1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sẽ kết thúc theo kịch bản nào?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định, các lãnh đạo phương Tây dường như vẫn đang khó dự đoán liệu chiến dịch quân sự của Nga sẽ diễn biến tới đâu và kết thúc khi nào.

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sẽ kết thúc theo kịch bản nào? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang khiến phương Tây phải đau đầu phán về chiến dịch quân sự tại Ukraine (Ảnh: Sputnik).

Theo New York Times, Mỹ và phương Tây đã dự đoán gần như đúng thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, vào ngày 24/2. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, để dự đoán được khi nào chiến sự kết thúc dường như là một nhiệm vụ khó khăn hơn rất nhiều, vì mọi kịch bản đều có thể xảy ra.

Có khoảng 4 hướng ngoại giao đang được tiến hành từ phía lãnh đạo các nước Pháp, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức trong thời gian qua, nhưng tới nay các bên dường như chưa thuyết phục được Tổng thống Nga Vladimir Putin đàm phán với Ukraine.

Tại Lầu Năm Góc, Mỹ đã bắt đầu vạch ra những kịch bản khác nhau, trong đó có phương án Nga muốn đưa vào tầm kiểm soát các khu vực phía Nam và phía Đông Ukraine. Thậm chí, những kịch bản tồi tệ hơn cũng đã được tính đến, ví dụ như NATO sẽ tham gia trực tiếp vào xung đột.

Khả năng trên được đánh giá là có nguy cơ xảy ra, nhất là vào ngày 13/3, khi tên lửa Nga đã phóng xuống khu vực phía tây Ukraine, nơi chỉ cách biên giới Ba Lan - một thành viên NATO, vài chục km. Cuối tuần qua, Nga tuyên bố rằng vũ khí do phương Tây đưa qua khu vực nói trên để viện trợ cho Ukraine sẽ trở thành "mục tiêu hợp pháp" của Moscow.

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sẽ kết thúc theo kịch bản nào? - 2

Quân nhân Ukraine điều khiển một chiếc xe tăng Nga bỏ lại sau một cuộc đối đầu ở bên ngoài Brovary, gần Kiev hôm 10/3 (Ảnh: Reuters).

Trong các cuộc phỏng vấn với các quan chức cấp cao của Mỹ và châu Âu trong những ngày gần đây, các bên đều chia sẻ chung một dự đoán rằng: Thời điểm 2-3 tuần kế tiếp sẽ có thể định hình được kết cục cho chiến sự với việc liệu các bên có ngồi xuống bàn đàm phán thực sự hay không. Giờ đây, ngay cả những diễn biến cơ bản nhất, ví dụ như lập hành lang nhân đạo cho dân thường di cư, đang diễn ra với tiến độ chậm vì 2 bên liên tục cáo buộc nhau gây cản trở cho quá trình này.

Giờ đây, các lãnh đạo phương Tây đang tự đặt ra câu hỏi rằng liệu ông Putin có thể tiếp tục mở rộng chiến dịch quân sự hay không và mục tiêu cuối cùng của ông là gì. Họ thậm chí cũng đã tính tới kế hoạch NATO có thể tham gia vào chiến sự nếu có những diễn biến nhất định xảy ra.

Đầu tuần trước, các bên đã chứng kiến một hy vọng nhỏ bé rằng các cuộc đàm phán có thể giúp làm tình hình hạ nhiệt. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, chiến dịch quân sự sẽ "kết thúc ngay lập tức" nếu Ukraine thay đổi hiến pháp chấp nhận việc duy trì trạng thái trung lập thay vì thúc đẩy mục tiêu gia nhập NATO. Nga cũng đưa ra yêu cầu Ukraine phải công nhận 2 vùng ly khai Donetsk và Lugansk là các nước độc lập và chấp nhận việc Crimea đã sáp nhập về Nga.

Trả lời phỏng vấn ABC News sau đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông đã không còn hứng thú với việc gia nhập NATO vì rõ ràng là liên minh này "chưa chuẩn bị để chấp nhận Ukraine".

Và mặc dù ông Zelensky tuyên bố sẽ không thương lượng về vấn đề chủ quyền và lãnh thổ quốc gia, ông vẫn nói rằng: "Chúng ta có thể thảo luận và tìm ra một thỏa hiệp về cách các lãnh thổ này sẽ tồn tại trong tương lai".

Tuy nhiên, liệu ông Putin có chấp nhận thỏa thuận như vậy hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Chiến trường căng thẳng

Ukraine công bố video bắn pháo phá hủy xe tăng Nga

Kịch bản tốt nhất mà phương Tây đang trông đợi chính là ông Putin sẽ thu hẹp lại mục đích ban đầu, trong bối cảnh Nga đang đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt lên khắp các lĩnh vực nhằm gây áp lực lên giới lãnh đạo Nga. Mặc dù vậy, Nga tới nay vẫn thể hiện sự quyết tâm duy trì chiến dịch quân sự cho tới khi họ đạt được mục tiêu bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt cứng rắn. 

Mặt khác, nếu xảy ra kịch bản ông Zelensky thực sự đạt được thỏa thuận với ông Putin, điều đó có thể dẫn đến một quyết định khó khăn cho Mỹ: Liệu Washington có dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào mà nước này cùng các nước đã áp dụng lên Nga hay không.

Trên chiến trường, các quan chức Mỹ cho rằng, Ukraine đang hiệu quả trong việc làm chậm đà tiến của lực lượng Nga.

Tuy nhiên, Trung tướng Scott Berrier, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, thừa nhận việc Nga đang vây bọc từ các hướng xung quanh Kiev đang gây nên áp lực cho phía Ukraine. Ông cảnh báo với việc nguồn cung bị cắt đi, Ukraine sẽ gặp bất lợi lớn trong 10 ngày tới 2 tuần nữa.

Một quan chức cấp cao khác của Mỹ cho rằng, Nga có thể mất tới hai tuần để các lực lượng của nước này triển khai xung quanh Kiev và một tháng để kiểm soát thành phố này. Quan chức trên cho rằng Nga sẽ tăng cường sử dụng hỏa lực kết hợp với hoạt động tác chiến trong đô thị.

Khoảnh khắc trực thăng Ka-52 Nga phóng tên lửa vào xe thiết giáp Ukraine

Cựu Đô đốc quân đội Mỹ James Stavridis cảnh báo, Nga có thể thiệt hại đáng kể về lực lượng nếu theo đuổi đến cùng mục tiêu kiểm soát Kiev cũng như những khu vực chiến lược của Ukraine.

Một kịch bản đã được các chuyên gia dự đoán có thể xảy ra là Ukraine có thể bị chia nhỏ thành nhiều phần sau khi chiến sự xảy ra. Nga hiện tại đang cùng lực lượng 2 vùng ly khai tăng cường gia tăng cường độ nhằm vào thành phố chiến lược Mariupol. Nếu thành công, phe ly khai ở Donbass sẽ có thể kiểm soát được cây cầu nối giữa bán đảo Crimea với khu vực này.

Và nếu Nga tiếp tục nhằm vào thành phố cảng Odesa ở Biển Đen và thành công, điều này sẽ ngăn hoàn toàn Ukraine tiếp cận với đường biển ở hướng Đông nam nước này. 

Theo New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm