1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Chảo lửa" Trung Đông khi nào mới dịu?

Nguyên Long

(Dân trí) - Mỹ đã tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Iran có thể tấn công trả đũa Israel trong những ngày tới sau khi thủ lĩnh Hamas bị sát hại ngay tại Tehran.

Chảo lửa Trung Đông khi nào mới dịu? - 1

(Từ trái sang phải) Ảnh thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, tướng Iran Qassem Soleimani và thủ lĩnh Hezbollah Fuad Shukr - những người đều bị sát hại - được treo tại thủ đô Beirut, Li Băng (Ảnh: Reuters).

"Chảo lửa" Trung Đông sục sôi

Tình hình khu vực Trung Đông đang "căng như dây đàn" sau khi Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, một trong những lãnh đạo cấp cao nhất của Phong trào Hồi giáo Hamas, bị ám sát trong một vụ tấn công vào nơi ở tại Tehran ngày 31/7 khi ông tới đây để tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian và gặp Đại giáo chủ Ali Khamenei - Lãnh tụ tối cao Iran. Vụ ám sát chỉ diễn ra vài giờ sau khi một chỉ huy hàng đầu của Lực lượng Hezbollah tại Lebanon thiệt mạng trong cuộc tấn công đáp trả của Israel vào thủ đô Beirut.

Ngay sau khi Thủ lĩnh Ismail Haniyeh bị ám sát, Phong trào Hồi giáo Hamas tuyên bố sẽ trả thù cho thủ lĩnh của mình. Về phía Iran, Giáo chủ Ali Khamenei thề trừng phạt Israel, khẳng định Iran có nghĩa vụ và trách nhiệm phải "báo thù cho tội ác" mà Israel gây ra trong lãnh thổ Iran. Tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tuyên bố, Tehran sẽ khiến "những kẻ chiếm đóng khủng bố" phải hối hận vì hành vi xâm phạm lãnh thổ Iran.

Ba quan chức Iran giấu tên, trong đó có 2 thành viên Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) cho biết, mệnh lệnh "tấn công trực tiếp vào Israel" được lãnh tụ tối cao Khamenei đưa ra trong cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao ngày 31/7.

Ngày 3/8, IRGC công bố thông tin chính thức đầu tiên về kết quả điều tra liên quan đến vụ ám sát Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh. Theo đó, ông Ismail Haniyeh bị ám sát bằng một "đầu đạn tầm ngắn" chứa khoảng 7kg thuốc nổ. IRGC cũng cáo buộc Israel đã thực hiện vụ tấn công với "sự hỗ trợ của Mỹ. Iran cho biết đã bắt giữ hơn 20 người bao gồm quan chức tình báo cấp cao, quan chức quân sự, chịu trách nhiệm về lỗ hổng an ninh trong vụ ám sát.

Trong khi đó, về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo người dân Israel cần chuẩn bị cho "những ngày đầy thách thức" sắp tới.

Trong bối cảnh tình hình tại Trung Đông "sục sôi" và có thể xấu đi nhanh chóng bất kỳ lúc nào, nhiều nước đã khuyến cáo công dân rời khỏi các khu vực nguy cơ cao để đảm bảo an toàn. Trong ngày 1 và 2/8, Pháp và nhiều quốc gia châu Âu như Đức, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Ireland đã ra khuyến cáo công dân không đến Trung Đông và rời khỏi khu vực nếu có thể. Thụy Sĩ kêu gọi công dân rời khỏi Li Băng ngay khi có thể. Đại sứ quán Thụy Sĩ tại thủ đô Beyrouth của Li Băng cho biết chỉ có thể cung cấp dịch vụ hạn chế và sẽ không thể đảm bảo các hoạt động hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp cho công dân Thụy Sĩ quyết định tiếp tục ở lại hay vẫn đến Lebanon bấp chấp khuyến cáo.

Tối ngày 3/8, Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển (FCDO) cho biết các tuyến đường thoát hiểm đã bị hạn chế hoặc đóng cửa, do đó, thúc giục công dân Anh sử dụng bất kỳ lựa chọn thương mại nào để di chuyển. Đại sứ quán Mỹ tại Beirut đã kêu gọi công dân Mỹ "mua bất kỳ vé nào có sẵn" để rời khỏi Li Băng với lưu ý rằng một số chuyến bay đã bị hủy và việc sơ tán qua kênh quốc phòng rất hạn chế.

