1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chưa kịp mừng vì số ca nhiễm giảm, châu Á lại hứng làn sóng Covid-19 thứ 2

(Dân trí) - Dòng người đổ về quê hương từ các điểm nóng dịch Covid-19 mới tại châu Âu và Mỹ đang làm gia tăng số ca nhiễm mới tại các quốc gia châu Á.

Chưa kịp mừng vì số ca nhiễm giảm, châu Á lại hứng làn sóng Covid-19 thứ 2 - 1

Các hành khách tại sân bay quốc tế Bắc Kinh (Ảnh minh họa: Daily News)

Theo Financial Times, sự gia tăng các ca mắc Covid-19 ngoại nhập trên khắp châu Á làm tiêu tan những hi vọng rằng khu vực đã kiểm soát được đại dịch.

Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hong Kong nằm trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á đang đối mặt với làn sóng mới các ca mắc Covid-19, do người từ bên ngoài mang virus vào.

Trung Quốc, nơi virus khởi phát hồi cuối năm ngoái, xác nhận rằng nước này không có ca nhiễm nội địa nào trong ngày 18/3, lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, vốn đã khiến hơn 3.000 người thiệt mạng tại nước này.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại ghi nhận 34 ca nhiễm mới từ những người trở về nước gần đây.

Theo BBC, Singapore hôm qua thông báo có 47 ca nhiễm mới, 33 trong số đó là từ bên ngoài, trong đó có 30 người là công dân Singapore trở về nước.

Tại Hàn Quốc, nơi ghi nhận sự bùng phát nghiêm trọng nhất tại châu Á ngoài Trung Quốc, sự nổi lên của các ổ dịch mới và nguy cơ các ca nhiễm ngoại nhập đã khiến giới chức lo ngại.

Sau vài ngày ghi nhận số ca mới giảm, Hàn Quốc hôm qua đã ghi nhận các ca nhiễm mới ta tăng, với 152 trường hợp, dù chưa rõ bao nhiêu trong số đó là các ca ngoại nhập. Một ổ dịch mới là một trại dưỡng lão ở thành phố Daegu, nơi 74 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính.

“Chúng tôi tin rằng 2-3 tuần tới sẽ rất quan trọng”, Yoon Tae-ho, một quan chức y tế cấp cao của chính phủ Hàn Quốc, cho hay.

Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á đã chứng kiến những thành công trong việc kiểm soát các ca lây nhiễm ở trong nước, nhưng đã có lo ngại rằng sự gia tăng ở bên ngoài có thể cản trở kết quả tích cực của họ.

Cho tới đầu tháng này, Đài Loan chứng kiến tỷ lệ gia tăng các ca nhiễm mới khá thấp trong khu vực, chỉ 100 ca. Tuy nhiên, trong 2 tuần qua, con số đó đã bắt đầu tăng lên, khi giới chức cho biết có ít nhất 31 ca ngoại nhập. Ngày 18/3, Đài Loan thông báo có 23 ca nhiễm mới, trong đó có 21 ca ngoại nhập.

Tại Hong Kong, số ca nhiễm cũng tăng lên từ 168 vào ngày 17/3 từ con số 116 vào ngày 9/3, và gần 90% các bệnh nhân mới đã đi nước ngoài gần đây. Giới chức y tế  đã ghi nhận 14 ca nhiễm mới hôm 18/3, cao nhất trong một ngày và 13 ca trong số đó là từ nước ngoài.

Không được chủ quan

Các giới chức tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và các nơi khác ở Đông Nam Á đang khẩn trương thực hiện các biện pháp mới do làn sóng lây nhiễm thứ 2 sau vài tuần số lượng ca nhiễm nội địa sụt giảm.

Các chuyên gia cho hay sự gia tăng trở lại các ca lây nhiễm đã cho thấy những hạn chế từ sự phong tỏa trên diện rộng của Trung Quốc, việc xét nghiệm hàng loạt trong công chúng cũng như các chiến dịch cách ly xã hội được triển khai trên khắp châu Á.

Nhưng điều đó cũng cho thấy sự lo lắng ngày càng gia tăng về các ca nhiễm mới từ nước ngoài. Số lượng các ca ngoại nhập đã tăng mạnh khi mọi người chạy khỏi tâm dịch Covid-19 mới tại châu Âu.

“Điều mà nhiều người không nhận ra là đây chỉ là một thành công tạm thời, đó không phải là thành công bền vững”, Ben Cowling, một giáo sư về dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, nói.

“Có một thách thức đối với việc kiểm soát là số lượng các ca ngoại nhập gia tăng từ châu Âu, nhưng trong tương lai cũng có thể từ các khu vực khác trên thế giới”, ông nói thêm.

Cơ quan Di trú quốc gia Trung Quốc hồi đầu tuần này cho biết khoảng 120.000 người từ nước ngoài đã về/đến Trung Quốc mỗi ngày kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đại dịch Covid-19 hôm 11/3.

Hơn một chục tỉnh thành tại Trung Quốc, từ Bắc Kinh tới tỉnh biên giới như Vân Nam, cho biết mọi du khách quốc tế đều bị cách ly 14 ngày. Các du khách sẽ phải tự trả phí ăn, ở trong thời gian bị cách ly.

Đài Loan cũng thực hiện chính sách cấm nhập cảnh với tất cả người nước ngoài và tăng cường các biện pháp cách ly đối với các công dân của hòn đảo. Động thái này diễn ra sau khi giới chức tăng cường các nỗ lực nhằm xác định và xét nghiệm những người Đài Loan từng ra nước ngoài và phát hiện một bác sĩ có các triệu chứng giống cúm khi về nước.

Tại Hong Kong, các sinh viên ở nước ngoài đã vội vã hồi hương khi virus lan rộng khắp châu Âu. Chính quyền đặc khu đã nói rằng những người có triệu chứng bệnh không nên di chuyển và bất kỳ ai trở về từ nước ngoài đều phải tự cách ly 14 ngày kể từ ngày 18/3.

Số ca nhiễm mới tại Singapore, quốc gia vốn được khen ngợi vì hành động nhanh nhằm kiểm soát dịch bệnh, đã tăng gần 90% lên 314 ca trong tuần qua.

“Chúng tôi dự đoán sẽ có thêm các ca nhập ngoại, và do đó sẽ xảy ra các cụm lây nhiễm mới là làn sóng lây nhiễm mới, thời điểm này là đến từ nhiều quốc gia chứ không còn là một hay hai nữa”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo hồi tuần trước.

Phần lớn tâm của dịch giờ đây đã chuyển từ châu Á sang châu Âu và Mỹ, nhưng các số liệu mới về các ca nhập ngoại cho thấy đại dịch còn xa mới kết thúc tại châu Á.

Giới chức y tế Malaysia mới đây đã khẩn khoản kêu gọi người dân ở trong nhà và bảo vệ chính mình và gia đình sau khi nước này ghi nhận 710 trường hợp mắc bệnh cho tới nay, nhiều nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á, buộc nước này phải ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc. Nhiều trường hợp tại Malaysia có liên quan tới một sự kiện tôn giáo diễn ra ở thủ đô Kuala Lumpur hồi tháng 2.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins tại Mỹ, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 215.955 ca mắc Covid-19 và 8.749 ca tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay phần lớn các ca nhiễm - 80% - xảy ra tai châu Âu và khu vực Thái Bình Dương, vốn bao gồm phần lớn châu Á.

 

An Bình

Theo FT, BBC