1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cây cầu có thể thổi bùng căng thẳng Ấn Độ - Trung Quốc tại Himalaya

Đức Hoàng

(Dân trí) - Việc Trung Quốc liên tiếp xây cầu ở khu vực nước này tranh chấp chủ quyền với Ấn Độ tại Himalaya có thể khiến căng thẳng giữa 2 nước láng giềng thêm leo thang.

Cây cầu có thể thổi bùng căng thẳng Ấn Độ - Trung Quốc tại Himalaya - 1

Một máy ủi trên con đường gần hồ Pangong Tso ở khu vực Himalaya (Ảnh: SCMP).

Theo SCMP, ngay cả khi các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang gặp khó khăn, căng thẳng biên giới giữa 2 nước có thể sẽ có thêm một vấn đề mới: Trung Quốc tiếp tục xây một cây cầu ở hồ Pangong Tso ở Himalaya, chỉ vài tuần sau khi họ vừa xây chiếc đầu tiên.

Cả 2 công trình đều nằm trong khu vực Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Ấn Độ. Phía New Delhi ước tính cây cầu thứ 2 dài 450m và rộng 10m.

Theo các quan chức quân sự Ấn Độ, các cây cầu sẽ cho phép Trung Quốc di chuyển nhanh chóng khí tài quân sự và quân nhân băng qua hồ dài 130km và sâu từ 2-6km.

Sau khi xây xong cầu, quân đội Trung Quốc sẽ không phải di chuyển dọc theo vòng cung phía đông của hồ để tiếp cận căn cứ quân sự tại Rutog mà họ có thể đi con đường dễ dàng hơn rất nhiều. Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ước tính thời gian đi lại sẽ được cắt giảm từ 12 giờ đến 3-4 giờ.

Nằm cách Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) giữa Trung Quốc và Ấn Độ chỉ vài km, các chuyên gia New Delhi cảnh báo rằng cây cầu có thể dẫn đến leo thang xung đột căng thẳng hơn, khiến 2 nước gia tăng quân sự hóa khu vực và làm giảm triển vọng có thể giải quyết tình trạng tranh chấp chủ quyền vốn đã kéo dài hàng chục năm qua.

"Cả hai bên đều đã rút lực lượng khỏi LAC, nhưng phía Trung Quốc vẫn giữ quân lại tại các khu vực xung quanh Pangong Tso. Với cây cầu mới được xây này, New Delhi có thể tin rằng Trung Quốc đã không giảm leo thang căng thẳng và khả năng Trung Quốc di chuyển sang khu vực Ấn Độ kiểm soát là có thể xảy ra", Trung tướng đã nghỉ hưu Rakesh Sharma của Ấn Độ nhận định.  

Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ ở Himalaya leo thang dữ dội vào tháng 5/2020 sau vụ đụng độ chết người ở tại khu vực Himalaya - nơi 2 bên đều tuyên bố chủ quyền.

Ít nhất 24 người ở 2 bên đã thiệt mạng trong vụ đụng độ. Đây được xem là lần đầu tiên trong hơn 40 năm, một vụ đụng độ ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ gây chết người.

Kể từ cuộc giao tranh, căng thẳng giữa 2 nước liên tục leo thang khi các bên đều triển khai quân nhân và vũ khí dồn dập tới các điểm "nóng". Tuy nhiên, hai nước sau đó đã thống nhất xuống thang căng thẳng ở biên giới và cũng bắt đầu rút bớt quân, xe tăng, khí tài quân sự khỏi khu vực Ladakh.

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm