Châu Âu đối mặt nguy cơ thiếu hụt khí đốt trong năm 2023
(Dân trí) - Năm 2022 khép lại nhưng nỗi lo về khủng hoảng năng lượng đè nặng lên các quốc gia châu Âu khi nguy cơ về việc thiếu khí đốt trong năm 2023 là khó tránh khỏi.
Tháng 12/2022, các Bộ trưởng Năng lượng của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận chung về việc áp giá trần với khí đốt. Đây được coi là một bước tiến đặc biệt quan trọng trong thời điểm vô cùng khó khăn của EU nhằm giảm nguy cơ giá khí đốt tăng đột biến, cũng như các hành động thao túng giá và đầu cơ, và đặc biệt là viễn cảnh thiếu hụt khí đốt vào năm 2023 là rất lớn.
Đại đa số các quốc gia thành viên EU đã đồng ý với đề xuất của Cộng hòa Séc - quốc gia Chủ tịch luân phiên EU về việc áp dụng các thông số giảm giá khí đốt khẩn cấp trong trường hợp giá tăng đáng kể. Tuy nhiên, Hungary đã bỏ phiếu chống, còn Hà Lan và Áo bỏ phiếu trắng vì lo ngại biện pháp này có thể phá vỡ thị trường năng lượng châu Âu, từ đó làm tổn hại đến an ninh năng lượng của chính châu lục này.
Giá trần sẽ tự động được kích hoạt nếu giá khí đốt trên thị trường vượt quá 180 euro/MWh giờ trong ba ngày liên tiếp và chênh lệch của nó so với giá khí tự nhiên hóa lỏng trung bình trên thế giới ít nhất phải là 35 euro. Mức giá trần sau đó sẽ được áp dụng cho các giao dịch trong ít nhất 20 ngày làm việc tiếp theo. Để mức giá trần này bị vô hiệu hóa, phải có ba ngày liên tiếp giao dịch dưới mức trần 180 euro. Tuy nhiên, mức giá trần này có thể bị đình chỉ nếu "rủi ro lớn hơn lợi ích".
Giá trần khí đốt của EU dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/2 tới và kéo dài trong một năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo giá khí đốt có thể sẽ tăng trở lại lên mức hơn 200 Euro/MWh sau mùa đông khi các quốc gia thành viên EU chạy đua lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt vào mùa xuân sang năm, nhất là khi nguy cơ thiết hụt nguồn cung khí đốt là rất lớn.
Trước đó, ngày 12/12/2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo, EU có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt trong năm 2023. Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành IEA nói rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ vẫn tiếp diễn, thậm chí sẽ khó khăn hơn nhiều trong năm mới, do đó hối thúc các chính phủ châu Âu hành động nhanh hơn để thúc đẩy các dự án phát triển năng lượng tái tạo và triển khai các bước khả thi nhằm tránh thiếu hụt khí đốt tự nhiên phục vụ nhu cầu sưởi ấm, điện sinh hoạt, kinh doanh và hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp…. trong năm nay.
Kịch bản khó khăn cho năm 2023
Sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan cuộc xung đột với Ukraine, phần lớn các quốc gia EU vẫn có thể lấp đầy kho khí đốt để phục vụ nhu cầu sưởi ấm của người dân trong mùa đông này thông qua các nguồn cung mới, tiết kiệm năng lượng và một phần còn nhờ thời tiết dễ chịu.
Tuy nhiên, giá năng lượng tăng cao lên mức kỷ lục trong nhiều năm, có thời điểm giá dầu lên tới gần 140 USD/thùng, gần bằng mức kỷ lục mọi thời đại (147,5 USD/thùng vào tháng 7/2008) khiến chi phí năng lượng của các hộ gia đình tăng vọt, buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm hoặc tạm ngừng hoạt động để giảm chi phí. Do đó, tình hình năng lượng trong năm 2023 mới thực sự là thử thách khi những yếu tố trên có thể biến mất.
Tổng mức tiêu thụ khí đốt của EU là 412 tỷ m3 vào năm 2021. IEA dự báo, năm 2023, các quốc gia EU sẽ phải đối mặt với khả năng thiếu hụt khí đốt tự nhiên lên tới 30 tỷ m3 do khả năng mất phần còn lại của nguồn cung cấp khí đốt từ phía Nga, thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) eo hẹp và nhu cầu năng lượng của Trung Quốc tăng trở lại. Hơn nữa, thời tiết luôn bất thường và không ai có thể đảm bảo mùa đông sang năm thời tiết châu Âu có ôn hòa như năm nay hay không.
Ông Birol cho rằng, đó là thách thức nghiêm trọng đối với châu Âu, đồng thời còn đưa ra kịch bản là mức thiếu hụt khí đốt thậm chí có thể lên tới 60 tỷ m3 nếu EU không có các biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Cần phải hành động ngay
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen cho biết, mặc dù EU có thể "chịu đựng được sự đe dọa" từ Nga và thực hiện các hành động để hạ giá và tăng nguồn cung, tuy nhiên để đảm bảo cung cấp đủ khí đốt thì EU "cần nhiều hơn nữa". Bà Von der Leyen kêu gọi, khối nên biến việc mua chung thành hiện thực bởi "mỗi ngày chậm trễ đều phải trả giá đắt".
Mặc dù các quốc gia EU vẫn còn mâu thuẫn về cách giải quyết vấn đề giá năng lượng tăng cao, tuy nhiên việc các đạt được thỏa thuận về mức giá trần đối với khí đốt vừa qua sau nhiều tuần nỗ lực đàm phán và bất động được coi là một bước tiến đáng kể của EU.
Các chuyên gia cho rằng, việc quan trọng giờ đây là các quốc gia châu Âu cần phải tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo, đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng từ cả cấp quốc gia và trên toàn khối. Bà Von der Leyen cho biết, EC sẽ đề xuất thúc đẩy khuôn khổ chung của EU trong việc đầu tư vào công nghệ sạch; đồng thời đề xuất thành lập "quỹ đoàn kết" của EU để huy động tiền cho các khoản đầu tư về năng lượng nhằm giúp các gia đình và doanh nghiệp EU tiếp cận được nguồn năng lượng hợp túi tiền, an toàn và sạch.
Trong khi đó, IEA cho rằng, EU có thể ngăn chặn được đáng kể việc thiết hụt khí đốt trong năm 2023 bằng cách mở rộng các khoản trợ cấp và tiến hành cải tạo các tòa nhà tiêu thụ khí đốt quá nhiều, thay thế hệ thống sưởi sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng máy bơm nhiệt và phát triển các dự án năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
Về cơ bản, châu Âu đã tích trữ đủ khí đốt cho mùa đông năm nay nhưng nguy cơ thiết hụt khí đốt trong năm 2023 là hiển hiện rất rõ. Việc các quốc gia thành viên EU vừa đạt được thỏa thuận áp giá trần với khí đốt được coi là thành công lớn sau nhiều tuần đàm phán khó khăn về biện pháp khẩn cấp vốn gây chia rẽ trong toàn khối này. Cùng với việc nỗ lực "cai" khí đốt của Nga thông qua đa dạng hóa nguồn cung, áp dụng các chính sách phát triển năng lượng tái tạo và hành động tập thể, liệu châu Âu có vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng hay không sẽ cần phải có nhiều thời gian để kiểm chứng. Năm 2023 sẽ thực sự là một bài sát hạch về khả năng chịu đựng và hiệu quả chính sách từ các chính phủ cũng như hành động tập thể của EU trong việc giải quyết bài toán "khủng hoảng" năng lượng.