1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Câu chuyện nam sinh chết đuối sau khi bị bắt nạt gây chấn động Trung Quốc

Thanh Thành

(Dân trí) - Vụ việc một thiếu niên ở Trung Quốc mất tích và sau đó được tìm thấy chết đuối sau khi bị bắt nạt ở trường đã nêu bật vấn nạn bắt nạt học đường ngày càng nhức nhối ở Trung Quốc.

Câu chuyện nam sinh chết đuối sau khi bị bắt nạt gây chấn động Trung Quốc  - 1

Vấn nạn bạo lực học đường ở Trung Quốc khá nghiêm trọng (Ảnh minh họa: AP).

Ngày 26/10, 3 ngày sau khi mất tích, thi thể của thiếu niên Ke Liangwei, 13 tuổi, được tìm thấy tại một địa điểm vắng vẻ ở Trung Quốc. Cậu bé đã bị chết đuối. Chỉ một tuần trước đó, cậu bé đã bị đánh đập và vụ việc này làm dấy lên về vấn nạn bắt nạt học đường nhức nhối ở Trung Quốc.

Một đoạn video quay cảnh một bạn học tát vào mặt thiếu niên này khiến cậu ngã nhào xuống đất trong nhà vệ sinh, trong khi một số bạn khác chỉ đứng nhìn và cổ vũ. Chỉ sau khi mất tích, gia đình mới biết Ke, một học sinh cấp 2 ở thành phố Mậu Danh thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, đã nhiều lần bị bắt nạt ở trường và lần mới nhất là một ngày trước khi mất tích.

Cảnh sát và Sở Giáo dục địa phương đã xác nhận câu chuyện của Ke Liangwei với SCMP hôm 10/11, nhưng cho biết "không cho thấy mối liên hệ giữa việc bắt nạt và cái chết của Ke".

Khi cuộc đời của Ke kết thúc trong bi kịch, vụ việc thật sự đã gây chấn động ở Trung Quốc vì tình trạng bắt nạt học đường phổ biến ở nước này và nhất là việc các nạn nhân thường có xu hướng giữ im lặng.

Một nghiên cứu từ Đại học Sư phạm Trung Quốc (CCNU) ở Vũ Hán cho thấy, khoảng 1/3 trong số 10.000 học sinh từ 6 tỉnh khác nhau cho biết đã từng bị bắt nạt. Trong nhóm đó, 45% chọn cách "giữ bí mật" và chỉ khoảng 25% trong số những người được khảo sát, ở độ tuổi từ 6-18, cho biết sẽ nói với giáo viên hoặc phụ huynh.

Phó giáo sư Fu Weidong, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết, "tỷ lệ này có thấp hơn một chút so với những nghiên cứu trước đó nhưng vẫn cao hơn mức chúng tôi hy vọng". Kết quả khảo sát này cho thấy, Trung Quốc là một trong những quốc gia xảy ra vấn nạn bắt nạt học trường đáng quan ngại thế giới. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết trên toàn cầu, cứ 3 học sinh từ 13-15 tuổi thì có một học sinh bị bắt nạt. 

Vấn nạn nghiêm trọng

Giống như nhiều quốc gia, luật pháp Trung Quốc không có quy định rõ ràng về vấn nạn bắt nạt học đường, nhưng giới chức có thể buộc tội trong những trường hợp dẫn đến thương tích nặng hoặc tử vong. Vì vấn đề bắt nạt thường liên quan đến học sinh, thường là dưới 14 tuổi, nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự là không dễ. Nhưng nếu trong trường hợp vụ việc xảy ra quá nghiêm trọng, người trên 12 tuổi có thể bị truy tố. 

Giáo sư Wang Zhenhui, từ Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết việc thiếu các biện pháp cụ thể để cải tạo những kẻ bắt nạt và giúp đỡ nạn nhân, cùng với các yếu tố khác, khiến vấn nạn trở nên dai dẳng trong các trường học Trung Quốc. "Nếu người bắt nạt không được giáo dục kịp thời và có hiệu quả thì trẻ em không thể sửa đổi hành vi. Chúng lại càng nghĩ bắt nạt người yếu là điều đương nhiên, từ đó có thể nảy sinh các hành động nặng nề hơn, dẫn đến gây nhiều tổn hại hơn cho người khác", ông nói.

Một nữ sinh 17 tuổi ở Thượng Hải cho biết chưa bao giờ được giáo viên dạy về việc bắt nạt học đường. Nữ sinh này cho hay đã chứng kiến một số vụ bắt nạt ở trường nhưng không dám báo cho giáo viên hoặc nhân viên trường học. "Em chỉ nghĩ nạn nhân nên chống trả, nên nhờ bạn bè giúp đỡ", cô bé nói.

Hồi tháng 3, một học sinh đồng tính 16 tuổi tại một trường dạy nghề ở Bắc Kinh đã lên mạng xã hội cầu cứu sau khi ban giám hiệu nhà trường không thiện chí trợ giúp giải quyết tình trạng bị bắt nạt.

Vào tháng 6, Trung Quốc đã thi hành Luật Bảo vệ Trẻ vị thành niên, trong đó yêu cầu tất cả các trường học xây dựng một hệ thống ngăn chặn tình trạng bắt nạt. Bộ Giáo dục nước này cũng đã đưa ra các quy định nhằm mục tiêu cụ thể đến việc "bảo vệ trẻ vị thành niên ở trường", có hiệu lực vào tháng 9.

Trở lại với câu chuyện của cậu thiếu niên xấu số Ke, có thể thấy dù mặc dù giới chức Trung Quốc đã có những nỗ lực để khắc phục vấn đề bắt nạt, mọi chuyện đã quá muộn đối với cậu bé và gia đình.