Chủ tịch Hạ viện Mỹ kêu gọi ông Zelensky sa thải đại sứ Ukraine
(Dân trí) - Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson kêu gọi Tổng thống Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sa thải đại sứ Ukraine tại Washington sau chuyến thăm gây tranh cãi của ông Zelensky tới một nhà máy vũ khí.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, một thành viên thuộc đảng Cộng hòa, ngày 25/9 đã kêu gọi ông Zelensky "ngay lập tức sa thải" đại sứ Ukraine ở Mỹ Oksana Markarova, một ngày trước khi nhà lãnh đạo Ukraine dự kiến đến thăm Quốc hội Mỹ.
Ông Johnson cáo buộc bà Markarova can thiệp bầu cử Mỹ vì bà là người tổ chức chuyến thăm của ông Zelensky tới một nhà máy vũ khí ở Pennsylvania hôm 22/9.
Theo ông Johnson, ông Zelensy thăm một cơ sở sản xuất vũ khí nằm ở bang chiến trường và không có đảng viên Cộng hòa nào tham dự vì họ không được mời.
"Chuyến đi rõ ràng là một sự kiện vận động tranh cử mang tính đảng phái được thiết kế để giúp đỡ đảng Dân chủ và rõ ràng là sự can thiệp vào cuộc bầu cử", ông cáo buộc.
Ông Johnson nói rằng đảng Cộng hòa đã mất niềm tin vào khả năng công tác của bà Markarova tại Mỹ và kêu gọi bà "nên bị cách chức ngay lập tức". Ông cũng cho rằng, những vụ việc tương tự như vậy không nên bị lặp lại.
Trước đó, một số quan chức đảng Cộng hòa của Mỹ đã cáo buộc ông Zelensky can thiệp vào bầu cử của Mỹ và "vận động" cho ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris.
Thống đốc đảng Dân chủ Josh Shapiro, một đồng minh của bà Harris, đã đưa ông Zelensky đi tham quan nhà máy đạn dược quân đội Scranton vào cuối tuần. Nhà máy này là nơi sản xuất những quả đạn chuyển tới cho Ukraine.
Ông Zelensky cũng xuất hiện với Thượng nghị sĩ Bob Casey và hạ nghị sĩ Matt Cartwright, 2 đảng viên Dân chủ.
Sau đó, ông Zelensky đã trả lời báo New Yorker, bày tỏ sự bất đồng quan điểm với ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và phó tướng J.D. Vance, liên quan tới kế hoạch của họ nhằm khép lại chiến sự Nga - Ukraine.
Thượng nghị sĩ Missouri Eric Schmitt cáo buộc ông Zelensky "công khai vận động cho đảng Dân chủ tại tiểu bang chiến trường Pennsylvania khi cuộc bầu cử còn 50 ngày nữa diễn ra. Thật không thể tin được".
Hạ nghị sĩ John Joyce cho rằng chuyến thăm nhà máy đạn là "một chiêu trò chính trị", xét theo thời điểm "đáng ngờ" mà nó diễn ra.
Một nhóm gồm 9 nghị sĩ Mỹ do ông Lance Gooden dẫn đầu đã kêu gọi điều tra chuyến thăm nhà máy đạn của ông Zelenksy. Nhà lãnh đạo Ukraine đã bay đến Pennsylvania trên một máy bay quân sự C-17 của Không quân Mỹ và được Mật vụ bảo vệ, cả hai đều được thanh toán bằng ngân sách Mỹ, các nhà lập pháp cho biết trong một lá thư gửi Tổng thanh tra Lầu Năm Góc Robert Storch.
Tại Pennsylvania, cộng đồng cử tri gốc Đông Âu được xem là có thể có tác động tới kết quả bầu cử. Cả 2 đảng đều tích cực thu hút nhóm này. Đó là lý do mà một số thành viên đảng Cộng hòa tỏ ra không hài lòng với chuyến thăm của ông Zelensky.
Phía Ukraine chưa lên tiếng về những quan ngại của các thành viên đảng Cộng hòa.
Trước đó, trong một sự kiện vận động tranh cử, ông Trump cho rằng ông Zelensky dường như muốn đảng Dân chủ thắng trong cuộc bầu cử năm nay, nhưng không nêu ra bằng chứng cụ thể cho nhận định này.
Ủy ban Giám sát Hạ viện do Đảng Cộng hòa đứng đầu đã tuyên bố rằng họ sẽ điều tra liệu chuyến đi của ông Zelensky có phải là một nỗ lực tận dụng một nhà lãnh đạo nước ngoài để hỗ trợ cho bà Harris hay không.
Tuy nhiên, theo Reuters, có thông lệ chung là các thống đốc sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm tiểu bang của họ. Vào tháng 7, ông Zelensky đã đến thăm một nhà máy ở Utah và được Thống đốc thuộc đảng Cộng hòa của tiểu bang này, Spencer Cox, tiếp đón.
Ngoài ra, một số nhà lãnh đạo nước ngoài, bao gồm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cũng đã đến bang chiến địa Florida trong những tháng gần đây để gặp ông Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago.