1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến lược lôi kéo Philippines bằng viện trợ của Trung Quốc

(Dân trí) - Trung Quốc đang nỗ lực thắt chặt quan hệ và xoa dịu những lo ngại tại Philippines bằng cách cam kết viện trợ cho chương trình tái thiết cơ sở hạ tầng của quốc gia Đông Nam Á.

Chiến lược lôi kéo Philippines bằng viện trợ của Trung Quốc - 1

Tổng thống Duterte gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh hồi tháng 4. (Ảnh: Xinhua)

Trung Quốc đã cam kết viện trợ cho dự án tái thiết cơ sở hạ tầng trị giá 169 tỷ USD tại Philippines. Đây được xem là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tình hữu nghị với Philippines, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á vẫn lo ngại về việc liệu các quan chức tại Bắc Kinh có đang tìm cách chèn ép tuyên bố chủ quyền trên biển của Manila hay không.

Trong một năm qua, các tàu Trung Quốc đã vây quanh một hòn đảo do Philippines chiếm đóng tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Một vụ đụng độ giữa tàu hai nước đã xảy ra khiến tàu Philippines bị đâm chìm hồi tháng 6.

Người Philippines muốn Trung Quốc tôn trọng phán quyết do tòa trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc cho đến nay vẫn bác bỏ phán quyết này.

Căng thẳng với Trung Quốc có thể đẩy Philippines xích lại gần hơn với Mỹ - một đồng minh quân sự lâu năm, và với Nhật Bản - một nhà viện trợ phát triển bền vững. Trong khi đó về mặt chính trị, Bắc Kinh “không ưa” cả Washington và Tokyo.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nhà lãnh đạo từng “làm hòa” với Trung Quốc khi lên nắm quyền hồi năm 2016 bằng cách chấp nhận bỏ qua một bên tranh chấp Biển Đông, đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào tuần trước. Trang web của văn phòng tổng thống Philippines cho biết, Thủ tướng Lý cam kết sẽ “tăng cường hợp tác” với dự án phát triển cơ sở hạ tầng kéo dài 5 năm của Philippines.

“Có lẽ đây là cách để (Trung Quốc) trấn an chính quyền và cả công chúng (Philippines) rằng, họ vẫn cam kết ủng hộ các dự án cơ sở hạ tầng tại Philippines. Đồng thời, có lẽ họ cũng nghĩ rằng đây là cách để xoa dịu sự bất mãn ngày càng tăng của dư luận và thậm chí cả một bộ phận trong chính quyền (Philippines) về các động thái của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”, Maria Ela Atienza, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Diliman Philippines, nhận định.

Mục tiêu viện trợ

Chiến lược lôi kéo Philippines bằng viện trợ của Trung Quốc - 2

Các công nhân xây dựng làm việc tại công trình ở thành phố Paranaque, nam Manila, Philippines (Ảnh: AP)

Trong cuộc gặp với Tổng thống Duterte tại Bắc Kinh tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh “sự cần thiết” của việc kết hợp giữa dự án cơ sở hạ tầng của Philippines với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Vành đai và Con đường là sáng kiến do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động với tổng giá trị lên tới 1.000 tỷ USD.  Sáng kiến này đã triển khai được 6 năm với mục đích mở rộng các tuyến giao thương kết nối Á - Âu thông qua việc hỗ trợ các nước xây dựng cảng, cầu đường và các công trình cơ sở hạ tầng khác.

Tại cuộc gặp với Tổng thống Philippines, ông Tập Cận Bình kêu gọi hai nước triển khai các dự án hợp tác “lớn” về xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, năng lượng và viễn thông.

“Trước tiên, Trung Quốc muốn phát đi thông điệp rằng họ không chỉ nói suông, mà họ sẽ thực sự hành động và cam kết rót tiền”, VOA dẫn lời Stephen Nagy, giáo sư nghiên cứu quốc tế và chính trị tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Tokyo, Nhật Bản, nhận định.

Trung Quốc tăng cường hỗ trợ phát triển và thương mại cho phần lớn các nước Đông Nam Á từ sau khi tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết về vấn đề Biển Đông. Năm 2016, ông Tập Cận Bình cam kết hỗ trợ 24 tỷ USD dưới hình thức viện trợ và khoản vay cho Philippines.

Tính đến tháng 2 năm nay, Philippines mới nhận được 4,7 tỷ USD theo cam kết của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Người dân Philippines phàn nàn rằng, Trung Quốc viện trợ quá ít tính đến thời điểm hiện tại.

Tổng thống Duterte đã khởi động chương trình tái thiết cơ sở hạ tầng tại Philippines với tên gọi “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng”, nhằm giúp nước này chuẩn bị cho sự phát triển của các ngành công nghiệp. Hiện nay, cứ trong 5 người Philippines sẽ có 1 người sống ở mức nghèo, phần lớn do thiếu việc làm.

Vấn đề Biển Đông

Trung Quốc và Philippines là hai trong số các bên đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, một khu vực được đánh giá có nguồn hải sản và dầu khí dồi dào. Trong suốt một thập niên qua, Bắc Kinh đã tiến hành các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa trái phép vùng biển này, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Duterte đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế vào năm 2013 nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, trong cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rằng Trung Quốc và Philippines nên gạt tranh chấp Biển Đông sang một bên.

Giới phân tích nhận định mối quan hệ căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc đã tạo điều kiện cho Mỹ và Nhật Bản gia tăng sự hỗ trợ cho quốc gia Đông Nam Á.

Tổng thống Duterte ban đầu phớt lờ Mỹ để thiết lập quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát do tổ chức nghiên cứu Social Weather Stations có trụ sở tại Manila (Philippines) công bố hồi tháng 7 cho thấy 51% người dân Philipines cảm thấy “ít tin tưởng” Trung Quốc, trong khi 81% “tin tưởng” Mỹ nhiều hơn.

Washington khiến Bắc Kinh “nóng mặt” khi đưa các tàu hải quân tới Biển Đông để thúc đẩy tự do hàng hải. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Duterte rằng Trung Quốc sẽ “tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và chống lại sự can thiệp từ bên ngoài”.

“Trung Quốc phải tăng cường viện trợ để thay đổi cán cân an ninh hiện tại”, chuyên gia Nagy nhận định.

Trong khi đó, Nhật Bản đã hỗ trợ Philippines tổng cộng 24,4 tỷ USD dưới hình thức viện trợ phát triển tính đến năm 2017. Người dân Philippines cũng có thiện cảm với Nhật Bản. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về kinh tế, Nhật Bản cũng nỗ lực thắt chặt quan hệ với các nước Đông Nam Á thông qua viện trợ phát triển nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này.

“Bất kỳ nước viện trợ nào muốn giúp đỡ Philippines cũng luôn được chào đón. Tuy nhiên hiện tại, bên đóng góp lớn nhất cho chương trình “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng” của chúng ta vẫn là Nhật Bản”, Jonathan Ravelas, chiến lược gia trưởng của BDO Unibank, một trong những ngân hàng lớn nhất tại Philippines, cho biết.

Thành Đạt

Tổng hợp