1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chính sách công nghệ tương lai của Biden với Trung Quốc: "Đạn đã rời nòng"

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể sẽ không đảo ngược chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump trong lĩnh vực công nghệ.

Chính sách công nghệ tương lai của Biden với Trung Quốc: Đạn đã rời nòng - 1

Tổng thống đắc cử Joe Biden (Ảnh: Reuters)

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump đã tìm cách để "thách thức" Trung Quốc về công nghệ, thông qua các lệnh trừng phạt, sắc lệnh hành pháp và các hành động khác. Các chuyên gia cho rằng Tổng thống đắc cử Joe Biden, người dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1, cũng sẽ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm.

"Đạn đã rời nòng. Ông Trump đã phá vỡ hoàn toàn nguyên trạng vốn có giữa Mỹ và Trung Quốc trong suốt hàng chục năm", Abishur Prakash, chuyên gia về địa chính trị tại Trung tâm Cải tiến Tương lai (CIF) - một hãng tư vấn có trụ sở tại Toronto (Canada), nhận định với CNBC.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã triển khai nhiều biện pháp nhằm vào các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc.

Một ví dụ điển hình là Huawei - tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen hồi năm ngoái. Lệnh trừng phạt của Mỹ đã hạn chế, thậm chí trong một số trường hợp "cấm cửa" Huawei tiếp cận công nghệ của Mỹ, bao gồm hệ điều hành Android trên điện thoại di động.

Động thái của Mỹ khiến doanh số điện thoại di động của Huawei bị giáng một đòn mạnh mẽ. Mỹ cũng không cho phép Huawei tiếp cận nguồn cung chất bán dẫn.

Chất bán dẫn là lĩnh vực được chính quyền Tổng thống Donald Trump đặc biệt quan tâm. SMIC, công ty sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc, đã bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ từ giữa tháng 12.

Hợp tác với các đồng minh

Chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể vẫn sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận cứng rắn với các công ty công nghệ Trung Quốc, tương tự chính quyền tiền nhiệm.

"Tôi cho rằng chính quyền (Joe Biden) vẫn sẽ coi công nghệ là lĩnh vực cạnh tranh chính và tiếp tục duy trì một số cách tiếp cận của chính quyền Trump nhằm cắt đứt dòng chảy công nghệ thiết yếu với Trung Quốc", Adam Segal, Giám đốc chương trình không gian mạng và kỹ thuật số của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), nhận định.

Theo ông Segal, sự khác biệt giữa hai chính quyền trong việc ứng phó với Trung Quốc về công nghệ là cách tiếp cận của ông Biden sẽ "mang tính hợp tác" hơn, với sự tham gia của cả khối tư nhân cũng như các đồng minh của Mỹ, đồng thời tập trung nhiều hơn vào một nhóm công nghệ thu hẹp hơn.

Chuyên gia Paul Triolo tại tổ chức tư vấn rủi ro Eurasia Group đồng ý với quan điểm cho rằng, chính quyền Biden sẽ hợp tác với các đồng minh để thực hiện chiến lược liên quan tới công nghệ của Trung Quốc. Theo chuyên gia Triolo, đội ngũ của Joe Biden có thể sẽ kiểm soát ít hơn về công nghệ, nhưng sẽ lập những "bức tường chắn" cao để bảo vệ an ninh quốc gia.

Chuyên gia Prakash dự đoán chính quyền Biden có thể sẽ tiếp tục duy trì nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm loại các công ty Trung Quốc ra khỏi mạng lưới di động 5G thế hệ mới trên toàn thế giới. Chính quyền Trump từng hối thúc các đồng minh loại các thiết bị của Huawei ra khỏi mạng lưới. Australia, Nhật Bản và Anh đã thực hiện theo lời kêu gọi của Washington.

Chính quyền Biden được dự đoán có thể sẽ điều chỉnh lại cách tiếp cận, trong đó vẫn trừng phạt các công ty Trung Quốc hoặc hạn chế xuất khẩu, nhưng đồng thời cũng đưa ra cách tiếp cận riêng.

Chuyên gia Prakash khẳng định cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden.

"Mỹ không có quá nhiều lựa chọn. Hoặc Mỹ cho phép Trung Quốc thống trị thế giới thông qua công nghệ, hoặc phải thách thức điều đó", chuyên gia địa chính trị cho biết thêm.