1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chỉ trong 25 tuần, Covid-19 “thổi bay” thành tựu 25 năm của thế giới

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một báo cáo cho thấy, chỉ trong vòng nửa năm, đại dịch Covid-19 đã "thổi bay" các thành tựu mà thế giới đạt được 25 năm qua trong nhiều lĩnh vực từ y tế tới kinh tế.

Chỉ trong 25 tuần, Covid-19 “thổi bay” thành tựu 25 năm của thế giới - 1

Người dân Mỹ xếp hàng nhận lương thực tại Chelsea, Massachusetts hồi tháng 4 (Ảnh minh họa: Reuters)

Politico dẫn một báo cáo thường niên do Quỹ Bill & Melinda Gates thực hiện cho biết, chỉ trong 25 tuần của năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thế giới, làm tiêu tan những thành quả trong suốt 25 năm qua, từ chăm sóc sức khỏe tới kinh tế.

Bản báo cáo lấy ví dụ về việc tỷ lệ tiêm chủng phổ rộng đang giảm xuống ngang bằng với những năm 1990. Đây là tỉ lệ được xem là chỉ số đánh giá xem hệ thống y tế đang hoạt động như thế nào.

“Nói cách khác, chúng ta đã thụt lùi 25 năm trong 25 tuần”, bản báo cáo đánh giá.

Tính tới ngày 16/9, thế giới đã ghi nhận 29,7 triệu người mắc Covid-19 và hơn 939.000 người tử vong.

Quỹ Bill & Melinda Gates cho biết các nỗ lực toàn cầu đang được thực hiện để ngăn chặn mầm bệnh và ca tử vong gây ra bởi Covid-19. Tuy nhiên, thế giới cũng phải đối phó với hàng loạt đe dọa khi cuộc khủng hoảng y tế tác động tiêu cực tới cuộc chiến chống lại nghèo đói, lây truyền HIV, suy dinh dưỡng, bất bình đẳng giới… Kể cả trong kịch bản thế giới kiểm soát được đại dịch sớm, sẽ mất nhiều năm để hồi phục lại những gì đã mất.

Nếu thế giới có thể phân phối thành công vắc xin Covid 19 trong 18 tháng tới, mọi thứ có thể khôi phục lại như thời điểm 1-2 năm trước đại dịch. Tuy nhiên, tại một số quốc gia đang phát triển, việc khắc phục suy thoái kinh tế có thể mất nhiều thời gian hơn vì những nước này không có khả năng đầu tư vào nền kinh tế nhiều như các nước lớn.

Bản báo cáo cho biết sau 20 năm phát triển liên tục, gần 37 triệu người đã lâm vào cảnh rất nghèo trong năm nay, chỉ sống với mức dưới 1,9 USD một ngày.

Nhóm người nghèo mới của thế giới được cho sẽ là các phụ nữ làm các công việc phi chính thức tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Trẻ em cũng đối diện với nhiều mối đe dọa trong bối cảnh đại dịch hoành hành, hệ thống y tế quá tải và kinh tế suy thoái. Trong 4 tháng đầu năm nay, số lượng trẻ em được tiêm phòng đủ 3 mũi vắc xin DTP (chống bạch hầu, ho gà và uốn ván) đã giảm đáng kể. Ngoài ra, đại dịch cũng tác động tới việc học hành của trẻ em.

WHO: Cuộc sống khó trở lại bình thường cho tới năm 2022

Cũng liên quan tới dịch Covid-19, nhà khoa học Soumya Swaminathan của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo thế giới không nên kỳ vọng vào kịch bản có đủ vắc xin Covid-19 để cuộc sống trở lại bình thường cho tới năm 2022.

Bà Swaminathan cho biết sáng kiến vắc xin Covax của WHO sẽ chỉ có thể có được vài trăm triệu liều vào giữa năm tới. Số lượng các liều vắc xin được xem vẫn còn quá ít và thế giới vẫn cần thực hiện các hoạt động giãn cách xã hội và đeo khẩu trang cho tới khi việc sản xuất vắc xin dự kiến đạt tới 2 tỷ liều vào cuối năm 2021.

“Mọi người đang kỳ vọng là vào tháng 1 năm sau, sẽ có vắc xin cho cả thế giới và mọi thứ sẽ trở lại bình thường - nhưng điều đó sẽ không xảy ra”, bà Swaminathan cảnh báo.