Trong khi đó, nhiều hãng hàng không như United và Delta của Mỹ và Lufthansa của Đức đã chuyển hướng khỏi không phận Trung Đông, đồng thời hủy một số chuyến bay trong bối cảnh leo thang căng thẳng trong khu vực.

Trước tình hình "nóng" lên từng giờ ở khu vực Trung Đông, ngày 2/8, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông để giúp bảo vệ Israel khỏi các cuộc tấn công có thể xảy ra của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này cũng như bảo vệ quân đội Mỹ tại khu vực.

Mỹ tăng cường hiện diện quân sự

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/8 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về các đợt triển khai quân sự mới của Mỹ tới Trung Đông; đồng thời "tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh của Israel trước mọi mối đe dọa từ Iran, bao gồm các nhóm khủng bố ủy nhiệm Hamas, Hezbollah và Houthis".

Ngày 2/8, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ điều động một phi đội máy bay phản lực chiến đấu đến Trung Đông và duy trì một tàu sân bay trong khu vực. Cùng ngày, Bộ trưởng Austin đã điện đàm với người đồng cấp Israel Yoav Gallant và tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel. Ông Austin nhấn mạnh, việc leo thang hơn nữa là không thể tránh khỏi và tất cả các quốc gia trong khu vực sẽ được hưởng lợi từ việc giảm leo thang căng thẳng, bao gồm cả việc hoàn thành lệnh ngừng bắn ở Gaza và thỏa thuận thả con tin. Tuy nhiên, ông Austin cũng nhấn mạnh, quy mô chưa từng có của sự hỗ trợ từ Mỹ dành cho Israel kể từ ngày 07/10/2023 sẽ cho Iran, Hezbollah và các lực lượng ủy nhiệm của Iran trong khu vực không còn nghi ngờ gì nữa về quyết tâm của Mỹ.

Thông tin chi tiết về phi đội máy bay chiến đấu cũng như tàu chiến sắp được triển khai tới Trung Đông không được công khai. Hiện tàu chiến của Mỹ đang hiện diện liên tục ở khu vực Trung Đông và phía Đông biển Địa Trung Hải bao gồm 2 tàu khu trục USS Roosevelt và USS Bulkeley của lực lượng Hải quân và các tàu khu trục USS Wasp và USS New York thuộc Nhóm sẵn sàng đổ bộ cùng 1 đơn vị viễn chinh của Thủy quân Lục chiến có thể được sử dụng nếu cần sơ tán bất kỳ nhân sự nào của phía Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin còn ra lệnh điều thêm các tàu tuần dương và tàu khu trục có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo đến khu vực châu Âu và Trung Đông; đồng thời thực hiện các bước để gửi thêm vũ khí phòng thủ tên lửa đạn đạo trên bộ đến khu vực này. Tàu sân bay USS Abraham Lincoln cũng được lệnh đến Trung Đông để thay thế tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (hiện đang ở Vịnh Oman) trong thời gian tới. Quyết định này cho thấy, Lầu Năm Góc đã quyết định duy trì sự hiện diện liên tục của 1 tàu sân bay trong khu vực như một biện pháp răn đe chống lại Iran ít nhất là đến năm 2025.

Ngoài ra, một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc cho biết, 2 tàu khu trục của Hải quân Mỹ đang ở Trung Đông sẽ hải hành qua Biển Đỏ hướng tới Biển Địa Trung Hải, do đó, ít nhất 1 tàu khu trục này có thể nán lại Địa Trung Hải nếu cần.

Kịch bản nào trong thời gian tới?

Mặc dù liên minh châu Âu, Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế đã ngay lập tức lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế để tránh làm leo thang căng thẳng, đồng thời thể hiện thái độ phản đối các hành động nằm ngoài khuôn khổ luật pháp và cánh báo về hậu quả nghiêm trọng với tất cả các bên nếu căng thẳng leo thang hơn nữa, tuy nhiên, tình hình an ninh khu vực Trung Đông đang vô cùng nóng khi cận kề "miệng hố chiến tranh". Căng thẳng leo thang có thể đẩy Iran và Israel vào xung đột trực tiếp nếu Tehran quyết định hành động quân sự để trả đũa và nguy cơ về một cuộc xung đột lan rộng khắp khu vực là rất lớn, từ đó đẩy mọi nỗ lực giải quyết xung đột, tìm kiếm hòa bình trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.  

