1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lao động di cư khốn khổ trong “núi nợ” giữa tâm dịch Hồ Bắc

(Dân trí) - Do lệnh phong tỏa nên không thể đi làm, Cao Xier là 1 trong hàng triệu người đang chật vật duy trì cuộc sống không thu nhập trong khi nợ nần ngày càng chồng chất tại tâm dịch Covid-19 ở Hồ Bắc.

Lao động di cư khốn khổ trong “núi nợ” giữa tâm dịch Hồ Bắc - 1

Tỉnh Hồ Bắc đã bị phong tỏa từ vài tháng qua khi dịch Covid-19 bùng phát (Ảnh: Reuters)

Giống các lao động nông thôn di cư khác từ Hồ Bắc, Cao và gia đình trở về nhà ăn tết Âm lịch vào cuối tháng 1 và sau đó bị chính quyền Trung Quốc phong tỏa trong nỗ lực ngăn dịch Covid-19 lây lan rộng hơn.

“Chúng tôi chưa bao giờ trải qua cơn hoảng loạn như thế này”, người đàn ông tới từ Caodian, một vùng nông thôn nghèo ở Hồ Bắc, cho hay.

“Em rể tôi nói là nếu các quan chức không để chúng tôi đi làm vào đầu tháng 4, cậu ấy sẽ trốn ra ngoài vì việc không có thu nhập nuôi gia đình hoặc trả nợ cũng tệ hại không khác gì bị nhiễm virus”, Cao nói.

Covid-19 - bệnh dịch đã khiến 80.000 mắc và hơn 3.200 người chết ở đại lục - đã khiến Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuối tháng 1. Nền kinh tế sụt giảm cộng với việc Trung Quốc bị cách ly với toàn thế giới.

Tuy nhiên, trong khi các cửa hàng và nhà máy trên khắp Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại, gần 60 triệu dân sống ở hàng chục địa phương tại Hồ Bắc vẫn sống trong tình cảnh bị phong tỏa.  

Cao và những lao động di cư khác từ Hồ Bắc đã dấy lên hy vọng khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Vũ Hán tuần trước rằng lệnh phong tỏa sẽ sớm bị gỡ bỏ và họ sẽ được rời quê để đi làm kiếm tiền ở khu vực bờ đông Trung Quốc - nơi đặt hàng loạt các nhà máy sản xuất của quốc gia Đông Á.

“Chúng tôi rất bất bình với quyết định của chính quyền. Chúng tôi đều khỏe mạnh và đều bị mắc kẹt lại ở nhà. Chính quyền phong tỏa đường xá nhưng không hỗ trợ hoặc đền bù gì cho thiệt hại của chúng tôi”, tài xế xe tải 36 tuổi Zhang Liang từ Kinh Sơn, Hubei cho biết. Zhang đang ngập trong nợ nần sau khi bỏ tiền ra mua xe tải để làm ăn.

Với Cao, người làm tài xế cho một ứng dụng gọi xe công nghệ cao ở Đông Hoản, Quảng Đông, áp lực tài chính bắt đầu lớn dần sau nhiều tháng không được đi làm.

Không có thu nhập, Cao buộc phải dùng thẻ tín dụng để trả số tiền 428 USD mỗi tháng trong khoản nợ mua xe hơi để đi làm vào tháng 10/2018.

Câu chuyện tương tự xảy ra với em gái anh, người cùng với chồng không thể quay trở lại làm việc ở Đông Hoản. Cặp đôi sống ở Tùy Châu, Hồ Bắc phải nuôi 2 con gái và 3 người lớn tuổi nhưng trong vài tháng qua cũng không có thu nhập. Họ phải vay Cao 713 USD để đóng một khoản trả góp.

“Nhìn chung, những người trẻ trong làng chúng tôi đều đang nợ nần, nợ mua nhà, mua xe hoặc mua điện thoại thông minh”, Cao nói.

Trên khắp Trung Quốc, tỉ lệ nợ hộ gia đình trên tổng sản phẩm quốc nội đã tăng vọt từ 17.9% năm 2008 tên 52,1% năm 2018 và 55,8% vào năm 2019.

Đại dịch Covid-19 mang lại rủi ro to lớn với lao động nhập cư phải vay những khoản lớn để mua bất động sản, Simon Zhao, chuyên gia về khoa học xã hội tại đại học BNU-HKBU United (Trung Quốc) nhận định. Ông Zhao nói rằng việc trở lại làm việc là điều thiết yếu với những lao động này.

“Chúng tôi đều sống trong sợ hãi. Tôi chắc chắn sẽ thất nghiệp khi quay trở lại Thâm Quyến vì cơ sở làm đẹp tôi từng làm đã đóng cửa. Nhưng tôi vẫn phải trả 542 USD cho căn hộ mà tôi thuê ở đó”, Gao Minghui, 28 tuổi - người đang kẹt tại quê nhà Nam Chương, Hồ Bắc, cho biết.

Gao cho biết tình cảnh ở quê nhà cô ngày càng trở nên tuyệt vọng hơn. “Chúng tôi có một nhóm trao đổi trên ứng dụng nhắn tin Wechat gồm 400 người cùng làng. Người trẻ tuổi liên tục nói rằng họ muốn đi làm và toàn bộ lợn, vịt, gà đã bị làm thịt hết để ăn. Chúng tôi đã cạn túi và đang phá sản”, Gao nói.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm