1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Chặng đường đàm phán chông gai giữa Mỹ và Triều Tiên

(Dân trí) - Bình Nhưỡng và Washington từng nhiều lần nỗ lực đối thoại, song đều không đạt được kết quả như kỳ vọng. Tính đến nay, vẫn chưa có tổng thống Mỹ đương nhiệm nào từng gặp, hoặc đơn giản là gọi điện, cho một nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/3 khiến nhiều người bất ngờ khi tuyên bố đồng ý gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nếu thực tế diễn ra đúng như vậy, đây sẽ là một trong những cuộc gặp ở cấp cao nhất giữa chính quyền Mỹ và Triều Tiên.

1994 - Bản thỏa thuận khung

Cựu Tổng thống Jimmy Carter gặp cố lãnh đạo Kim Nhật Thành năm 1994 (Ảnh: KCNA)
Cựu Tổng thống Jimmy Carter gặp cố lãnh đạo Kim Nhật Thành năm 1994 (Ảnh: KCNA)

Mặc dù chưa có tổng thống Mỹ đương nhiệm nào từng gặp mặt các nhà lãnh đạo Triều Tiên, song hai cựu Tổng thống Mỹ đã làm được điều này.

Cựu Tổng thống Jimmy Carter từng gặp nhà lập quốc Triều Tiên Kim Nhật Thành vào năm 1994. Ngược lại với mong muốn của đương kim tổng thống khi đó là ông Bill Clinton, ông Carter vẫn tới thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên sau khi các cơ quan tình báo Mỹ cho biết Triều Tiên có thể đang xử lý plutonium để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Cuộc gặp giữa ông Carter và ông Kim Nhật Thành, người qua đời 3 tuần sau đó, đã dẫn tới một Thỏa thuận khung. Theo thỏa thuận này, Triều Tiên nhất trí dừng việc xây dựng hai lò phản ứng có thể được sử dụng để sản xuất nhiên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Triều Tiên sẽ nhận được viện trợ về dầu và Mỹ sẽ giúp Bình Nhưỡng xây dựng hai lò phản ứng nước nhẹ để sản xuất năng lượng, thay vì nhiên liệu hạt nhân.

Ông Clinton sau đó nhất trí thông qua thỏa thuận với Triều Tiên, tuy nhiên Quốc hội Mỹ vẫn trì hoãn việc chuyển dầu cho Bình Nhưỡng và từ chối dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Theo đó, lời hứa hẹn về hai lò phản ứng nước nhẹ chưa bao giờ thành hiện thực.

2000 - Hàn - Triều đàm phán

Cố lãnh đạo Kim Jong-il nắm tay cố Tổng thống Kim Dae-jung tại Bình Nhưỡng năm 2000 (Ảnh: Yonhap)
Cố lãnh đạo Kim Jong-il nắm tay cố Tổng thống Kim Dae-jung tại Bình Nhưỡng năm 2000 (Ảnh: Yonhap)

Là người kế nhiệm cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, ông Kim Jong-il năm 2000 đã có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Kim Dae-jung tại thủ đô Bình Nhưỡng. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc kể từ sau chiến tranh liên Triều (1950-1953).

Cuộc đối thoại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, một đồng minh thân cận của Mỹ, đã mang đến tình hữu nghị chưa từng có giữa hai quốc gia láng giềng. Hàng loạt dự án chung giữa hai nước cũng đã được thiết lập, bao gồm một khu công nghiệp ở Kaesong.

Tuy nhiên, chính sách Ánh Dương của cố Tổng thống Kim Dae-jung, vốn hướng đến việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên, không còn nhận được sự tin cậy sau khi một cuộc điều tra tiết lộ rằng chính phủ Hàn Quốc đã rót 450 triệu USD cho Bình Nhưỡng không lâu trước khi cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright gặp ông Kim Jong-il năm 2000 (Ảnh: NYT)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright gặp ông Kim Jong-il năm 2000 (Ảnh: NYT)

Cũng trong năm 2000, cố lãnh đạo Kim Jong-il đã mời cựu Tổng thống Bill Clinton tới Triều Tiên. Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Madeleine K. Albright đã đi thay nhà lãnh đạo Mỹ. Bà Albright tới Bình Nhưỡng với nỗ lực mở rộng Thỏa thuận khung, bao gồm việc thuyết phục Triều Tiên dừng các vụ thử tên lửa đạn đạo mà nước này đang phát triển và bán ra bên ngoài.

Các quan chức chính quyền Clinton cho biết một thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên đã đạt được, song không có văn kiện nào được ký kết trước khi cựu Tổng thống Clinton rời Nhà Trắng và người kế nhiệm ông là cựu Tổng thống George W. Bush nhậm chức năm 2001.

Từ 2002-2006 - Thử bom hạt nhân

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp tại New York hồi tháng 10/2006 sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên (Ảnh: Getty)
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp tại New York hồi tháng 10/2006 sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên (Ảnh: Getty)

Thỏa thuận Khung sụp đổ vào năm 2002 sau khi Mỹ căng thẳng với Triều Tiên vì phát hiện chương trình làm giàu uranium bí mật của Bình Nhưỡng với trang thiết bị từ Pakistan. Mỹ cũng dừng việc vận chuyển dầu cho Triều Tiên trong khi Bình Nhưỡng tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân.

Cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã diễn ra với các đại diện của Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ. Năm 2005, Triều Tiên tuyên bố sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân và các chương trình hạt nhân đang phát triển để đổi lấy sự đảm bảo về an ninh. Tới năm 2006, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên của nước này.

