Chiến dịch "Búa đêm" của Mỹ tấn công Iran diễn ra thế nào?
(Dân trí) - Hình ảnh vệ tinh do Maxar công bố cho thấy có ít nhất 6 lỗ trên sườn núi tại cơ sở hạt nhân Fordow của Iran, nơi những quả siêu bom GBU-57 MOP nặng 13 tấn đã rơi xuống.

Máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ (Ảnh minh họa: Northrop Grumman).
Mỹ đã tiết lộ chi tiết về cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran sáng 22/6. Máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit đóng vai trò chủ công, Tướng Dan Caine, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho biết tại một cuộc họp báo của Lầu Năm Góc, tiết lộ rằng chiến dịch phức tạp này có mật danh là "Midnight Hammer - Nhát búa giữa đêm".
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết "đòn tấn công then chốt được thực hiện bởi 7 máy bay ném bom B-2 Spirit" bay 18 giờ từ lục địa Mỹ đến Iran với nhiều lần tiếp nhiên liệu trên không.
"Máy bay chiến đấu Iran đã không xuất kích đánh chặn và có vẻ như các hệ thống tên lửa phòng không Iran cũng không phát hiện ra chúng tôi trong suốt nhiệm vụ. Chúng tôi vẫn giữ được yếu tố bất ngờ", Tướng Caine nói thêm.
Theo vị tướng này, tổng cộng có 14 quả bom GBU-57 Massive Ordnance Penetrator (MOP), hơn 20 tên lửa hành trình tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk và hơn 125 máy bay quân sự đã được sử dụng trong chiến dịch.
Ông cũng tiết lộ rằng, việc triển khai máy bay ném bom của Mỹ trên Thái Bình Dương một ngày trước đó là "đòn nghi binh", nằm trong nỗ lực "đánh lừa" rộng hơn mà chỉ một số ít người lập kế hoạch chiến dịch được biết.
Theo Tướng Caine, mục tiêu của chiến dịch - phá hủy các cơ sở hạt nhân Fordow, Natanz và Isfahan tại Iran - đã đạt được.
"Kết quả chính xác của đòn tập kích này sẽ mất một thời gian để nhận định rõ nét, nhưng đánh giá thiệt hại ban đầu cho thấy cả 3 địa điểm đều chịu thiệt hại và sự phá hủy cực kỳ nghiêm trọng", Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết.
Một bản đồ do Lầu Năm Góc cung cấp về đường bay của máy bay ném bom B-2 cho thấy cách tiếp cận Iran của chúng: Vượt qua Địa Trung Hải và sau đó là Israel, Jordan, Syria và Iraq.

Sơ đồ đường bay của những oanh tạc cơ B-2 trong Chiến dịch "Nhát búa giữa đêm" do Mỹ tiến hành tấn công các cơ sở hạt nhân Iran (Ảnh: Lầu Năm Góc).
Phát biểu trong cùng một cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết cuộc tấn công là một thành công đáng kinh ngạc và áp đảo đã "xóa sổ" tham vọng hạt nhân của Tehran.
"Chúng tôi đã phá hủy chương trình hạt nhân của Iran", ông Hegseth khẳng định và nói thêm rằng chiến dịch "không nhắm vào quân đội Iran hoặc người dân Iran".
Nhiều chuyên gia tin rằng những quả bom phá boongke có thể xuyên thủng lớp đất đá và bê tông dày khoảng 61m trước khi phát nổ ở "trái tim" của cơ sở hạt nhân Fordow nằm sâu trong lòng núi.

Một góc nhìn vệ tinh gần hơn cho thấy cơ sở hạt nhân ngầm Fordow của Iran sau cuộc không kích ngày 22/6 của Mỹ (Ảnh: Reuters).
Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran vẫn chưa đưa ra bất kỳ chi tiết nào về thiệt hại tại Fordow nhưng họ tuyên bố rằng, kiến thức của Cộng hòa Hồi giáo Iran trong lĩnh vực hạt nhân "không thể bị phá hủy".
"Họ nên biết rằng ngành công nghiệp này có nguồn gốc từ đất nước chúng tôi và nguồn gốc của ngành công nghiệp quốc gia này không thể bị phá hủy", người phát ngôn của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, ông Behrouz Kamalvandi cho biết, theo hãng thông tấn Tasnim.
"Tất nhiên, chúng tôi đã phải chịu thiệt hại, nhưng đây không phải là lần đầu tiên ngành công nghiệp này bị thiệt hại", ông xác nhận.
Trong khi đó, chính phủ Iran tuyên bố không có mối nguy hiểm trực tiếp nào đối với công chúng sau cuộc tấn công của Mỹ vào 3 địa điểm hạt nhân.
"Không có nguy hiểm nào đối với những người sống ở vùng ngoại ô các khu vực hạt nhân của chúng tôi", người phát ngôn Fatemeh Mohajerani cho biết trên truyền hình nhà nước, đồng thời nhấn mạnh, “người dân ở Natanz, Isfahan và Fordo có thể tiếp tục cuộc sống của họ”.
Iran tuyên bố sẽ trả đũa. Đáp lại điều này, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cảnh báo rằng hành động như vậy sẽ là “sai lầm tồi tệ nhất mà họ từng mắc phải”. Đồng thời, ông Rubio cho biết rằng lời đề nghị ngoại giao với Iran vẫn còn bỏ ngỏ, và rằng thay đổi chế độ “không phải là mục tiêu” của Washington.