Chính trường Ukraine đi về đâu?
Lẽ ra cuộc xung đột đẫm máu kéo dài gần 3 tháng qua tại thủ đô Kiev của Ukraine đã tạm ngừng sau khi các bên liên quan, với sự chứng kiến của ba đại diện Liên minh châu Âu cùng đại diện nhân quyền của Nga ký thỏa thuận hòa bình vào ngày 21/2 vừa qua.
Nhưng khi các chữ ký chưa ráo mực thì phe đối lập Ukraine đã đơn phương thực thi các biện pháp đi ngược lại thỏa thuận này, đẩy chính trường Ukraine tới một tương lai mờ mịt.
Thỏa thuận bị phá vỡ
Thỏa thuận trên gồm ba phần, ngoài nội dung thứ nhất là ngừng cuộc xung đột đẫm máu do phe đối lập khởi xướng và chỉ đạo thực hiện, làm hàng trăm người thương vong, còn hai nội dung quan trọng khác bao gồm: Các bên liên quan tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán nhằm thảo luận khả năng thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc; và chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn. Lợi dụng cơ hội Chủ tịch Quốc hội Rybak xin từ chức và Tổng thống Viktor Yanukovych không có mặt ở Kiev, phe đối lập Ukraine ngay lập tức triệu tập Quốc hội họp và thông qua các quyết định về bầu đại diện của họ là ông Turchinov lên lãnh đạo cơ quan lập pháp này.
Chính trường bất ổn khiến cuộc sống người dân Ukraina thêm khó khăn.Họ đồng thời bổ nhiệm luôn ông này làm tổng thống tạm quyền sau khi tuyên bố Tổng thống Yanukovych không hoàn thành sứ mệnh nên bị phế truất. Tiếp đó, lãnh đạo nhiều bộ-ngành quan trọng gồm ngoại giao, an ninh, nội vụ, kinh tế và tài chính cũng bị thay thế. Quốc hội Ukraine cũng đã thông qua quyết định tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn vào 25/5 tới và dự định tổ chức tổng tuyển cử vào mùa Thu này. Trên thực tế, chính quyền trung ương tại Ukraine hiện do phe đối lập gồm ba chính đảng chủ chốt là Batkivshina (Tổ Quốc), UDAR (Liên minh dân chủ vì cải cách) và Tự Do, kiểm soát.
Liệu những biện pháp cấp bách trên đây của phe đối lập Ukraine có phù hợp với hiến pháp của nước này? Theo hiến pháp hiện hành trước cuộc xung đột, Ukraine là nước theo chế độ cộng hòa tổng thống, còn theo Hiến pháp 2004 vừa được khôi phục, Ukraine là nước cộng hòa nghị viện-tổng thống. Cả hai bản hiến pháp này đều quy định tổng thống không có quyền giải tán quốc hội. Ngược lại, cơ quan lập pháp cũng không có quyền phế truất tổng thống, nhưng có thể ấn định bầu cử tổng thống trước thời hạn nếu xét thấy nguyên thủ quốc gia không hoàn thành trách nhiệm. Hiến pháp 2004 cũng trao nhiều quyền hơn cho quốc hội trong việc bổ nhiệm thủ tướng và lãnh đạo các bộ-ngành, mặc dù các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cần phải được tổng thống giới thiệu để cơ quan lập pháp thông qua và bổ nhiệm sau khi quốc hội chấp thuận.
Không ngẫu nhiên Moskva đã lên tiếng phản đối phe đối lập Ukraine vi phạm thỏa thuận 21/2, đồng thời tỏ ý nghi ngờ về tính hợp pháp của chính quyền mới cùng các biện pháp mới được thông qua. Thậm chí, ông Yanukovych và nhiều nhà lãnh đạo các tỉnh-thành phía đông-nam Ukraine coi các biện pháp này của phe đối lập là hành động “đảo chính” nhằm thâu tóm chính quyền.
Tương lai bất định
Liệu chính quyền mới tại Ukraine sắp tới có bảo đảm được một tương lai hòa bình, ổn định và phát triển cho nước này hay không? Dư luận địa phương và nhiều nước đánh giá chính trường nước này sẽ còn nhiều biến động và bất ổn. Lý do quan trọng hàng đầu là phe đối lập Ukraine vốn có truyền thống sau khi lên nắm quyền thường lún sâu vào các cuộc đấu đá nội bộ và tranh giành lợi ích. Bài học “Cách mạng Cam” năm 2004 thất bại thảm hại với hai thủ lĩnh đối lập Viktor Yushchenko và Yulia Timoshenko cho đến nay vẫn còn nhức nhối. Với nòng cốt gồm Batkivshina, UDAR và Tự Do lần này, phe đối lập cũng không hứa hẹn sẽ có thể đoàn kết với nhau nhằm điều hành đất nước.
Batkivshina do bà Timoshenko làm thủ lĩnh và phụ tá hàng đầu là cựu Chủ tịch Quốc hội Yaseniuk, từng bị cáo buộc tham nhũng, lợi dụng chức quyền và bị chỉ trích về khả năng quản lý yếu kém. UDAR mới thành lập năm 2010 và thủ lĩnh của chính đảng này là ông Klichko ít có kinh nghiệm hoạt động chính trường, chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong dân chúng Ukraine và chỉ nổi danh trên võ đài Quyền Anh quốc tế. Ông Tyagnibok từng bị chỉ trích nhiều, khi lãnh đạo Đảng Dân tộc cực đoan Ukraine và “lý lịch không mấy nổi danh” đã buộc chính đảng này đổi tên thành Đảng Tự Do.
Một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng là chính quyền mới ở Ukraine sẽ phải giải quyết muôn vàn khó khăn liên quan đến nền kinh tế yếu kém, nợ nần chồng chất, tỷ lệ thất nghiệp cao và lạm phát lên đến hai chữ số. Năm 2014, Ukraine sẽ phải trả món nợ lãi suất cho IMF gần 4 tỷ USD và phải trả khoản nợ đáo hạn nước ngoài lên tới 5,5 tỷ USD, chưa kể 3,3 tỷ USD nợ mua khí đốt của Nga. Nếu Ukraine liên kết với EU và ký với liên minh này Hiệp định thương mại tự do (FTA), đa số xí nghiệp công nghiệp nước này sẽ rơi vào cảnh sản xuất đình đốn vì công nghệ lạc hậu và sản phẩm làm ra không đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu cũng như không có sức cạnh tranh cân xứng, chưa kể giá mua khí đốt và năng lượng của Nga sẽ cao hơn mức ưu đãi hiện nay.
Nông sản và các mặt hàng xuất khẩu khác của Ukraine lâu nay chỉ xuất chủ yếu sang Nga và các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Nếu Nga và các nước Liên Xô cũ giảm nhập khẩu thì Ukraine sẽ thất thu khoản kim ngạch vốn dao động ở mức 55-60 tỷ USD/năm. Trong khi đó, hàng chất lượng cao và giá rẻ hơn của EU sẽ tràn vào thị trường Ukraine. Giới phân tích nhận định bức tranh kinh tế-tài chính và xã hội ảm đảm đang chờ đón chính quyền mới trên con đường Ukraine quay lại liên kết với EU.
Nguyên nhân chính thứ ba là do lịch sử để lại. Đất nước Ukraine hiện chia thành 4 miền và 3 phái với thiên hướng chính trị khác nhau với lợi ích không thể dung hòa. Trong tổng số 45 triệu dân Ukraine, hiện có gần 24 triệu người sống tại 11 tỉnh-thành phía đông-nam và tỉnh Zakarpaty (cực tây giáp Slovakia và Hunggari) ủng hộ chủ trương quan hệ mọi mặt chặt chẽ với Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ. Trong khi đó, khoảng 21 triệu người dân còn lại sống tại khu vực 7 tỉnh-thành miền trung muốn phát triển quan hệ cân bằng đông-tây và 8 tỉnh-thành phía tây thiên về liên kết với châu Âu. Lịch sử 23 năm độc lập của Ukraine đã nhiều lần chứng kiến sự xung đột quan điểm và lợi ích của 3 vùng miền này. Hiện đa số dân chúng thuộc 12 tỉnh-thành phía đông, nam và cực tây đang phản đối phe đối lập lên nắm quyền tại Ukraine và họ tuyên bố sẽ thành lập khu tự trị riêng.
Tuy nhiên, dư luận Ukraine và quốc tế đều mong muốn quốc gia Đông Âu này sẽ có nhà lãnh đạo và chính quyền mới đủ khả năng đoàn kết dân tộc, phát triển đất nước đi lên theo con đường độc lập, đáp ứng lợi ích của đại đa số dân chúng trên cơ sở bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ như Kiev đã tuyên bố cách đây 23 năm.
Theo Đình Lanh
Baotintuc.vn