Vụ nữ sinh bị đánh hội đồng gây rúng động Indonesia
(Dân trí) - Hơn 3 triệu người đã ký tên kêu gọi công lý cho một nữ sinh 14 tuổi tại Indonesia sau khi cô bé bị 12 học sinh trung học đánh đập dã man, phải nhập viện điều trị. Vụ việc gây rúng động mạng xã hội nước này, nhất là sau khi có tin đồn rằng giới chức muốn các gia đình dàn xếp riêng để nhóm nghi phạm không bị ra tòa.
Nạn nhân Audrey được tin là đã bị 3 thủ phạm chính, với sự hỗ trợ của 9 người khác, hành hung cả về thể xác và tình dục. Cô bé hiện đang được điều trị tích cực tại một bệnh viện tư ở Pontianak, tỉnh Tây Kalimantan.
Nhóm hành hung được cho là đã đập đầu Audrey xuống đường, đá vào bụng cô nhiều lần, bóp cổ và đổ nước lên người cô. Một trong số các nghi phạm còn cố thọc tay vào vùng kín của nữ sinh.
Vụ việc xảy ra ngày 29/3 nhưng chỉ được thông báo lên cảnh sát một tuần sau đó do các nghi phạm đưa ra những lời đe dọa.
Audrey được tin là bị tấn công sau khi một người anh họ của cô tan vỡ tình cảm với một trong số các nghi phạm, theo nhiều nguồn tin trên mạng xã hội theo dõi vụ việc.
Nhiều người dùng mạng xã hội đã bày tỏ sự giận dữ về các tin đồn rằng giới chức muốn gia đỉnh Audrey dàn xếp để giúp các nghi phạm vị thành niên không bị ra tòa. Tin đồn này đã thổi bùng phong trào đòi công lý do Audrey, khi cụm từ #JusticeForAudrey (Công lý cho Andrey) gây sốt trên mạng xã hội Twitter khắp thế giới. Một đơn kiến nghị kêu gọi công lý cho nạn nhân cũng thu hút trên 3 triệu người ký tên tính tới chiều ngày 10/4.
“Tôi cho rằng phong trào này là sự tiếp nối của người Indonesia nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với các nạn nhân (bị bạo hành, quấy rối tình dục, đặc biệt liên quan tới phụ nữ), vốn bắt đầu sau khi một sinh viên tại Đại học Gadjah Mada bị một sinh viên khác hãm hiếp”, nhà báo Indonesia Febriana Firdaus chuyên viết về nhân quyền và các vấn đề của phụ nữ, cho hay. “Kể từ đó, mọi người rất sẵn lòng lên tiếng để chống lại bất kỳ hình thức bạo lực hay quấy rối tình dục nào”.
Eka Nurhayati Ishak, người đứng đầu Ủy ban bảo vệ trẻ em (KPPAD) tại tỉnh Tây Kalimantan, cho biết ủy ban này không gợi ý rằng vụ việc nên được giải quyết giữa gia đình Audrey và gia đình các nghi phạm.
“Cái gì sai là sai và cần được giải quyết theo luật pháp”, bà Eka nói.
KPPAD nắm được thông tin từ nạn nhân rằng cảnh sát tỉnh Nam Pontianak đã đề xuất hòa giải và đề nghị nạn nhân tới đồn cảnh sát để gặp các nghi phạm.
“Chúng tôi có mặt ở đây để trợ giúp nạn nhân, và sau khi biết được về ý định hòa giải, chúng tôi cho rằng tiến trình không nên diễn ra như vậy. Với các nghi phạm, cần có sự chỉ bảo và cũng phải có sự răn đe để ngăn chặn chúng lặp lại các hành động tương tự”, bà Eka nói thêm.
Một video được tải lên Instagram quay cảnh các nghi phạm tuyên bố “đang xả hơi” tại đồn cảnh sát đã khiến cư dân mạng thêm giận dữ, vì tin rằng nhóm hành hung - một trong số đó được cho là con của một gia đình giàu có có quan hệ với cảnh sát - không hề ăn năn về hành động của mình.
Giận dữ về vụ việc và sự thiếu niềm tin đối với công lý cho Audrey, một số cư dân mạng đã phản ứng bằng cách vạch trần và chỉ trích các nghi phạm trẻ tuổi.
“Vấn đề là cơ quan thực thi pháp luật của Indonesia. Chúng tôi không tin rằng họ có thể giải quyết vụ việc một cách công bằng”, nhà báo Firdaus cho hay. “Mọi người… đang làm bất kể điều gì mà họ nghĩ là sẽ không để vụ Audrey chìm xuồng”.
Tuy nhiên, nhà báo Firdaus cho rằng việc tài khoản Instagram của một trong số các nghi phạm bị tấn công là hơi quá.
“Tôi nghĩ tất cả mọi người nên bình tĩnh, dù tôi không chắc liệu cảnh sát có hành động gì trong vụ việc nay hay Ủy ban bản vệ trẻ em Indonesia có thực hiện công việc của mình một cách phù hợp hay không”, cô Firdaus nói.
An Bình
Theo SCMP