1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cấp tập viện trợ vũ khí cho Ukraine, Mỹ lộ điểm yếu đáng lo ngại

Thanh Thành

(Dân trí) - Việc nỗ lực cung cấp vũ khí cho Ukraine chống lại Nga khiến Mỹ lộ ra thực tế đáng lo ngại: ngành công nghiệp quốc phòng của nước này khó đáp ứng nhu cầu vũ khí nếu xảy ra một cuộc chiến quy mô lớn.

Cấp tập viện trợ vũ khí cho Ukraine, Mỹ lộ điểm yếu đáng lo ngại - 1

Hàng nghìn quả đạn pháo đã hoàn thiện bên trong nhà máy Scranton vào tháng trước (Ảnh: Washington Post).

Âm thanh rít chói tai vang lên trong nhà máy Scranton khi những quả đạn pháo nóng đỏ được nhúng vào dầu sôi.

Richard Hansen, một cựu chiến binh Hải quân hiện là quản lý nhà máy thuộc sở hữu chính phủ Mỹ, giải thích đây là cách để đảm bảo đầu đạn pháo phát nổ (nhiều khả năng là trên chiến trường ở Ukraine) theo đúng tính toán. "Đó là công việc của chúng tôi, chế tạo những vũ khí quân sự", ông Hansen nói.

Nhà máy đạn pháo quân sự Scranton là một phần trong mạng lưới sản xuất đạn pháo 155mm cho quân đội Mỹ, là điểm khởi đầu cho nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc đẩy nhanh tốc độ viện trợ vũ khí cho Ukraine chống lại Nga.

Kế hoạch tăng quy mô sản xuất đạn pháo trong 2 năm tới của Lầu Năm Góc đánh dấu bước đột phá trong nỗ lực giải quyết "cơn khát" vũ khí của Ukraine. Nhưng cuộc xung đột đã đặt ra những vấn đề sâu xa mà Mỹ phải vượt qua để có thể sản xuất hiệu quả các loại vũ khí cần thiết không chỉ để hỗ trợ các đồng minh mà còn để tự đảm bảo an ninh quốc phòng nếu xung đột nổ ra với một quốc gia nào đó.

Mặc dù tự hào về nguồn ngân sách quân sự lớn nhất thế giới với hơn 800 tỷ USD/năm cùng ngành công nghiệp quốc phòng hiện đại bậc nhất, nhưng Mỹ từ lâu đã phải vật lộn với nhiều khó khăn trong nỗ lực phát triển và sản xuất hiệu quả các loại vũ khí có khả năng đánh bại các nước láng giềng về mặt công nghệ hiện đại.

Những thách thức đó lại một lần nữa nổi lên khi xung đột bùng nổ ở Ukraine  và Washington cũng tính đến khả năng xảy ra cuộc chiến với các cường quốc khác.

Ngay cả khi người dân giảm dần sự ủng hộ đối với những khoản viện trợ khổng lồ dành cho Ukraine và vấn đề này cũng gây chia rẽ nền chính trị Mỹ, cuộc xung đột này làm dấy lên những tranh cãi về yêu cầu phải khắc phục điểm yếu của ngành công nghiệp quốc phòng và tìm kiếm con đường mới nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất vũ khí vào những thời điểm khủng hoảng.

Một số nhà quan sát lo ngại, Lầu Năm Góc đã không quyết liệt trong chiến lược bổ sung ngân sách cho kho vũ khí đạn pháo, vốn được ví là "vũ khí bị bỏ lại" của Mỹ. Báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy, sản lượng hiện tại của các nhà máy Mỹ có thể không đủ để ngăn chặn nguy cơ kho dự trữ các mặt hàng chính mà Mỹ đang cung cấp cho Ukraine bị cạn kiệt.

Ngay cả khi tăng tốc độ sản xuất, có thể sẽ mất ít nhất vài năm, Mỹ mới để phục hồi kho dự trữ tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa đất đối không Stinger và các mặt hàng quan trọng khác.

Nghiên cứu trước đây do nhóm chuyên gia cố vấn của Washington thực hiện phơi bày một vấn đề phổ biến hơn: Tốc độ sản xuất chậm đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ mất tới 15 năm ở mức sản xuất thời bình và hơn 8 năm ở mức thời chiến để lấp đầy trở lại các kho dự trữ gồm những hệ thống vũ khí quan trọng như tên lửa dẫn đường, máy bay có người lái và không người lái, nếu chúng bị phá hủy trong giao tranh hoặc được chuyển viện trợ cho đồng minh.

"Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh"

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Thượng nghị sĩ Jack Reed, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, thừa nhận rằng, "đó là một hồi chuông cảnh tỉnh" khi đề cập đến các vấn đề bộc lộ trong chiến sự ở Ukraine. "Chúng ta phải có một cơ sở công nghiệp có thể đáp ứng rất nhanh với khủng hoảng", ông nói thêm.

Cấp tập viện trợ vũ khí cho Ukraine, Mỹ lộ điểm yếu đáng lo ngại - 2

Những quả đạn pháo gần hoàn thiện xếp thành hàng dưới sàn nhà máy Scranton (Ảnh: Washington Post).

Một năm sau cuộc chiến ở Ukraine, viện trợ quân sự của Mỹ đã lên tới con số  30 tỷ USD. Washington viện trợ cho Kiev mọi thứ từ kính nhìn ban đêm cho đến xe tăng Abrams. Phần lớn vũ khí được lấy từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc trong khi số khác phải được sản xuất tại các nhà máy ở Mỹ.

Các quan chức Mỹ và NATO đã ca ngợi hiệu quả mạnh mẽ của số vũ khí mà họ viện trợ trên chiến trường khi đã giúp quân đội Ukraine cầm chân lực lượng Nga cho đến nay. Nhưng nỗ lực trang bị vũ khí như thế này cũng đã khiến các quan chức Mỹ và châu Âu lo lắng vì có nguy cơ làm cạn kiệt kho dự trữ quân sự của các quốc gia viện trợ và làm lộ ra những lỗ hổng trong năng lực sản xuất của họ.

Trong 8 tháng đầu chiến sự, quân đội Ukraine đã khai hỏa số tên lửa phòng không Stinger đủ dùng trong 13 năm và tên lửa Javelin dùng trong 5 năm, theo Raytheon, công ty sản xuất cả hai loại vũ khí này.

Khi chiến sự ngày càng khốc liệt trong những tháng mùa đông lạnh giá, cuộc chiến trên bộ đã trở thành những cuộc giao tranh đẫm máu, sử dụng nhiều pháo binh hơn nữa. Ước tính chỉ trong vài tháng qua, lực lượng Ukraine đã khai hỏa trung bình 7.700 quả đạn pháo mỗi ngày, vượt xa sản lượng của Mỹ trước xung đột là 14.000 quả đạn 155mm mỗi tháng.

Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, dự đoán việc tăng cường kho dự trữ đạn pháo có thể buộc Lầu Năm Góc phải tăng chi tiêu hơn nữa. Theo ông, động thái này có khả năng chấm dứt kỷ nguyên mà đạn dược chỉ đóng vai trò là "người thanh toán hóa đơn" quân sự, một phần của nguồn ngân sách mà các quan chức có thể cắt giảm để ưu tiên cho các mặt hàng đắt tiền hơn như xe tăng hoặc máy bay chiến đấu.

Hồi tuần trước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Colin Kahl đã nói với các nghị sĩ rằng: "Xung đột Ukraine cho thấy rõ ràng rằng ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta đang không ở mức cần có để có thể sản xuất đủ đạn dược, tăng tốc sản xuất đạn pháo, tên lửa dẫn đường và các mặt hàng khác".

Vấn đề không chỉ giới hạn ở đạn dược cũng như các mặt hàng vũ khí cung cấp cho Ukraine. Theo Mark Cancian, chuyên gia quốc phòng từ CSIS, với tốc độ sản xuất tại các nhà máy hiện nay của Mỹ, họ sẽ mất hơn 10 năm để thay thế phi đội trực thăng UH-60 Black Hawk và gần 20 năm với kho dự trữ tên lửa không đối không tầm trung tân tiến. Lầu Năm Góc cũng sẽ mất tối thiểu 44 năm để có thể thay thế hạm đội hàng không mẫu hạm của mình.

Một phân tích riêng của Lầu Năm Góc cho thấy, vấn đề với ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ bắt nguồn từ kế hoạch hợp nhất các tập đoàn quốc phòng sau Chiến tranh Lạnh, khi chi tiêu quân sự giảm và số lượng quân nhân cũng giảm 1/3.

Trong một thế giới không ai nghĩ sẽ xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn, chính phủ Mỹ từng hoan nghênh làn sóng sáp nhập và mua lại khiến lĩnh vực này bị thu hẹp đáng kể. Có thời điểm, 1.000 công việc liên quan đến lĩnh vực quốc phòng dân sự biến mất mỗi ngày. Vào những năm 1990, Mỹ có 51 nhà thầu quốc phòng và không quân lớn, nhưng đến nay chỉ còn 5. Số lượng các nhà sản xuất máy bay đã giảm từ 8 xuống còn 3. 

