Chặng đường hồi sinh “trái tim” Paris sau thảm kịch hỏa hoạn
(Dân trí) - Khi tro tàn phủ xuống những lớp than hồng bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris, quá trình khôi phục công trình kiến trúc cổ với tuổi đời hơn 850 năm có thể được bắt đầu để hồi sinh “trái tim” của thủ đô nước Pháp.
Việc xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà, nơi được xem là “trái tim” của thủ đô Paris sau vụ hỏa hoạn có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí hơn một thập niên. Tuy vậy, đối với một kiệt tác Gothic từng mất tới 107 năm xây dựng và tồn tại trong nhiều thế kỷ như Nhà thờ Đức Bà Paris, quá trình khôi phục lần này chỉ đơn thuần là dấu mốc mới nhất trong lịch sử nhiều lần trùng tu của công trình có tuổi đời 850 năm.
Những ai đang tìm kiếm hy vọng sau thảm kịch hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà Paris có thể được xoa dịu phần nào khi Tổng thống Emmanuel Macron trấn an rằng người Pháp sẽ “cùng nhau xây dựng lại”, trong khi đó nỗ lực gây quỹ để khắc phục hậu quả đã lên tới 670 triệu USD chỉ trong vòng 24 giờ sau hỏa hoạn.
Những khoản quyên góp hào phóng ban đầu dành cho quá trình phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris không quá khó để đạt được, mặc dù tài chính luôn là phần khó khăn nhất của bất kỳ dự án phục dựng nào. Trong trường hợp mọi sự hỗ trợ cần thiết về tài chính được bảo đảm, việc xây dựng lại nhà thờ có thể sẽ bắt đầu.
An toàn là trên hết
Đối với bất kỳ tòa nhà nào bị tàn phá do hỏa hoạn, an toàn luôn là mối quan tâm hàng đầu. Theo các nhà chức trách Pháp, cấu trúc chính và hai tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà Paris đã “được cứu và bảo tồn”, tuy nhiên nhiều phần của nhà thờ vẫn có nguy cơ bị đổ sập và rơi vỡ.
Theo nhà sử học kiến trúc Jonathan Foyle, trước khi xác định xem khu vực nào có thể hồi phục được, Pháp cần ngay lập tức tiến hành các biện pháp để ngăn chặn nguy cơ Nhà thờ Đức Bà Paris bị hư hại thêm. Ông Foyle cho rằng ít nhất cần dựng một mái che tạm thời cho nhà thờ này.
“Hiện tại tòa nhà này vẫn ướt do nước được phun vào để dập lửa. Do vậy, họ cần bổ sung một số hình thức che chắn để bảo vệ (nhà thờ) trước các yếu tố tác động từ bên ngoài”, ông Foyle chia sẻ với CNN.
Frédéric Létoffé, người đứng đầu Nhóm các Công ty Phục dựng Tượng đài Lịch sử tại Pháp, cho rằng đây không phải là công việc đơn giản.
“Quá trình này đòi hỏi nhiều công việc phải làm, ngoài việc chống đỡ và gia cố. Trước hết cần dựng một giàn giáo có mái che để che phủ toàn bộ phần mái bị mất (do hỏa hoạn), cũng là để bảo vệ nhà thờ trước các yếu tố thời tiết”, ông Létoffé cho biết.
Bảo vệ tòa nhà
Đồ họa cho thấy lửa đã bao trùm một khu vực rộng lớn của Nhà thờ Đức Bà Paris (toàn bộ khu vực màu đỏ). (Đồ họa: BBC)
Theo John Burton, nhà khảo sát các công trình bảo tồn tại các nhà thờ Gothic Anh, ưu tiên lớn nhất đối với những người tham gia phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris là lắp đặt một mái che tạm thời phía trên nhà thờ. Điều này sẽ giúp các chuyên gia tiến hành kiểm tra chi tiết bên trong nhà thờ, đặc biệt là tính toán xem có bao nhiêu cấu trúc cần được bảo vệ.
“Các kiến trúc Gothic đòi hỏi sự cân bằng. Tòa nhà đứng vững được nhờ tất cả các cấu trúc ép chặt lại với nhau. Tuy nhiên các cột trụ từng nâng đỡ cho toàn bộ nhà thờ trước đây bây giờ có thể bị xô lệch”, ông Burton nói.
Theo ông Burton, sau khi bảo vệ những phần còn sót lại của Nhà thờ Đức Bà Paris, đội ngũ phục dựng có thể bắt đầu đánh giá mức độ thiệt hại. Riêng quy trình này có thể kéo dài vài năm.
Đội khảo cổ
Để các nhà chức trách Pháp có thể đưa ra quyết định về việc sẽ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris như thế nào, họ cần hiểu rõ các nhà thờ trung cổ đã được xây dựng ra sao.
