1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến dịch phản công có thể quyết định cục diện xung đột Nga - Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine dường như đã bắt đầu chiến dịch phản công với hy vọng phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường, và chứng minh cho các đồng minh phương Tây thấy viện trợ của họ không lãng phí.

Chiến dịch phản công có thể quyết định cục diện xung đột Nga - Ukraine - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát tín hiệu chiến dịch phản công của quân đội nước này đã bắt đầu (Ảnh: Reuters).

Ukraine bắt đầu phản công

Chỉ vài lời ngắn gọn, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 10/6 phát tín hiệu rằng chiến dịch phản công của quân đội nước này nhằm đẩy lùi lực lượng Nga đã bắt đầu. Ông không tiết lộ thêm chi tiết về cuộc phản công lên dây cót từ lâu này.

Không loại trừ đó là cách Ukraine nhằm gây nhiễu loạn về thời điểm và địa điểm phản công thực sự, nhưng rõ ràng xung đột Nga - Ukraine đang bước vào một giai đoạn mới có thể quyết định cục diện cuộc chiến.

Không giống những tháng đầu tiên của cuộc xung đột, khi Nga tìm cách kiểm soát thủ đô Kiev và các thành phố lớn khác của Ukraine, tiền tuyến ở Ukraine hiện giờ dịch chuyển về miền Đông và miền Nam.

Giới chức Ukraine thừa nhận, điều đó có nghĩa là chiến dịch phản công mới của họ sẽ mất đi yếu tố bất ngờ từng thấy ở cuộc phản công ở Kharkov hồi tháng 9 năm ngoái.

Sau khi Ukraine giành lại Kharkov và Kherson, vùng Zaporizhia ở miền Nam sẽ trở thành mục tiêu chính của họ nhằm cắt đứt hành lang trên bộ từ bán đảo Crimea đến miền Đông nước này. Quân đội Ukraine gia tăng đáng kể hoạt động ở đây trong tháng này.

Ở miền Đông, Bakhmut vẫn là điểm nóng xung đột ngay cả khi lực lượng quân sự tư nhân Wagner tuyên bố kiểm soát hoàn toàn thành phố, rút quân và bàn giao lại quyền kiểm soát cho quân đội Nga.

Ukraine thông báo tiếp tục tiến công và giành lại một số vị trí ở các sườn thành phố. Chiến thuật của Kiev là biến Bakhmut làm "nam châm" hút nguồn lực Nga, từ đó làm suy yếu phòng thủ của Moscow ở những nơi khác.

Mục tiêu bao quát của Ukraine là giành lại toàn bộ lãnh thổ, bao gồm cả bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014. Tuy nhiên, Kiev có thể đạt được mục tiêu đó hay không vẫn còn là câu hỏi lớn.

Chiến dịch phản công có thể quyết định cục diện xung đột Nga - Ukraine - 2

Chiến dịch phản công của Ukraine được cho là diễn ra ở cả miền Đông và miền Nam (Bản đồ: Guardian).

Vũ khí mới

Kho vũ khí của Ukraine được cải thiện đáng kể trước chiến dịch phản công.

Anh đã viện trợ các tên lửa hành trình Storm Shadow, giúp Ukraine tăng cường năng lực tấn công tầm xa. Với tầm bắn lên đến gần 300km, tên lửa này có thể sánh ngang với hệ thống tên lửa chiến thuật đất đối đất (ATACMS) do Mỹ sản xuất.

Ngoài ra, Ukraine cũng được nhận thêm ít nhất 2 tổ hợp phòng không hiện đại Patriot từ Mỹ và Đức, giúp họ nâng cao năng lực phòng không. Kiev tháng trước tuyên bố lần đầu tiên sử dụng Patriot để đánh chặn một tên lửa siêu vượt âm của Nga.

Mỹ cũng thông báo gói viện trợ mới hơn 2 tỷ USD cho Kiev, trong đó bao gồm các tổ hợp phòng không, đạn dược và nhiều vũ khí khác. Câu hỏi đặt ra là Washington và các đồng minh có thể duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine bao lâu nữa.

Giới quan sát cảnh báo, cuộc chiến càng kéo dài, sự chia rẽ giữa các đồng minh của Ukraine sẽ càng sâu sắc và có lợi cho Nga. Nếu xung đột rơi vào bế tắc hoặc kết thúc trên bàn đàm phán, Ukraine sẽ mong muốn chiếm ưu thế. Để đạt được mục tiêu này, Ukraine cần đạt được nhiều bước tiến trong chiến dịch phản công càng sớm càng tốt.

Nga giăng thế trận phòng thủ

Chiến dịch phản công có thể quyết định cục diện xung đột Nga - Ukraine - 3

(Đồ họa: Aljazeera)

Trong khi Ukraine dành nhiều tháng để lên dây cót cho chiến dịch phản công, Nga cũng có thời gian xây dựng mạng lưới phòng thủ nhiều lớp.

Các ảnh chụp vệ tinh cho thấy tuyến phòng thủ trải dài hàng nghìn km của Nga, bao gồm các hào chống tăng, bãi mìn, phòng tuyến răng rồng. Để xuyên thủng hệ thống phòng thủ này là một thách thức không hề đơn giản đối với Ukraine.

Do vậy, chiến thuật của Ukraine là tiến hành các "hoạt động định hình" như tấn công vào các tuyến đường tiếp tế, phá hủy kho đạn dược, nhiên liệu, tập kích UAV nhằm thăm dò điểm yếu trong mạng lưới phòng thủ của Nga.

Theo Guardian, Reuters