1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Câu hỏi gai góc cho ông Biden trong xung đột Hamas - Israel

Quốc Đạt

(Dân trí) - Trước mắt Tổng thống Joe Biden là câu hỏi hóc búa về chính sách đối ngoại sau cuộc tấn công của Hamas: Làm sao hỗ trợ Israel mà không kéo Mỹ vào cuộc xung đột tiềm tàng tại Trung Đông?

Câu hỏi gai góc cho ông Biden trong xung đột Hamas - Israel - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về xung đột Israel - Hamas (Ảnh: Reuters).

Việc ông Biden quyết định rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021 và giảm sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông đã báo hiệu sự thay đổi trong chính sách ngoại giao để tập trung vào cạnh tranh với Trung Quốc.

Tại Ukraine, Tổng thống Mỹ đã phải cân bằng trong việc viện trợ quân sự cho Kiev để không khiêu khích đối đầu trực tiếp với Nga. Câu hỏi lúc này là liệu ông Biden có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho Israel mà không bị lôi kéo vào cuộc xung đột có thể bùng nổ giữa Mỹ và Iran hay không.

Ông Biden đã kịch liệt lên án các cuộc tấn công của Hamas và tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel. Mối quan hệ thân thiết giữa 2 nước đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ hoạt động quân sự của Israel trong những tuần tới.

Washington cũng đã đề nghị hỗ trợ về công tác lên kế hoạch và tình báo để giúp Israel giải quyết khủng hoảng con tin.

Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group, một công ty tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị, cho rằng việc ông Biden có phản ứng mạnh mẽ trước quy mô và mức độ nghiêm trọng của cuộc tấn công là điều hợp lý.

"Sự hỗ trợ của Mỹ cần diễn ra ngay lập tức và không có yếu tố chính trị, trong bối cảnh mà mọi thứ đều bị chính trị hóa tại Mỹ", ông Bremmer nói.

Câu hỏi gai góc cho ông Biden trong xung đột Hamas - Israel - 2

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thề sẽ "xóa sổ" lực lượng Hamas sau vụ tấn công (Ảnh: AP).

Tổng thống Biden đã tuyên bố triển khai thêm khí tài quân sự của Mỹ tới khu vực, bao gồm việc điều nhóm tàu sân bay thứ hai, để ngăn Hezbollah - lực lượng do Iran hậu thuẫn - tham gia vào cuộc xung đột và ngăn chặn sự leo thang hơn nữa của Tehran. Nhóm tàu sân bay USS Gerald R. Ford đã đến gần Israel vào hôm 10/10.

Cố vấn an ninh quốc gia, Jake Sullivan, cho biết hiện không có kế hoạch đưa quân nhân Mỹ vào Israel. Một quan chức quân sự Mỹ khác khẳng định rằng nước này không có kế hoạch cử lực lượng đặc nhiệm đến Dải Gaza để giải cứu con tin.

Natan Sachs, Giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Đông thuộc Viện Brookings, cho rằng ông Biden sẽ tránh gửi quân Mỹ đến khu vực, nhưng ông cũng không loại trừ việc cho phép hải quân hoặc không quân hỗ trợ Israel nếu Hezbollah tham chiến.

"Đó là một bước ngoặt lớn", ông Sachs nói. "Điều đó sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc chiến. Nó cũng sẽ làm phức tạp mọi thứ đối với ông Biden".

Các cuộc tấn công vào Israel đã tạo ra thêm thách thức chính sách đối ngoại cho ông Biden khi trước mắt ông là cuộc tái tranh cử đầy khó khăn và chủ nghĩa biệt lập đang dần trỗi dậy ở nước Mỹ.

Thách thức ấy còn xuất hiện khi ông Biden đang tìm cách đảm bảo Quốc hội Mỹ sẽ thông qua gói viện trợ hàng tỷ USD cấp thiết cho Ukraine, nhưng lại đối mặt sự cản trở của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Câu hỏi gai góc cho ông Biden trong xung đột Hamas - Israel - 3

Bố mẹ bế con gái bị thương trong vụ đánh bom của Israel ở trung tâm thành phố Gaza vào Bệnh viện Al-Shifa (Ảnh: New York Times).

Trong khi đó, Israel đang trở thành chủ đề gây chia rẽ trong đảng của ông Biden, với việc ngày càng ít đảng viên Dân chủ có cùng quan điểm ủng hộ Israel với Tổng thống Mỹ.

Một cuộc thăm dò của Gallup công bố vào tháng 3 cho thấy 49% đảng viên Dân chủ cho rằng thiện cảm của họ nghiêng về phía Palestine, trong khi 38% cho biết họ nghiêng về ủng hộ người Israel. Đây là sự đảo ngược so với các cuộc khảo sát trước đây của Gallup.

Cuộc thăm dò còn cho thấy Israel nhận được thiện cảm của 78% đảng viên Cộng hòa và 49% cử tri độc lập.

Nhưng như chính ông Biden từng nói, các đường lối chính sách đối ngoại thường mang tính cá nhân. Và Tổng thống Mỹ lại có mối quan hệ rất thân thiết với Israel.

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 10/10, Tổng thống Mỹ nói rằng mình đã gặp Thủ tướng Israel Golda Meir vào năm 1973 khi còn là Thượng nghị sĩ trẻ tuổi và đã được bà tiết lộ về thứ "vũ khí bí mật" của Israel: "Chúng tôi không còn nơi nào khác để đi".

Mối quan hệ của ông Biden với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bắt đầu từ những năm 1980, khi vị thủ tướng tương lai đang phục vụ tại Đại sứ quán Israel ở Washington. Giữa họ thường xuyên xảy ra bất hòa nhưng mối quan hệ quen thuộc ấy đã giúp ổn định quan hệ Mỹ - Israel.

Năm 2014, ông Biden từng kể rằng đã viết lên bức ảnh tặng cho ông Netanyahu một thông điệp: "Bibi, tôi không đồng ý với bất cứ điều chết tiệt nào mà ông nói, nhưng tôi yêu quý ông".

Mối quan hệ ấy sẽ được thử thách trong những tuần và tháng tới.

Theo Wall Street Journal