đã thảo luận vấn đề này trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov.

Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi không chờ quyết định của Mỹ để tăng cường viện trợ cho Ukraine". Ông lấy làm tiếc về việc Washington thông qua dự luật ngân sách không có hỗ trợ Ukraine và hy vọng đó chỉ là quyết định tạm thời.

Trong tuần này, Cơ quan Quốc phòng châu Âu cho hay, 7 nước EU đã đặt mua đạn dược theo kế hoạch mua sắm để chuyển đạn pháo cần thiết khẩn cấp cho Ukraine và bổ sung cho kho dự trữ đang cạn kiệt của phương Tây. Ủy ban châu Âu đã đề xuất lập một quỹ hỗ trợ Ukraine trị giá gần 53 tỷ USD.

Về phía Ukraine, giới chức nước này cũng khẳng định, dự luật được thông qua ở Mỹ không có nghĩa là sự thay đổi trong lập trường của Mỹ về việc hỗ trợ Ukraine.

"Không có sự thay đổi nào liên quan đến sự hỗ trợ (của Mỹ) dành cho Ukraine. Tất cả các đối tác chủ chốt của Ukraine quyết tâm hỗ trợ chúng ta cho đến khi giành chiến thắng", ông Andriy Yermak, trợ lý Tổng thống Ukraine, viết trên Twitter.

Ông cho hay: "Trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Volodymyr Zelensky, giới chức Mỹ đã nêu rõ Washington sẽ cấp gói viện trợ quốc phòng mới cho Ukraine. Ngoài ra, hai bên cũng đạt được thỏa thuận rất quan trọng liên quan đến lập các cơ sở sản xuất vũ khí chung ở Ukraine".

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine