1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

WHO: Số người mắc Covid-19 toàn cầu tăng mạnh chưa từng có

Minh Phương

(Dân trí) - Số người mắc Covid-19 trên thế giới tiếp tục tăng mạnh đáng lo ngại buộc nhiều nước sẵn sàng tính đến phương án sử dụng vắc xin khẩn cấp.

WHO: Số người mắc Covid-19 toàn cầu tăng mạnh chưa từng có - 1
Một bãi biển đông nghịt người ở Rio de Janeiro, Brazil ngày 13/9. (Ảnh: EPA)

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết ngày 13/9, thế giới ghi nhận thêm 307.930 ca mắc Covid-19 mới trong vòng 24 giờ. Đây là ngày thế giới có thêm nhiều người mắc Covid-19 nhất kể từ khi đại dịch bùng phát cuối năm ngoái.

Ấn Độ, Mỹ, Brazil tiếp tục là các điểm nóng bùng phát với số người mắc mới tăng mạnh nhất thế giới. Trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận hơn 94.000 ca, tiếp đến là Mỹ với hơn 45.500 ca, Brazil gần 44.000 ca.

Tính đến hết ngày 13/9, thế giới có hơn 29 triệu người mắc Covid-19, trong đó khoảng 927.000 người đã thiệt mạng. Riêng trong ngày hôm qua, thế giới có hơn 5.500 người tử vong vì Covid-19. Trong đó, Mỹ và Ấn Độ đều ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong mới, Brazil gần 900 ca trong vòng 24h.

Ấn Độ hiện là tâm dịch của thế giới với tốc độ gia tăng số ca mắc mới Covid-19 mạnh nhất thế giới. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày Ấn Độ có thêm 97.000 ca mắc Covid-19 mới. Ở một số khu vực của Ấn Độ, bình dưỡng khí trở nên khan hiếm khi tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc gia này lên xấp xỉ 4,8 triệu ca, chỉ sau Mỹ với hơn 6,5 triệu ca.

Giới chức Ấn Độ hôm qua cho biết đang cân nhắc cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa Covid-19, đặc biệt cho người già và người làm việc ở các khu vực nguy cơ cao. "Ấn Độ đang cân nhắc cấp phép khẩn cấp tiêm chủng vắc xin Covid-19. Nếu được sự đồng thuận, chúng tôi sẽ thông qua, đặc biệt trong trường hợp người già và người làm việc ở môi trường nguy cơ lây nhiễm cao", Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan cho biết.

Ông Vardhan cho biết thêm, Ấn Độ có thể rút ngắn thời gian thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 bằng việc phê chuẩn khẩn cấp, song nhấn mạnh sẽ không "đốt cháy giai đoạn" và rằng chỉ phân phối vắc xin khi chính phủ chắc chắn về sự an toàn và hiệu quả của nó. Theo ông Vardhan, hiện Ấn Độ chưa thể khẳng định thời gian phân phối vắc xin, song kết quả thử nghiệm sẽ rõ ràng vào quý 1/2021.

Ấn Độ là một trong các quốc gia đang chạy đua phát triển vắc xin ngừa Covid-19. WHO tuần trước cho biết, hiện có khoảng 180 loại vắc xin Covid-19 được phát triển trên toàn thế giới. "Khoảng 180 vắc xin Covid-19 đang được phát triển, trong đó có 35 vắc xin đang được thử nghiệm trên người. Chưa có dịch bệnh nào trong lịch sử chứng kiến hoạt động nghiên cứu phát triển nhanh như vậy”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói hôm 10/9.

Nga là nước đầu tiên phê chuẩn vắc xin ngừa Covid-19 có tên gọi Sputnik V. Vắc xin này đang nhận được sự quan tâm lớn của quốc tế khi Nga cho biết có khoảng 40 quốc gia mong muốn đặt mua vắc xin này. Sau khi phê chuẩn, Nga mới bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 với Sputnik V, dự kiến có khoảng 40.000 tình nguyện viên tham gia.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng cấp phép sử dụng khẩn cấp 3 loại vắc xin Covid-19. Giới chức y tế nước này đã tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như nhân viên y tế, nhà ngoại giao.