“Nhà thờ Đức Bà Paris gần như không có hồ sơ xây dựng. Chúng ta đều biết quá trình xây dựng nhà thờ bắt đầu từ năm 1163 và về cơ bản được hoàn tất vào khoảng năm 1240. Ngoài ra, không có thông tin về quá trình xây dựng”, nhà sử học Foyle cho biết.
“Bằng chứng cho sự phát triển của nhà thờ nằm ở kết cấu vật lý của tòa nhà. Do vậy, cần một đội quân gồm các nhà khảo cổ học để hiểu rõ hơn phần nào cần sửa chữa”, ông Foyle nói thêm.
Kiến trúc sư Peter Riddington, người từng tham gia tu sửa lâu đài Windsor ở Anh sau vụ cháy vào năm 1992, cho rằng một trong những bước đầu tiên cần làm là tiến hành đánh giá khảo cổ nhà thờ.
Theo ông Riddington, các nhà điều tra sẽ quyết định chia sàn nhà thành các ô vuông và giao cho một nhóm đi khảo sát mọi ngóc ngách. Nhóm này sẽ nhặt bất kỳ thứ gì còn hữu ích để tái sử dụng chúng trong quá trình phục dựng sau này, hoặc sao chép sang các phiên bản mới.
“Quy trình này có thể tạo ra hàng ngàn khay chứa những mảnh vỡ và đồ vật giá trị”, ông Riddington nói.
Sau khi kết thúc quá trình khảo sát, các ủy ban chuyên gia sẽ được thành lập để tính toán từng yếu tố, từ mảnh kính mờ cho tới lớp mạ vàng. Sau đó kiến trúc sư trưởng sẽ đưa ra bản thiết kế tổng thể cho quá trình phục dựng.
Một chương mới trong lịch sử
Giàn giáo phục vụ cho hoạt động trùng tu nhà thờ còn trơ khung sau vụ cháy (Ảnh: PA)
Mục tiêu của quá trình phục dựng không phải lúc nào cũng là sao chép y nguyên quá khứ. Các công nghệ và thị hiếu hiện đại có thể ảnh hưởng tới cách phục dựng công trình từng bị phá hủy.
Các nhà chức trách Pháp có thể mong muốn trung thành với thiết kế nguyên bản của Nhà thờ Đức Bà Paris. Tuy nhiên, Pháp cũng có thể chọn một hướng đi mới mẻ táo bạo hơn trong quá trình phục dựng một trong những công trình biểu tượng quốc gia.
“Chúng tôi cho rằng nhà thờ sẽ được khôi phục lại như trước khi xảy ra vụ cháy, tuy nhiên đó không phải là cách duy nhất. Nhà thờ đã từng bị cháy trong quá khứ và sau đó được xây dựng lại theo các phong cách khác nhau qua các năm”, kiến trúc sư Riddington nói thêm.
Ngọn tháp bị sụp đổ trong vụ cháy vào tối 15/4 tại Nhà thờ Đức Bà Paris từng bị gãy trước khi được dựng lại trong đợt tu sửa quy mô lớn vào thế kỷ 19. Theo thiết kế của kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc, ông dựng ngọn tháp cao hơn và tỉ mỉ hơn so với phiên bản gốc trước đó. Ngoài ra, đợt trùng tu vào thế kỷ 19 cũng dẫn tới những thay đổi quan trọng khác của nhà thờ tại khu vực mặt tiền và kiến trúc bên trong.
“Đây không phải công trình được bảo tồn hoàn hảo và bị phá hủy hoàn toàn vào tối 15/4. Bạn phải hình dung đây là một chương mới trong lịch sử kéo dài của sự sáng tạo, phá hủy và sửa chữa. Nhà thờ đã sống sót qua các cuộc chiến tranh, qua các cuộc cải cách và tôi nghĩ đây sẽ là một chương mới trong lịch sử của nhà thờ”, ông Foyle nhận định.
Thợ thủ công lành nghề
Các lao động và thợ thủ công lành nghề, bao gồm thợ xây, thợ mộc, thợ điêu khắc sẽ được huy động để tham gia vào dự án phục dựng quy mô lớn.
“Công việc này không thể tiến hành nhanh chóng, có lẽ mất từ 10-12 năm. Đây là cơ hội để Pháp đào tạo các thợ thủ công không chỉ cho công trình Nhà thờ Đức Bà Paris, mà còn cho các các công trình và thảm họa khác. Đây không phải là vụ việc cuối cùng”, John David, thợ xây với hơn 45 năm kinh nghiệm và từng tham gia phục dựng nhà thờ York Minster lớn nhất tại Anh sau vụ cháy năm 1984, cho biết.
Thành Đạt
Tổng hợp