Từ 2007-2011 - Đàm phán 6 bên sụp đổ

Cựu Tổng thống Bill Clinton gặp ông Kim Jong-il năm 2009 (Ảnh: KCNA)
Cựu Tổng thống Bill Clinton gặp ông Kim Jong-il năm 2009 (Ảnh: KCNA)

Vào năm 2007, cố lãnh đạo Kim Jong-il và Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Roh Moo-hyun đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai. Hội nghị kết thúc bằng một thỏa thuận với mục tiêu tăng cường quan hệ liên Triều và giảm căng thẳng ở khu vực lãnh hải tranh chấp ở bờ biển phía tây của bán đảo Triều Tiên. Tuy vậy, thỏa thuận này được đưa ra vào cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Roh Moo-hyon và nhanh chóng đổ vỡ dưới thời chính quyền kế nhiệm.

Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên rốt cuộc đã sụp đổ vào năm 2009, phần lớn liên quan tới những nghi vấn về việc cho phép các thanh sát viên quốc tế tới các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Cũng trong năm 2009, ông Bill Clinton tới Triều Tiên gặp cố lãnh đạo Kim Jong-il với tư cách là cựu Tổng thống Mỹ. Mục đích của chuyến đi nhằm đảm bảo việc trả tự do cho 2 nhà báo Mỹ là Euna Lee và Laura Ling.

Năm 2011, ông Kim Jong-il qua đời và con trai út của ông là nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền điều hành đất nước.

2012 - Sự kiên nhẫn của Obama

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một vụ phóng vũ khí năm 2012 (Ảnh: KCNA)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một vụ phóng vũ khí năm 2012 (Ảnh: KCNA)

Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama theo đuổi chiến lược tăng cường trừng phạt Triều Tiên và gọi đây là sự kiên nhẫn chiến lược. Mặc dù vậy, các cuộc gặp giữa các quan chức ngoại giao hai nước vẫn được tiếp tục.

Một thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên dường như đã đạt được vào ngày 29/2/2012. Theo thỏa thuận này, Bình Nhưỡng sẽ cho phép các thanh tra viên quốc tế về vũ khí hạt nhân quay trở lại Triều Tiên và nhất trí dừng các chương trình vũ khí hạt nhân cũng như tên lửa tầm xa. Đổi lại, Triều Tiên sẽ nhận được viện trợ lương thực từ Mỹ.

Tuy nhiên, thỏa thuận này nhanh chóng “chết yểu” sau khi Triều Tiên phóng tên lửa để mang vệ tinh lên quỹ đạo - điều mà Mỹ cho là nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa.

Từ 2016-2017 - Lãnh đạo khẩu chiến

Tổng thống Donald Trump chỉ trích Triều Tiên ngay trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9/2017 (Ảnh: NYT)
Tổng thống Donald Trump chỉ trích Triều Tiên ngay trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9/2017 (Ảnh: NYT)

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ứng viên tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẵn sàng đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un để thuyết phục Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân. Tuy nhiên sau cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier, người bị Triều Tiên bắt giữ và kết án 17 năm tù trước khi trả về Mỹ năm 2017, ông Trump đã lên án mạnh mẽ chính quyền ông Kim Jong-un.

Cũng trong năm đầu nhậm chức của ông Trump, Triều Tiên thử hàng loạt tên lửa với tầm phóng xa hơn, có thể đe dọa lãnh thổ Mỹ. Bình Nhưỡng cũng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và là vụ thử mạnh nhất từ trước đến nay của nước này.

2017 cũng là năm chứng kiến cuộc “khẩu chiến” giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tổng thống Mỹ gọi ông Kim Jong-un là “Người tên lửa”, còn nhà lãnh đạo Triều Tiên mô tả ông Trump là “ông già lẩm cẩm loạn trí”.

Ông Trump thậm chí dọa trút “hỏa lực và thịnh nộ” và “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu nước này đe dọa Mỹ. Đáp lại, Bình Nhưỡng cảnh báo đang lên kế hoạch tấn công đảo Guam - nơi Mỹ triển khai căn cứ không quân trọng yếu.

2018 - Đảo chiều sau Olympic

Phó Tổng thống Mike Pence (phải) ngồi phía trước em gái ông Kim Jong-un tại lễ khai mạc Thế vận hội ở Hàn Quốc hôm 9/2 (Ảnh: NYT)
Phó Tổng thống Mike Pence (phải) ngồi phía trước em gái ông Kim Jong-un tại lễ khai mạc Thế vận hội ở Hàn Quốc hôm 9/2 (Ảnh: NYT)

Những ngày đầu năm 2018, ông Kim Jong-un tuyên bố sở hữu nút bấm hạt nhân có thể phát động một cuộc tấn công nhằm vào lục địa Mỹ. Tổng thống Trump sau đó đáp trả bằng tuyên bố có nút bấm “to và uy lực hơn” của ông Kim Jong-un.

Hồi tháng 2, nhà lãnh đạo Triều Tiên nhất trí cử đoàn vận động viên và quan chức cấp cao sang Hàn Quốc dự Thế vận hội mùa Đông. Động thái này đã giúp giảm nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Mỹ cũng cử hai đoàn quan chức cấp cao do Ivanka Trump, con gái Tổng thống Trump, và Phó Tổng thống Mike Pence dẫn đầu tới Hàn Quốc.

Sự cải thiện trong quan hệ Hàn - Triều đã kéo theo những tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ - Triều. Hiện tại, cả thế giới đang trông chờ cuộc gặp mặt lịch sử giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra trong tháng 5.

Thành Đạt

Theo NYT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm