1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu có cho Ukraine ăn "bánh vẽ"?

(Dân trí) - Dù chứng kiến đồng minh bị lật đổ nhưng Nga vẫn phản ứng rất bình tĩnh. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu lại hành động sốt sắng như thể nếu không có họ, Ukraine sẽ sớm “ra tro”. Nhưng liệu nhận viện trợ của tư bản có dễ hay đây chỉ là “bánh vẽ”?

Mọi người thắp nến để tưởng niệm những người thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.

Cựu Thủ tướng Tymoshenko gặp đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt và đại sứ EU Jan Tombinski.
 
Cách đây 3 tháng, vào tháng 11/2013, kinh tế Ukraine mấp mé bờ vực phá sản khi nợ công tương đương 180% GDP, còn dự trữ ngoại tệ chỉ đủ cầm cự trong 2 tháng rưỡi nhập khẩu.

Để cứu nguy nền kinh tế, chính quyền Ukraine lúc bấy giờ của Tổng thống Viktor Yanukovych quyết định cầu viện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và sau đó là Liên minh châu Âu (EU) nhưng đều chỉ nhận được những cái lắc đầu. IMF từ chối thẳng thừng với lý do trước đó nước này đã không tuân thủ đúng các điều khoản trong gói cứu trợ từ năm 2008, còn EU thì tỏ ra “tử tế” hơn khi đồng ý nhỏ giọt 2 tỷ USD kèm theo một mớ điều kiện khắc nghiệt.

Vậy là, đứng trước lựa chọn giữa sự tồn vong của kinh tế đất nước và xu hướng liên kết chặt chẽ với châu Âu cũng đang gặp khó về tài chính, ban lãnh đạo của Ukraine gồm cả Tổng thống Yanukovych và Thủ tướng Mykola Azarov đã quyết định cầu cứu Nga, quốc gia láng giềng lớn ở phía Đông có đủ khả năng cứu nguy kinh tế Ukraine thoát khỏi cú “nock-out” ở phút 89.

Và đúng như kỳ vọng của Kiev, chính quyền của Tổng thống Yanukovych đã không phải chờ đợi lâu để nhận được cái gật đầu của Mátxcơva. Tổng thống Putin tuyên bố sẵn sàng cấp cho Ukraine 15 tỷ USD cùng với việc giảm 1/3 giá bán khí đốt cho Kiev trong vòng 3 tháng, tất nhiên có kèm theo điều kiện Kiev phải từ bỏ ý định liên kết chặt chẽ hơn với châu Âu và tham gia Liên minh hải quan cùng với Nga, Belarus và Kazakhstan.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng lúc đó IMF, mà thực chất là Mỹ, và châu Âu không có tiền để cứu Ukraine? Câu trả lời có thể khẳng định ngay là “không”, xét từ những cam kết khá “hào phóng” gần đây của các nhà lãnh đạo Nghị viện châu Âu (EP) lẫn Giám đốc điều hành IMF.

Cụ thể là ngay sau khi Tổng thống Yanukovych bị lật đổ trong cuộc chính biến với những diễn biến hết sức chóng vánh ở Kiev trung tuần tháng 2, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của EP Elmar Brock tuyên bố châu Âu sẵn sàng cấp cho Kiev 20 tỷ USD để tiến hành cải cách nhằm tránh sự sụp đổ. Giám đốc IMF Christine Lagarde cũng khẳng định thể chế tài chính này sẵn sàng ra tay nếu được yêu cầu.

Những tuyên bố không hề nao núng này cho thấy thực chất cả IMF và EU đều không thiếu tiền để giúp Ukraine nếu họ thực sự muốn làm điều đó, cho dù những khó khăn do khủng hoảng nợ công và chậm phục hồi kinh tế chưa phải đã hết. Lý do chính lý giải cho cái lắc đầu của cả hai cách đây 3 tháng chỉ có thể được hiểu là Mỹ và phương Tây không muốn rót tiền cho một con nợ thuộc diện khó đòi nếu như chưa thực sự cần thiết phải làm như vậy.

Nhưng cam kết là một chuyện, hành động thực tế lại là việc khác.

Để lôi kéo những “kẻ đang say sưa trong chiến thắng” ở Ukraine sau khi lật đổ được Tổng thống thân Nga Yanukovych, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đang tỏ ra hết sức hào phóng trong cam kết ngõ hầu sẽ nhân sự kiện này thúc đẩy xây dựng tại Ukraine một chính thể thân phương Tây. Có lẽ cũng chả mất gì lời nói, nhất là khi EP đã cấp tốc cử ngay một phái đoàn đặc biệt đến Kiev với nhiệm vụ đánh giá tình hình cụ thể để đưa ra giải pháp cứu nguy chính thức. Đại diện cấp cao phụ trách vấn đề đối ngoại và an ninh của EU, bà Catherine Ashton, cũng tới Kiev với mục đích tương tự.

Tuy nhiên, tình hình thực tế không đơn giản như phương Tây trù liệu. Sau nhiều năm suy thoái kinh tế nghiêm trọng, Ukraine đang rất cần tiền. Quốc gia với 46 triệu dân cần gấp số tiền lớn trong vài tuần tới, chứ không phải vài tháng như phương Tây tính toán. Theo Bộ trưởng Tài chính tạm quyền của Ukraine, nước này cần nhận được 35 tỷ USD để phục hồi trong năm nay và năm tới, trong đó cấp thiết nhất là các khoản nợ đến hạn thanh toán vào tháng 6.

Cứ cho rằng IMF, Mỹ hay châu Âu có thể cho Ukraine vay nóng một khoản nhỏ nhỏ trước mắt để giúp nước này cầm cự cho tới khi thành lập xong chính phủ mới. Vậy số tiền đó sẽ là bao nhiêu? Cho tới nay, chưa một nhà lãnh đạo phương Tây nào dám đưa ra con số cho vay vô điều kiện, mà thường chỉ nói chung chung kèm theo một lô các ràng buộc khắc nghiệt. Nào là Ukraine phải để cho đồng nội tệ rớt giá, chừng khoảng 30%. Nào là, phải nâng giá khí đốt lên gấp đôi so với hiện nay. Và nào là, chính phủ phải tiến hành những cải cách nghiêm ngặt theo tiêu chí của chủ nợ, v.v. và v.v.

Nhưng dường như cả Kiev và phương Tây đều quên mất một điều rằng, tháo gỡ khủng hoảng ở Ukraine không thể không kể đến nước Nga.

Chỉ cần Nga quyết định xem xét lại cam kết hỗ trợ 15 tỷ USD, hay nâng giá bán khí đốt cho Ukraine theo mức giá thị trường sau tháng hai này cũng đủ khiến Kiev lo “sốt vó”. Mátxcơva hoàn toàn có thể “ra đòn” mạnh hơn bằng cách “cấm cửa” hàng hóa của Ukraine và khóa van cung cấp khí đốt cho tới khi nhận được đủ các khoản tiền nợ từ các đợt mua trước.

Đó là chưa kể, Mátxcơva hoàn toàn có thể đưa quân sang các vùng biên giới phía Nam của Ukraine, nơi có phần đông người dân gốc Nga hoặc thân Nga sinh sống và cũng là nơi tập trung nhiều lợi ích địa chiến lược của Điện Kremlin.

Nếu những tình huống này xảy ra, cả Ukraine và phương Tây chỉ có thể “ngồi khóc”, bởi những ảnh hưởng và tác động của Nga lên Ukraine lớn hơn nhiều so với những gì phương Tây có thể thực sự làm được.

Chính vì thế nên trong phát biểu khi tới Kiev hôm 25/2, bà Ashton nói rằng khoản cam kết hỗ trợ 15 tỷ USD của Nga có ý nghĩa rất quan trọng. Dù không muốn đề cao Nga, song rõ ràng bà Ashton hiểu được cái khó của Ukraine và phương Tây một khi bị Nga trả đũa.

Hay nói cách khác, với những khó khăn và tiềm lực thực tế hiện nay, phương Tây sẽ chẳng thể làm gì được nhiều cho một đất nước đang có tương lai bất định vì sự chia rẽ và kiệt quệ. Những cam kết và hứa hẹn mà các thể chế phương Tây đưa ra vào thời điểm này xem ra cũng chỉ là cái “bánh vẽ” để lôi kéo sự chú ý của những kẻ đang say sưa chiến thắng sau khi lật đổ được chế độ thân Nga. 

Đức Vũ