Lầu Năm Góc từng thiết kế các chương trình vũ khí để có ít nhất 2 nguồn sản xuất, nhưng theo thời gian, họ bắt đầu coi năng lực dư thừa đó là lãng phí. David Berteau, cựu quan chức phụ trách mua lại của Lầu Năm Góc và là người đứng đầu Hội đồng Dịch vụ chuyên nghiệp, cho biết: "Chúng tôi ngừng mua nhiều hơn mức cần thiết. Chúng tôi ngừng trả nhiều hơn mức cần".

Các quan chức cũng cho rằng, việc chậm trễ trong sản xuất cũng một phần do thiết bị quân sự ngày nay phức tạp hơn so với thời Thế chiến II khi công ty Ford có thể sản xuất một máy bay chiến đấu trong 1 giờ. Vũ khí hiện tại thường yêu cầu vi điện tử và các bộ phận đến từ hàng chục hoặc hàng trăm cơ sở khác nhau. Ví dụ tiêm kích tàng hình F-35 của Lockheed Martin chứa 300.000 linh kiện từ 1.700 nhà cung cấp.

Ông Doug Bush, quan chức phụ trách mua vũ khí chính cho quân đội Mỹ, mô tả quyết định của chính phủ về việc duy trì các cơ sở sản xuất như nhà máy đạn Scranton là một canh bạc đã được đền đáp.

Quân đội nước này hiện có kế hoạch tăng công suất sản xuất đạn 155mm hàng tháng từ khoảng 14.000 hiện nay lên 30.000 vào mùa xuân này, và cuối cùng là 90.000. Quân đội cũng đang chi 80 triệu USD để đưa nguồn thứ hai cho việc sản xuất động cơ tên lửa Javelin, một thành phần quan trọng và có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng lên khoảng 4.000 tên lửa mỗi năm.

Lầu Năm Góc mới đây còn ký hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD với Raytheon để chế tạo thêm 6 hệ thống phòng không NASAMS đang được sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga, nhưng chúng sẽ chỉ sẵn sàng sau ít nhất 2 năm nữa.

Tại nhà máy Scranton, công nhân ở đây mất nhiều ngày mới hoàn thành vỏ đầu đạn pháo rồi chuyển chúng đến một nhà máy ở Iowa, nơi thuốc nổ được nhồi vào quả đạn và vận chuyển cho huấn luyện hoặc chiến đấu. Có thể mất 2-3 tháng kể từ khi đạn pháo rời xưởng Scranton đến khi chúng sẵn sàng được sử dụng.

Không rõ nhà máy Scranton, vốn đã hoạt động 24/7 trong tuần cùng với việc tăng thêm giờ làm vào cuối tuần, có thể mở rộng sản lượng sản xuất của mình đến mức nào. Các quan chức của nhà máy cho biết, tốc độ sản xuất đã không tăng lên kể từ khi chiến tranh Ukraine bùng nổ và họ không biết về kế hoạch tăng cường hoạt động ra sao.

Và nếu quá trình chuyển đổi sản xuất được hy vọng có thể không diễn ra đủ nhanh không đủ nhanh với Ukraine khi Kiev chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn vào mùa xuân này, chiến sự có thể khốc liệt và nguy hiểm hơn nhiều cho chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Châu Âu cũng "lo sốt vó"

Ở châu Âu, các vấn đề cũng nghiêm trọng không kém.

Hồi tháng 2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo thời gian chờ đợi vũ khí cỡ nòng lớn đã tăng hơn gấp 3 lần, có nghĩa là các mặt hàng được đặt hàng bây giờ sẽ phải chờ đến hơn 2 năm mới được nhận.

Tại Đức, nguồn cung cấp đạn dược của nước này được cho là đủ cho 2 ngày chiến đấu trong khi của Anh là chỉ kéo dài 8 ngày.

Để giải quyết những vấn đề đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm cách để tăng tốc sản xuất, có thể sử dụng các thỏa thuận mua trước giống như cuộc chạy đua phát triển vaccine chống Covid-19.

Tại Ukraine, cuộc khủng hoảng đạn dược đang hiện hữu rõ nhất. Ở những nơi như Bakhmut, nơi quân đội Ukraine đang mắc kẹt trong trận chiến khốc liệt với tập đoàn quân sự tư nhân Wagner và binh sĩ Nga. Các lực lượng phòng thủ thừa nhận phải phân phối đạn dược rất chi ly vì số lượng nhận được quá ít.

Nga, với ngành công nghiệp quốc phòng đang bị trừng phạt nặng nề, cũng gặp phải vấn đề tương tự. Theo ông Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine, Điện Kremlin đã buộc phải giảm tốc độ các cuộc không kích do nguồn cung vũ khí chủ chốt ngày càng cạn kiệt, trong đó có tên lửa hành trình Kalibr và Kh-101. 

Theo Washington Post