1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ - Trung Quốc "nóng" chuyện tranh chấp biên giới

(Dân trí) - Căng thẳng ở khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã bị đẩy lên cao trong những ngày qua sau khi hai bên không có dấu hiệu "nhượng bộ" lẫn nhau.


Một khu vực biên giới Trung - Ấn (Ảnh: The Nation)

Một khu vực biên giới Trung - Ấn (Ảnh: The Nation)

Từ tháng trước, Trung Quốc và Ấn Độ đã đối đầu nhau ở khu vực Dokalam, gần ngã ba biên giới Bhutan trong hơn 3 tuần qua sau khi phía quân đội Trung Quốc xây dựng một con đường ở đây. Doka La là tên Ấn Độ của khu vực này trong khi Bhutan gọi là Dokalam còn Trung Quốc tuyên bố đây là một phần của khu vực Donglang. Kể từ khi xảy ra căng thẳng, Ấn Độ và Trung Quốc đã bổ sung thêm các đơn vị tới khu vực để đề phòng nguy cơ va chạm.

Bắc Kinh cáo buộc New Delhi viện cớ Trung Quốc xây đường gần biên giới để đưa lính biên phòng Ấn Độ vào khu vực Donglang để cản trở việc mở đường. Quân đội hai nước sau đó đối đầu tại một thung lũng chiến lược do Trung Quốc kiểm soát, nơi chia tách Ấn Độ và Bhutan.

Trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Trung Quốc leo thang, Ấn Độ ngày 12/7 đã cho phép quân đội mua ngay lập tức các loại vũ khí chuẩn bị cho "chiến tranh ngắn hạn".

Gây sóng gió trong quan hệ song phương

Theo Phó Giám đốc của Chương trình châu Á thuộc Trung tâm Wilosn (Mỹ), ông Michael Kugelman, căng thẳng tại khu vực biên giới đang phủ bóng đen lên quan hệ song phương. Từ phía Trung Quốc, có tin cho rằng nước này sẽ tìm cách không để Ấn Độ gia nhập Nhóm các nước cung cấp hạt nhân, đồng thời tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với Pakistan - quốc gia láng giềng đối thủ của Ấn Độ.

Trung Quốc và Ấn Độ có chung 3.500 km đường biên giới, phần lớn vẫn đang tranh chấp. Trong nhiều năm qua, tranh chấp chủ quyền dai dẳng ở khu vực biên giới giữa hai nước đã dẫn tới các cuộc đối đầu, đe dọa hòa bình khu vực.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng đánh tiếng tuyên bố không ủng hộ sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc - một dự án mà Bắc Kinh đặt rất nhiều kỳ vọng.

Tuy nhiên, ông Kugelman cho rằng tình hình tại Doklam có thể sẽ không chỉ là vấn đề tranh chấp biên giới có ảnh hưởng tới quan hệ song phương mà còn cả khu vực. Ông Kugelman nhận định: "Trung Quốc muốn gửi đi một thông điệp cứng rắn. Cần lưu ý rằng việc binh sĩ Trung Quốc tiến vào khu vực Doklam trong thời điểm Tổng thống Ấn Độ Nadrenda Modi ở thăm Mỹ là không phải ngẫu nhiên".

Các chuyên gia đánh giá có thể căng thẳng sẽ leo thang dẫn tới xung đột, đặc biệt là sau khi hai nước tăng cường thêm binh sĩ tới khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, theo ông Kugelman, xung đột sẽ không có lợi cho quan hệ song phương nói riêng và cả khu vực nói chung, đặc biệt là khi quan hệ thương mại song phương luôn được cả Trung Quốc và Ấn Độ coi trọng và mỗi nước đều có những vấn đề an ninh riêng nên xung đột sẽ chỉ làm tình hình trong nước thêm phức tạp.


Khu vực trung tâm của cuộc tranh chấp lãnh thổ (Ảnh: Google Maps)

Khu vực trung tâm của cuộc tranh chấp lãnh thổ (Ảnh: Google Maps)

Ấn Độ quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc

Cũng về vấn đề tranh chấp trên và thái độ cương quyết của Ấn Độ, nhiều ý kiến cho rằng New Delhi đang ngày càng quan ngại về sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực Nam Á và việc bùng phát căng thẳng sau khi quân đội nước láng giếng tìm cách xây dựng con đường ở Doklam chỉ là vấn đề thời gian. Hiện các dự án xây dựng lớn có sự tham gia của các nhà thầu Trung Quốc đã xuất hiện ngày càng nhiều ở những quốc giá láng giếng của Ấn Độ trong khu vực Nam Á như Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka.

Ông Abhijit Singh, chuyên gia của Tổ chức Quan sát Nghiên cứu tại New Delhi nhận định: "Nhìn theo một cách khác, Ấn Độ đang bị vây bởi những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong khu vực. Có thể họ lo ngại rằng những dự án xây cảng có sự hiện diện của Trung Quốc ở Pakistan, Sri Lanka hay Bangladesh rồi một ngày nào đó sẽ được sử dụng để Bắc Kinh triển khai các hạm đội tới".

Đầu tháng này, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cũng dẫn lời các chuyên gia an ninh trong nước đề cập tới khả năng xung đột ở biên giới nếu vấn đề ở Doklam không được giải quyết ổn thoả.

Hiện phía Ấn Độ đã đánh tiếng muốn thảo luận để tìm phương án giải quyết cho vấn đề tranh chấp biên giới. Theo kế hoạch, Cố vấn An ninh Quốc gia (NSA) Ấn Độ Ajit Doval sẽ tới Bắc Kinh vào ngày 26/7 tới để tham dự cuộc họp thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi). Dự kiến trong chuyến thăm, ông Doval cũng sẽ có cuộc gặp song phương với quan chức hàng đầu của Trung Quốc để tìm kiếm các biện pháp giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới tại khu vực Doklam.

Tuy nhiên, các nguồn tin từ New Delhi cho biết Ấn Độ sẽ tìm kiếm một giải pháp chứ không phải là một sự thỏa hiệp về vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh quan điểm của Ấn Độ là rất rõ ràng và không muốn kích động một cuộc xung đột với Trung Quốc. Theo nguồn tin, trong chuyến thăm, ông Doval sẽ nêu những điểm này với đối tác Trung Quốc và khẳng định rõ quan điểm của Ấn Độ.

Ngọc Anh

Tổng hợp