Chủ tịch Hạ viện Mỹ ra "tối hậu thư" về viện trợ cho Ukraine
(Dân trí) - Sẽ không có tài trợ bổ sung cho Ukraine nếu chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden không có cải cách sâu rộng về hệ thống nhập cư, an ninh biên giới, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson nêu rõ.
Theo Fox News, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson ngày 5/12 đã đưa ra "tối hậu thư" trong một lá thư gửi đến Nhà Trắng. Trong thư, ông Johnson nhấn mạnh, việc viện trợ bổ sung cho Ukraine "phụ thuộc vào việc chính phủ ban hành những thay đổi mang tính chuyển đổi đối với luật an ninh biên giới của quốc gia".
Trước đó, trong một cuộc họp kín với các nghị sĩ Cộng hòa, ông Mike Johnson nói rằng, ưu tiên hàng đầu trong các cuộc đàm phán phải là chính sách về biên giới.
Nghĩa là, để có được sự phê chuẩn của Hạ viện Mỹ đối với gói viện trợ bổ sung cho Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden trước tiên cần đảm bảo vấn đề an ninh biên giới.
Những tuyên bố của ông Johnson nhằm phản hồi lá thư của Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Shalanda Young gửi tới quốc hội. Trong thư, bà Young cảnh báo, Mỹ sẽ cạn kiệt ngân sách và không còn nhiều thời gian để viện trợ cho Ukraine, Israel.
"Nếu không có hành động của quốc hội, đến cuối năm nay, chúng tôi sẽ cạn kiệt nguồn lực để mua thêm vũ khí và thiết bị cho Ukraine cũng như cung cấp thiết bị từ kho quân sự của Mỹ", bà Young cho biết. Quan chức này cho rằng, Mỹ cắt viện trợ quân sự sẽ khiến năng lực chiến đấu của Ukraine sụp đổ và làm tăng khả năng Nga giành chiến thắng.
Trước đó, Tổng thống Biden đã công bố đề xuất gói viện trợ tổng hợp trị giá 106 tỷ USD, trong đó 60 tỷ USD dành cho Ukraine. Tuy nhiên, đề nghị này vấp phải sự phản đối của một bộ phận nghị sĩ đảng Cộng hòa vì họ không muốn lãng phí viện trợ cho Kiev trong khi Washington cần ngân sách cho nhiều chương trình khác.
Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện, tìm cách gắn sự hỗ trợ dành cho Ukraine với vấn đề an ninh biên giới.
"Các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ nhất trí rằng bất kỳ gói ngân sách an ninh quốc gia bổ sung nào cũng phải bắt đầu từ biên giới của chính chúng ta", ông Johnson hôm 4/12 nhấn mạnh.
Mỹ là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến sự kéo dài và Ukraine không đạt đột phá nào trong chiến dịch phản công kéo dài 6 tháng qua, mức độ sẵn sàng viện trợ của Mỹ và các đồng minh ít nhiều bị ảnh hưởng.
Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm qua thừa nhận Ukraine nhìn thấy nguy cơ thua Nga nếu Mỹ trì hoãn đợt viện trợ quan trọng này.
"Điều này kéo theo nguy cơ rất cao là chúng tôi không thể tiếp tục giành lại lãnh thổ, và tạo ra rủi ro lớn về việc thua cuộc chiến này. Đó là lý do tại sao việc Mỹ bỏ phiếu và bỏ phiếu càng sớm đối với gói viện trợ này cực kỳ quan trọng với chúng tôi", ông nói.