Chiến đấu cơ tàng hình Trung Quốc “dùng công nghệ Mỹ”?
(Dân trí) - Giới chức Trung Quốc gần đây đã cho ra mắt chiếc chiến đấu cơ tàng hình công nghệ cao, có thể là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với vị thế thống trị bầu trời của Mỹ. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, một số công nghệ của J-20 có thể là của Mỹ.
Xác chiếc F-117 Nighthawk bị bắn hạ tại làng Budjanovci, cách tây bắc Belgrade 45 km, ảnh chụp ngày 28/3/1999.
Theo giới chức quân sự Balkan và một số chuyên gia khác, rất có khả năng người Trung Quốc đã “lượm lặt” một số bí kíp công nghệ từ chiếc F-117 Nighthawk (Diều hâu đêm) của Mỹ, chiếc chiến đấu cơ tàng hình bị bắn hạ trên bầu trời Seribai năm 1999.
Nighthawks là chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên của thế giới và là loại máy bay khiến radar rất khó phát hiện. Nhưng vào ngày 27/3/1999, trong đợt không kích Serbia của NATO khi nổ ra cuộc chiến Kosovo, một tên lửa chống máy bay của Serbia đã bắn hạ một chiếc Nighthawks. Người phi công đã nhảy dù ra ngoài và được cứu sống.
Đó là lần đầu tiên một trong những chiến đấu cơ tàng hình bị bắn hạ. Lầu Năm Góc tin rằng chiến đấu cơ của họ bị tên lửa SA-3 do Liên Xô phát triển bắn hạ là nhờ có chiến thuật thông minh kèm chút may mắn.
Đống đổ nát của chiếc máy bay bắn tung tóe trên khắp cánh đồng và người dân đã thu gom được nhiều phần, có phần lớn bằng chiếc xe hơi nhỏ, để làm đồ lưu niệm.
“Vào thời điểm đó, thông tin tình báo cho biết điệp viên Trung Quốc đã vào khu vực có xác chiếc máy bay F-117, mua một số bộ phận của nó từ nông dân địa phương”, Đô đốc Davor Domazet-Loso, tham mưu trưởng của quân đội Croatia trong cuộc chiến Kosovo, cho hay.
“Chúng tôi tin rằng người Trung Quốc đã dùng những thiết bị đó để tìm hiểu thêm về công nghệ tàng hình bí mật…và chuyển thành của họ”, Domazet-Loso cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên điện thoại với hãng thông tấn AP.
Một quan chức quân sự cấp cao của Serbia cũng khẳng định rằng các mảnh vỡ của máy bay đã được những nhà sưu tập quà tặng chuyển đi và một số “nằm trong tay của quân đội nước ngoài”.
Hiện Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng như Lầu Năm Góc không có bình luận gì về những thông tin trên.
Chiến đấu cơ tàng hình đa năng của Trung Quốc, được mệnh danh là Thành Đô J-20, đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 11/1 vừa qua, cho thấy tiến bộ vượt bậc của nước này về phát triển công nghệ quốc phòng tiên tiến.
Mặc dù chiếc J-20 hai động cơ phải mất ít nhất 8-9 năm nữa mới có thể triển khai được, nhưng nó đã trở thành đối thủ của chiến đấu cơ F-22 Raptor của Mỹ, “hậu duệ” của Nighthawk và hiện là chiến đấu cơ tàng hình duy nhất đang được triển khai trên thế giới.
Trung Quốc đã tung ra chiếc J-20 chỉ vài ngày trước chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, khiến một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc hoàn toàn có chủ đích, muốn chứng tỏ sức mạnh quân sự ngày càng lớn của mình.
Nhiều bộ phận của chiếc F-117 bị bắn hạ, như cánh trái với biểu tượng của Không lực Hoa Kỳ, mái buồng lái, ghế bật, mũ phi công và radio, hiện đang được trưng bày ở bảo tàng hàng không của Belgrade.
“Tôi không biết điều gì xảy ra với phần còn lại của chiếc máy bay”, Zoran Milicevic, phó giám đốc bảo tàng cho hay. “Trước đây có nhiều đoàn đến thăm chúng tôi, trong đó có người Trung Quốc, Nga, người Mỹ…nhưng không có ai tỏ ý muốn lấy bất kỳ bộ phận nào của chiếc máy bay”.
Zoran Kusovac, nhà tư vấn quân sự tại Rome, cho rằng chính quyền cựu Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic thường chia sẻ thiết bị thu được của phương Tây với các đồng minh Trung Quốc và Nga. “Chiếc F-117 bị bắn hạ nằm đầu bảng danh sách mong muốn của cả người Nga và Trung Quốc”, Kusovac nhận định.
Chiếc chiến đấu cơ tàng hình Sukhoi T-50 của Nga đã có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm ngoái và dự kiến sẽ được triển khai trong vòng 4 năm nữa. Một số nhà phân tích cho rằng rất có thể người Nga cũng “học hỏi” công nghệ tàng hình từ chiếc Nighthawk bị bắn hạ.
Chiếc F-117 được Mỹ bí mật phát triển những năm 1970 và được đưa vào sử dụng năm 1983.
Mặc dù chiếc máy bay không hoàn toàn “tàng hình” đối với radar, nhưng hình dạng và lớp vỏ ngoài “hấp thụ” radar của nó khiến radar rất khó phát hiện. Mức độ “tàng hình” của nó cũng bị giảm là bởi đầu cánh và rìa đuôi được làm bằng cấu trúc tổ ong phi kim, không bức xạ với các tia radar.
Kusovac cho rằng nhờ tìm hiểu được công nghệ quan trọng này và đặc biệt là lớp vỏ ngoài “hấp thụ” bức xạ, Trung Quốc đã củng cố được bí quyết tàng hình của mình.
Alexander Huang ở đại học Tamkang, Đài Bắc, nhận xét J-20 là một bước tiến lớn của Trung Quốc. Đồng thời ông cũng cho rằng đánh giá của Domazet-Loso là “hợp lý”. “Không có giải thích nào tốt hơn cho nguồn gốc công nghệ tàng hình của chiến đấu cơ J-20”, chuyên gia về không quân Trung Quốc này cho biết.
Phan Anh
Theo AP