Chi tiết làm dấy lên giả thuyết cơ trưởng đứng sau vụ MH370 mất tích
(Dân trí) - Một bộ phim tài liệu về máy bay MH370 của Malaysia Airlines mới được trình chiếu làm gia tăng những nghi ngờ về giả thuyết cơ trưởng chuyến bay đứng sau vụ mất tích bí ẩn của phi cơ này.
Ngày 23/2, hãng tin Sky News Australia đã trình chiếu một bộ phim tài liệu "MH370: Cuộc tìm kiếm cuối cùng", đã nêu ra một số chi tiết lạ làm dấy lên giả thuyết cơ trưởng của chiếc máy bay có thể là người đứng sau vụ mất tích của MH370.
Trong bộ phim tài liệu mới được trình chiếu, chuyên gia, cựu phi công thương mại Mike Glynn nêu ra chi tiết chiếc MH370 có thể đã được đặt trong chế độ "giữ trên không" trong 22 phút trước khi nó biến mất. Chế độ này chỉ việc máy bay chỉ di chuyển trong một vùng không phận cố định trong một khoảng thời gian và không rời đi.
Ông Glynn cho rằng, chi tiết này có thể là yếu tố "mấu chốt có thể tiết lộ số phận của MH370".
"Không có lý do gì để làm như vậy. Giả thuyết của tôi là cơ trưởng là người đứng sau vụ việc", ông Glynn nói. Ông đặt ra nghi vấn rằng thời gian 22 phút máy bay trong chế độ "giữ trên không" có thể là thời gian thương lượng giữa cơ trưởng chuyến bay Zaharie Ahmad Shah và một ai khác.
Nghi vấn cơ trưởng Shah có thể cố tình làm máy bay mất tích là một trong những giả thuyết mà chính quyền các nước đưa ra trong thời gian qua, nhưng chưa có bằng chứng cụ thể và thuyết phục. Các nhà điều tra của Pháp năm 2019 cho biết, ông Shah dường như là người điều khiển máy bay "tới phút cuối cùng".
Trả lời phỏng vấn Sky News năm 2020, cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott tiết lộ rằng, chính quyền Malaysia từng nghi ngờ vụ mất tích của MH370 là một vụ "giết người, tự sát" do phi công thực hiện.
Ngoài ra, bộ phim tài liệu cũng đề cập tới một giả thuyết về động cơ của ông Shah là ông bị căng thẳng do cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah là một trong những phi công kỳ cựu nhất của Malaysia Airlines. Trong bộ phim tài liệu của Sky News, giám đốc khủng hoảng của Malaysia Airlines Fuad Sharuji cũng lên tiếng về nghi vấn vụ việc là âm mưu "giết người, tự sát".
"Tôi không nghĩ ông ấy là người có thể làm vậy. Ông ấy đã làm cơ trưởng trên chiếc 777 từ năm 1998 và là một cơ trưởng cấp cao", ông Sharuji bình luận về ông Shah.
Chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines mang số hiệu MH370 đã mất tích sau khi xuất phát từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur, dự kiến tới Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 8/3/2014. Vụ biến mất của chiếc máy bay chở 239 người đã trở thành một trong những vụ mất tích bí ẩn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới. Hàng loạt giả thuyết đã được đưa ra xung quanh vụ việc, cũng như rất nhiều cuộc tìm kiếm đã được tiến hành nhưng đều chưa đạt được kết quả.
Theo Sky News, ai đó bên trong buồng lái chiếc máy bay đã liên hệ với trạm kiểm soát không lưu của Malaysia vào khoảng 1h20 sáng hôm nó mất tích và để lại thông điệp: "Được rồi, hãy ngủ ngon".
Thông tin về việc MH370 trong chế độ "giữ trên không" 22 phút được phát hiện ra bởi một kỹ sư hàng không vũ trụ người Anh Richard Godfrey dựa vào một công nghệ mới.
Gần đây nhất, phía Australia thông báo họ đang bắt đầu rà soát lại dữ liệu về các cuộc điều tra tung tích MH370 trước đó sau khi ông Godfrey công bố báo cáo, đặt ra giả thuyết về vị trí chính xác mà MH370 có thể đã rơi xuống.