1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia: "Bộ Tứ" không phải liên minh quân sự, kêu gọi hợp tác với ASEAN

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các chuyên gia đánh giá cao tầm quan trọng địa chính trị của ASEAN tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, và đề xuất khối này tăng cường hợp tác với nhóm "Bộ Tứ" trong hàng loạt lĩnh vực 2 bên cùng quan tâm.

Chuyên gia: Bộ Tứ không phải liên minh quân sự, kêu gọi hợp tác với ASEAN - 1

Các chính trị gia, chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia Hội nghị về Biển Đông lần thứ 13 (Ảnh: Facebook/Nghiên cứu Biển Đông).

Ngày 19/11, tại Hà Nội, Hội thảo Biển Đông lần thứ 13 đã diễn ra với phiên đối thoại về chủ đề: "ASEAN và Bộ Tứ trong cấu trúc khu vực". Trong buổi thảo luận, các chính trị gia, chuyên gia đã bàn bạc về cách thức hai bên có thể hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu an ninh và ổn định trong khu vực, trong bối cảnh các mối đe dọa và thách thức gia tăng. 

Trong thời gian qua, các nước Bộ Tứ gồm Australia, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản trong thời gian qua đã tích cực hoạt động và tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực nhằm hướng tới duy trì hòa bình, ổn định.  

"Bộ Tứ" không phải liên minh quân sự

Trong phiên trao đổi, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Nhật Bản Sujan Chinoy cho biết, một trong những vấn đề mà các nước nhóm Bộ Tứ kêu gọi hành động là đảm bảo một không gian trên biển tự do và mở, và các trật tự dựa vào luật lệ và quy tắc quốc tế. Tuy nhiên, có những ý kiến nghi ngờ Bộ Tứ là liên minh quân sự. 

Mặc dù vậy, ông Chinoy không đồng tình với ý kiến trên, mà cho rằng Bộ Tứ tập trung nhiều vào nhiều lĩnh vực khác như hợp tác về công nghệ tiên tiến, chuỗi cung ứng sản phẩm quan trọng, chăm sóc sức khỏe.

Ông nhận định, sự quan tâm của Bộ Tứ với ASEAN tạo ra cơ hội cho các bên phối hợp giải quyết các vấn đề, vì sự thịnh vượng về kinh tế của ASEAN phụ thuộc vào hòa bình và ổn định của khu vực, nơi kết nối thương mại với các thị trường lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, Biển Đông hiện đang trở thành không gian có sự cạnh tranh nóng giữa các bên. Nhà cựu ngoại giao Ấn Độ cho biết, New Delhi ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và vấn đề Biển Đông và mong muốn thúc đẩy hợp tác nhiều hơn nữa với ASEAN cũng như Bộ Tứ.

Tiềm năng hợp tác ASEAN và Bộ Tứ

Chuyên gia: Bộ Tứ không phải liên minh quân sự, kêu gọi hợp tác với ASEAN - 2

Các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia phiên thảo luận sáng ngày 19/11 (Ảnh: DAV).

Chuyên gia Rizal Sukma, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Jakarta, Indonesia, nhận định rằng, ASEAN ngày càng đối mặt với nhiều thách thức và các thách thức ngày càng lớn hơn. Theo ông, sự đoàn kết, thống nhất là yếu tố quan trọng để ASEAN có thể vượt qua những khó khăn trước mặt.

Ông Sukma nhận định, sự hợp tác giữa ASEAN và Bộ Tứ là rất cần thiết, trong các lĩnh vực về an ninh truyền thống và phi truyền thống. Ông cũng cho rằng, ASEAN cần nhận thức rõ ràng rằng các nước thành viên không thể đứng riêng lẻ, và khi đối mặt với vấn đề cần phải giải quyết như một khối thống nhất để tạo nên tiếng nói chung đủ mạnh mẽ.

Chuyên gia Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Australia cho rằng các vấn đề mà nhóm Bộ Tứ và ASEAN quan tâm hiện đang có sự giao thoa, như cơ sở hạ tầng, dịch Covid-19, vấn đề khủng bố, chiến lược phục hồi kinh tế. Vì vậy, ông khuyến nghị rằng hai bên cần có sự hợp tác với nhau. Ông đề xuất, ASEAN và Bộ Tứ cần có động thái nhằm thể chế hóa quan hệ đối tác giữa 2 bên.

Ông Thayer cho rằng, sự hợp tác giữa 2 bên sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả 2 phía, như tận dụng mạng lưới ngoại giao với sự tham gia của các nước lớn như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ. Sự hợp tác này sẽ tạo ra một diễn đàn trao đổi chiến lược và hợp tác thực chất giữa các bên.

Trên thực tế, các thành viên Bộ Tứ đều là đối tác đối thoại của ASEAN và nhóm cũng ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Hai bên có thể hợp tác với nhau trong hàng loạt vấn đề an ninh phi truyền thống và các lĩnh vực như vaccine Covid-19, công nghệ, cơ sở vật chất và chuỗi cung ứng.