Cuộc tấn công ám sát Thủ lĩnh Hamas đang đặt gánh nặng phải trả đũa lên Iran và Hezbollah. Tuy nhiên, các chuyên gia có chung đánh giá rằng, trên thực tế Iran không có quá nhiều lựa chọn để hành động. Cách Iran phản ứng đối với vụ ám sát vừa qua sẽ có tác động lớn tới ảnh hưởng của họ với tư cách cường quốc khu vực. Một cuộc tấn công quy mô nhỏ, bất đối xứng trong vài tuần tới có thể không đủ để vãn hồi uy tín cho Tehran, nhưng hành động quyết liệt hơn lại tiềm ẩn nguy cơ đẩy mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong khi đó, bản thân Hezbollah cũng không muốn xung đột lan rộng hơn nữa.

Đại tá thủy quân lục chiến Mỹ Stephen Ganyard, cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đánh giá, Iran vẫn phải trả đũa Israel theo một cách nào đó, nhưng ít nhất vẫn còn hy vọng rằng Tehran không chọn giải pháp phát động chiến tranh. Đồng quan điểm, nhà phân tích cấp cao về Palestine Tahani Mustafa tại International Crisis Group nói rằng: "Không ai muốn chiến tranh và Iran cũng vậy. Họ đã thể hiện điều đó rất rõ ràng trong 9 tháng qua". Tuy nhiên, ông Mustafa cũng cho biết, Iran sẽ buộc phải đáp trả ở một mức độ nào đó nhằm "vạch ra lằn ranh đỏ" để ngăn Israel được đà lấn tới.

Một số chuyên gia nhận định, thông điệp về "nghĩa vụ báo thù" của Iran không đồng nghĩa với một cuộc chiến tranh toàn diện và phản ứng của Iran có thể tương tự cách mà họ triển khai với Israel hồi tháng 4, khi phóng 300 UAV và tên lửa về phía các mục tiêu ở Israel để trả đũa cuộc không kích của Tel Aviv tại Damascus, Syria.

Chuyên gia Ganyard đánh giá, mối đe dọa lớn hơn với Israel là lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Hiện Hezbollah sở hữu khoảng từ 150.000 đến 200.000 tên lửa đất đối đất cùng nhiều vũ khí chính xác, đồng nghĩa với việc toàn bộ cơ sở hạ tầng của Israel đang đối diện với nguy cơ bị tập kích.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng, Iran sẽ nỗ lực lấy lại thể diện bằng cách huy động các lực lượng trong nước và những nhóm mà họ hậu thuẫn ở Trung Đông, như Houthi ở Yemen hay lực lượng Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq để phô trương sức mạnh.

Trong khi đó, để làm dịu tình hình căng thẳng và ngăn một cuộc chiến lan rộng trong khu vực, các bên liên quan cần hết sức kiềm chế và gấp rút thúc đẩy các cuộc đàm phán nghiêm túc, thực chất. Để thực hiện được điều này, các chuyên gia cho rằng, bản thân Israel phải có một số nhượng bộ nghiêm túc, cùng với đó là vai trò tích cực hơn nữa của Mỹ và phương Tây với các hoạt động ngoại giao "ngầm".

Vấn đề lớn cấp bách đặt ra hiện nay là khi nào Iran, Hezbollah và các lực lượng ủy nhiệm của Iran sẽ phản ứng và phản ứng như thế nào? Israel sẽ làm gì để đối phó và Mỹ xử lý tình hình như thế nào?

Hiện không chỉ Israel, Mỹ, các nước ở khu vực Trung Đông mà cả thế giới đang "nín thở" chờ phản ứng của phía Iran, Hezbollah và các lực lượng ủy nhiệm của Iran trong khu vực. Tình hình bị đẩy xa tới đâu trong thời gian tới đều tùy thuộc vào phản ứng của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ.

Có một điều chắc chắn là các hành động leo thang bạo lực, những đòn tấn công "ăn miếng trả miếng" sẽ không bao giờ có thể giải quyết dứt điểm được cuộc xung đột hiện nay liên quan đến vấn đề Palestine cũng như các bất ổn kéo dài hàng thập kỷ trên vùng đất Trung Đông. Điều quan trọng trước mắt là các bên cần hết sức nỗ lực kiềm chế, nhượng bộ một cách nghiêm túc để thúc đẩy các hoạt động ngoại giao tích cực để cùng nhau ngồi vào bàn đàm phán nhằm sớm đạt được lệnh ngừng bắn, từ đó tìm ra được giải pháp chính trị cho vấn đề Palestine cũng như thúc đẩy giải quyết các vấn đề lớn hơn trong khu vực.